Bệnh nhân ngộ độc Botulinum tại TP.HCM phải điều trị thở máy. Ảnh: BVCC.

UBND TP.HCM giao Sở Y tế phối hợp Ban Quản lý An toàn thực phẩm, các đơn vị liên quan tiếp tục cập nhật diễn biến tình hình các trường hợp ngộ độc thực phẩm nghi nhiễm botulinum. Đồng thời, tập trung các biện pháp ngăn chặn, tránh để xảy ra việc ngộ độc tương tự trên địa bàn, kịp thời báo cáo kết quả về UBND TP.

Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện đang điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm nghi nhiễm botulinum theo dõi sát tình trạng người bệnh, tích cực điều trị, đảm bảo an toàn tính mạng cho người bệnh.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố tăng cường xây dựng các bài viết phân tích cụ thể, dễ hiểu về phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Những việc này nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm; không sử dụng các loại thực phẩm không có nhãn mác, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng

UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện được giao phối hợp với các đơn vị có liên kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ việc đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm.

Trước đó, ngày 13/5 cả ba người gồm hai anh em ruột (18 tuổi và 26 tuổi) ăn bánh mì kẹp chả lụa của người bán dạo. Người còn lại là nam 45 tuổi, đã ăn một loại mắm để lâu ngày.

Sau khi ăn xong, đến ngày 14/5, cả ba người rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, đau đầu, choáng váng, tiêu chảy. Tới ngày 25/5, người đàn ông 45 tuổi (ngụ TP Thủ Đức) đã tử vong.