Theo một bài báo được công bố trên tạp chí y học New England, virus LayV được tìm thấy trong mẫu dịch hầu họng của các bệnh nhân bị sốt ở các tỉnh Sơn Đông và Hà Nam (miền Đông Trung Quốc) có tiền sử tiếp xúc với động vật trong thời gian gần đây. Loài virus này thường được tìm thấy ở chuột chù.

Ngoài triệu chứng sốt, các bệnh nhân còn cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, bị ho, đau cơ và buồn nôn.

Virus henipa là một trong những nguyên nhân gây bệnh phổ biến cho động vật ở châu Á – Thái Bình Dương. Virus có thể gây bệnh nặng cho cả động vật và cho người, với tỷ lệ tử vong lên tới 40 – 75%, theo dữ liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Con số này cao hơn nhiều so với tỷ lệ tử vong gây ra bởi virus corona.

Hiện chưa có vắc xin hoặc thuốc đặc trị cho virus henipa, và phương pháp điều trị duy nhất là chăm sóc hỗ trợ để kiểm soát khả năng biến chứng.

Wang Linfa – một chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại trường Y Duke-NUS, người tham gia nghiên cứu, cho biết: “Các ca nhiễm virus Langya đến nay vẫn chưa mắc bệnh nặng đến mức tử vong, nên không cần quá lo sợ. Nhưng chúng ta vẫn cần cảnh giác vì nhiều virus trong tự nhiên sẽ mang lại tác động không lường trước được nếu chúng lây nhiễm sang người.”

Đến thời điểm hiện tại, chưa có thông tin về bất cứ ổ dịch nào liên quan đến virus Langua. Điều đó có nghĩa là giới khoa học chưa thể chứng minh khả năng virus truyền từ người sang người, dù các báo cáo trước đây cho thấy virus vẫn có thể lây lan từ người sang người.

“Virus corona sẽ không phải là căn bệnh truyền nhiễm cuối cùng gây ra đại dịch trên toàn thế giới, vì các bệnh truyền nhiễm mới sẽ ngày càng có tác động lớn hơn đến cuộc sống hàng ngày của con người", Wang Xinyu, Phó trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Huashan thuộc Đại học Fudan nói.

Theo Global Times