Ung thư cổ tử cung là gì?

Cổ tử cung của chị em phụ nữ được bao phủ bởi một lớp mô mỏng - lớp mô này được tạo thành từ các tế bào. Ung thư cổ tử cung là do các tế bào ở cổ tử cung (phần dưới của tử cung) bắt đầu phát triển vượt quá mức kiểm soát của cơ thể gây ra. Các tế bào mới này phát triển nhanh chóng và tạo ra khối u trong cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến hàng đầu ở phụ nữ trên thế giới - Ảnh minh họa: Internet

Ung thư cổ tử cung bao gồm 2 loại chính là: ung thư tế bào vảy (là loại phổ biến nhất) và ung thư tế bào tuyến.

Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung

Các nguyên nhân gây ra bệnh ung thư cổ tử cung hiện vẫn chưa được biết rõ ràng. Tuy nhiên, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh là nhiễm virus gây u nhú ở người (HPV) và hút thuốc, vốn sẽ làm sản sinh ra các hóa chất làm tổn hại các tế bào của cổ tử cung và làm bệnh ung thư dễ phát triển hơn.

Ung thư cổ tử cung ở độ tuổi nào?

Ung thư cổ tử cung thường xảy ra với phụ nữ ở độ tuổi 40 - 60, nhưng thường gặp nhất với những người 50 - 55 tuổi

Ung thư cổ tử cung lây qua đường nào?

Bệnh ung thư cổ tử cung là bệnh không lây và không di truyền. Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến ung thư cổ tử cung là HPV lại lây truyền chủ yếu qua đường tình dục.

Đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung

Virus HPV là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư cổ tử cung. Các yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm virus HPV:

  • Nhiều đối tác tình dục hoặc bạn tình quan hệ tình dục với nhiều người khác.
  • Quan hệ tình dục ở độ tuổi vị thành niên (dưới 18 tuổi)
  • Cá nhân có tiền sử bị loạn sản cổ tử cung
  • Gia đình có tiền sử bị ung thư cổ tử cung
  • Hút thuốc
  • Bị mắc một số bệnh lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như nhiễm chlamydia
  • Suy giảm miễn dịch

Dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung

Xuất huyết âm đạo bất thường

Chảy máu âm đạo bất thường là một triệu chứng của bệnh ung thư - Ảnh minh họa: Internet

Một trong những triệu chứng hay gặp nhất của ung thư cổ tử cung là chảy máu âm đạo bất thường (chảy máu âm đạo không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt). Tuy nhiên, mức độ xuất huyết ở âm đạo có thể khác nhau với mỗi người phụ nữ, điểm chung là tất cả đều không rõ nguyên nhân tại sao có hiện tượng ra máu.

Dịch âm đạo bất thường

Trong trường hợp dịch âm đạo tiết ra nhiều bất thường, màu sắc lạ (màu vàng, xanh như mủ hoặc lẫn máu) và có mùi khó chịu... thì rất có thể đó là dấu hiệu của bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu.

Tuy nhiên, những bệnh lý khác ở "vùng kín" như ung thư buồng trứng, viêm vòi trứng... cũng có thể gây ra những dấu hiệu bất thường ở dịch âm đạo. Vì vậy, bạn phải đi khám phụ khoa mới có thể xác định được nguyên nhân chính xác nhất.

Đau hoặc chảy máu sau khi quan hệ

Triệu chứng đau bất thường trong và sau khi quan hệ nên được chị em chú ý - Ảnh minh họa: Internet

Chảy máu hoặc đau sau quan hệ có thể là bình thường. Tuy nhiên, nếu cảm giác này xảy ra thường xuyên thì đó có thể là một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn ở cơ quan sinh sản. Bạn nên đi kiểm tra sớm khi phát hiện dấu hiệu này.

Chu kỳ kinh nguyệt bất thường

Ung thư cổ tử cung sẽ tác động đến quá trình phát triển và rụng trứng cũng như sự cân bằng hormone trong cơ thể. Kết quả là chu kỳ kinh nguyệt của bạn không được bình thường như trước đây. Bạn có thể bị trễ kinh, kinh nguyệt kéo dài hoặc máu kinh nguyệt có màu đen sẫm...

Thay đổi thói quen đi tiểu

Đi tiểu thường xuyên hoặc tiểu gấp có thể sẽ khiến bạn nghĩ tới các bệnh liên quan tới tiết niệu như: viêm bàng quang, nhiễm khuẩn đường tiết niệu... mà không nghĩ rằng ung thư cổ tử cung cũng có triệu chứng này. Do vậy, nếu bạn nhận thấy triệu chứng này kéo dài và ngày càng tồi tệ hơn thì nhất định phải đi khám bác sĩ ngay.

Đau vùng xương chậu

Cùng với xuất huyết bất thường ở âm đạo, các bác sĩ ung bướu cho biết đau vùng chậu là một trong những dấu hiệu khả nghi nhất của ung thư cổ tử cung. Cơn đau này có thể do tế bào ung thư đã lan rộng tới xương chậu. Chị em cần đặc biệt chú ý nếu bị đau xương chậu mà không liên quan đến kỳ kinh.

