Trong một nghiên cứu được tạp chí Nature Communications công bố ngày 9/8, các nhà khoa học cho rằng sự lây truyền virus từ dơi sang người có thể "về cơ bản đã bị đánh giá thấp", nhấn mạnh việc lập bản đồ các loài dơi trong khu vực có thể hỗ trợ tìm kiếm manh mối về nguồn gốc của dịch COVID-19.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã tập trung vào 26 loài dơi được biết đến là vật chủ chứa SARSr-CoV ở khu vực rộng 5,1 triệu km2, trải dài từ Trung Quốc đến Đông Nam Á và Nam Á. Sau đó, họ kết hợp dữ liệu về mức độ kháng thể giữa những người đã báo cáo tiếp xúc với dơi.

Miền Nam Trung Quốc, Đông Bắc Myanmar, Lào nằm trong số những khu vực được xác định có sự đa dạng cao nhất về các loài dơi nhiễm SARSr-CoV. Các nhà khoa học ước tính trung bình khoảng 66.000 người bị nhiễm SARSr-CoV mỗi năm ở Đông Nam Á, cho thấy rằng sự lây lan SARSr-CoV từ dơi sang người là phổ biến trong khu vực. Trong đa số các trường hợp, việc nhiễm SARSr-CoV không được phát hiện trong các chương trình giám sát và nghiên cứu lâm sàng.

Nghiên cứu cho biết những dữ liệu về địa lý và quy mô lan tỏa trên có thể được sử dụng phục vụ cho các chương trình giám sát và ngăn chặn sự xuất hiện những chủng virus nguy hiểm liên quan tới loài dơi trong tương lai. 

Dịch COVID-19 do virus SARS-CoV-2 - một chủng virus corona - gây ra. Virus corona là một họ virus lớn, phổ biến ở nhiều loài động vật khác nhau bao gồm lạc đà, mèo và dơi. Phân tích cây di truyền của virus này đang được giới khoa học tích cực xúc tiến để xác định nguồn gốc cụ thể của virus.