Đau lưng

Chị em càng phải cảnh giác hơn nếu thấy cơn đau lan xuống chân và thậm chí gây ra sưng (phù) ở chân

Chẩn đoán ung thư cổ tử cung

Bên cạnh các triệu chứng lâm sàng của bệnh thì bác sĩ có thể sử dụng các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh chính xác.

Hầu hết các biến đổi bất thường tại cổ tử cung sẽ được phát hiện bởi xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (hay còn gọi là Pap test). Ngoài ra cũng có thể kết hợp xét nghiệm HPV cùng lúc với xét nghiệm Pap để sàng lọc ung thư cổ tử cung và giúp bác sĩ theo dõi nếu phụ nữ có kết quả xét nghiệm Pap bất thường

Các xét nghiệm khác để phát hiện bệnh ung thư là sinh thiết: một phép sinh thiết trong đó một mẫu mô nhỏ được lấy từ vùng bất thường trên cổ tử cung và gửi đến một phòng thí nghiệm để kiểm tra.

Nếu phát hiện có bệnh ung thư, các xét nghiệm để xác định xem bệnh đã lây lan đến đâu bao gồm xét nghiệm máu, chụp X quang ngực, chụp CT, chụp MRI, chụp PET hoặc nội soi.

Các giai đoạn ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung tiến triển thầm lặng qua các giai đoạn - Ảnh minh họa: Internet

1. Ung thư cổ tử cung giai đoạn 0: Chỉ phát hiện tế bào dị thường trong lớp tế bào lót cổ tử cung.

2. Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1: Chỉ phát hiện khối u trong các mô chính của cổ tử cung.

3. Ung thư cổ tử cung giai đoạn 2: Khối u đã lan ra ngoài cổ tử cung đến âm đạo và các mô gần cổ tử cung.

  • Ung thư cổ tử cung giai đoạn 2a: Ở giai đoạn này các tế bào ung thư đã hình thành và chớm di căn nhưng chưa có ảnh hưởng nghiêm trọng đến phần dưới của âm đạo.
  • Ung thư cổ tử cung giai đoạn 2b: Giai đoạn phát triển, các tế bào đã lan sang các mô ở tử cung

4. Ung thư cổ tử cung giai đoạn 3: Khối u đã lan khắp vùng xương chậu.

5. Giai đoạn cuối: Khối u đã lan ra ngoài vùng xương chậu đến các bộ phận gần đó như bàng quang hay trực tràng. Khối u cũng có thể đã lan đến phổi, gan hay xương, mặc dù điều này hiếm khi xảy ra. Đây là giải đáp cho thắc mắc của nhiều người: ung thư cổ tử cung thường di căn ở đâu.

Cách điều trị ung thư cổ tử cung theo từng giai đoạn

Điều trị ung thư cổ tử cung ở giai đoạn 0

Giai đoạn này là giai đoạn ung thư biểu mô tại chỗ, khi đó, các tế bào bất thường mới xuất hiện trong lớp lót của cổ tử cung, các tế bào chưa ăn sâu xuống mô chính và chưa lan ra các bộ phận khác trong cơ thể.

Ở giai đoạn này, bác sĩ có thể sử dụng nhiều phương pháp điều trị tại chỗ để giữ lại chức năng tử cung và buồng trứng như phương pháp khoét chóp, nghĩa là cổ tử cung sẽ bị cắt một phần nhỏ theo hình nón. Ngoài ra còn có phẫu thuật bằng vòng cắt đốt, laser, hoặc đông lạnh tế bào ung thư bằng nitơ lỏng...

Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn 1

Khi bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung giai đoạn 1, các tế bào ung thư đã xâm lấn mô chính của cổ tử cung nhưng vẫn chưa khu trú sang các cơ quan khác trong cơ thể. 

Điều trị giai đoạn này, bác sĩ sẽ lựa chọn cắt một phần hoặc toàn bộ tử cung kèm theo xạ trị hoặc không. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ để lại mô sẹo sau phẫu thuật, có thể sẽ gây hẹp cổ tử cung, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản do trứng và tinh trùng khó gặp nhau để tạo thành phôi. 

Trường hợp bị cắt bỏ quá nhiều mô, khi phụ nữ có thai trở lại thì nguy cơ sảy thai sẽ cao hơn.

Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn 2, 3

Giai đoạn này, phương pháp điều trị chính là xạ trị phối hợp với hóa trị, hầu hết không thể bảo tồn được chức năng sinh sản. Một số trường hợp mắc bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ tử cung và buồng trứng, kết hợp cùng hóa trị và xạ trị.

Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

Khi bệnh đã tiến triển sang giai đoạn cuối, khối u đã lan ra ngoài vùng chậu, lan sang các bộ phận xung quanh như bàng quang, trực tràng, hoặc di căn đến các bộ phận xa hơn như gan, phổi, xương ...

Ở giai đoạn này, việc điều trị bệnh rất khó khăn và tốn kém, bệnh nhân chủ yếu điều trị bằng cách giảm triệu chứng và kéo dài thời gian sống.

Dinh dưỡng cho người ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung nên ăn gì?

  • Sữa, các sản phẩm được làm từ sữa như phô mai, sữa chua, sữa lắc, sữa chua chua uống.
  • Trứng luộc
  • Gà, thịt nạc, gà tây.
  • Cá gồm cá nước ngọt và nước mặn, cùng các loại sò hến.
  • Trái cây: bao gồm hầu hết các loại cây trái cây như dưa đỏ, xoài, mơ, đào, chuối, cam, kiwi.
  • Rau quả: người mắc bệnh ung thư cổ tử cung nên dùng nhiều loại rau quả trong mỗi bữa ăn, nhất là rau màu xanh, cùng một số loại củ như khoai tây, khoai lang, bí ngô, cà rốt, củ cải, củ sắn. Nhiều loại rau quả màu vàng, đỏ và cam đậm.
  • Thực phẩm nhiều tinh bột có trong các loại hạt, lúa mì, mầm lúa mì, gạo lứt, bột yến mạch, bánh mì ngũ cốc.
  • Các loại đậu: đậu nành, các sản phẩm từ đậu nành, đậu tây, đậu Hà Lan, hạt đậu gà…

Ung thư cổ tử cung không nên ăn gì?

Người bệnh ung thư cổ tử cung kiêng ăn gì là băn khoăn của nhiều chị em, câu trả lời đó là:

  • Các loại thực phẩm đóng hộp, thức ăn nhanh
  • Không dùng quá nhiều những đồ ăn có vị cay, đắng, mặn, nóng
  • Hạn chế dùng thức ăn được chế biến bằng các phương pháp như hun khói, tẩm ướp, nướng, chiên, rán, ngâm…

Cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung

Virus HPV là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư cổ tử cung - Ảnh minh họa: Internet

Quan hệ tình dục an toàn, không quan hệ sớm

Cách phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung mà mọi chị em phụ nữ có thể thực hiện được cho bản thân mình đó là: quan hệ tình dục đúng tuổi, không nên quan hệ quá sớm. Bên cạnh đó, nên thực hiện quan hệ tình dục an toàn, đảm bảo nam giới sử dụng bao cao su cũng là một cách được áp dụng phổ biến hiện nay.

Tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ

Các bác sĩ khuyên tất cả phụ nữ đã có quan hệ tình dục ở độ tuổi 30 - 49 nên làm xét nghiệm sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, bạn cũng có thể làm xét nghiệm sớm hơn nếu thấy biểu hiện bất thường.

Nên bắt đầu sàng lọc sau 2 năm kể từ khi có quan hệ tình dục và thời điểm tốt nhất để thực hiện khám sàng lọc là 2 tuần sau ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt. Khoảng cách thời gian giữa các lần sàng lọc sẽ do bác sĩ tư vấn và tùy thuộc kết quả xét nghiệm.

Tiêm vắc xin phòng ngừa HPV

Với ung thư cổ tử cung chích ngừa HPV là phương pháp phòng ngừa hiệu quả và được nhiều chị em thực hiện nhất hiện nay - Ảnh minh họa: Internet

Đối với các bạn nữ từ 9 đến 26 tuổi, phụ nữ chưa lập gia đình hay chưa quan hệ tình dục thì nên đến bệnh viện và trung tâm tiêm phòng để tiêm ngừa virus HPV với mục đích phòng bệnh.

Sống lành mạnh, tránh xa chất kích thích

Bên cạnh đó, các chị em phụ nữ cần có lối sống lành mạnh, tham gia tập luyện thể dục thể thao điều độ và tránh xa các chất kích thích, rượu bia và thuốc lá. Điều này sẽ giúp chị em giảm nguy cơ mắc bệnh rất nhiều.

Ăn uống điều độ

Một chế độ ăn uống điều độ, hợp lý và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cũng là một cách đơn giản để phòng bệnh. Bên cạnh đó nên sử dụng thực phẩm đạt chuẩn chất lượng, an toàn cho sức khỏe của mình.

Tránh xa stress, áp lực

Ngoài ra chị em phụ nữ nên có một tinh thần sống thoải mái, lạc quan và tránh xa những stress, áp lực trong công việc và cuộc sống hằng ngày. 

Những hoạt động tình nguyện hay tham gia tập luyện yoga nhẹ nhàng, giúp cơ thể thư giãn, giảm căng thẳng sẽ đem lại sức khỏe tinh thần tốt nhất mà còn ngừa được bệnh nguy hiểm này

Ung thư cổ tử cung là một bệnh phức tạp, tuy nhiên nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi. Để bảo vệ sức khỏe bản thân, các chị em hãy chủ động sàng lọc ung thư định kỳ, giúp phát hiện kịp thời các bệnh lý, tăng khả năng chữa trị và đừng quên thực hiện các cách phòng tránh ung thư cổ tử cung đơn giản nêu trên.