Hướng dẫn cách dạy con học lớp 1 từ bước cơ bản

Việc đầu tiên bố mẹ cần phải chú ý khi dạy con học lớp 1 đó là: không phải kiến thức trong sách giáo khoa là ưu tiên hàng đầu, điều quan trọng nhất cho sự học của con đó là rèn cho con tính tập trung, tập cho bé chịu ngồi vào bàn học, chỉnh tư thế ngồi học đúng, tránh con bị vẹo cột sống ngay từ những ngày đầu tiên. Điều này thường bị các bậc cha mẹ bỏ qua.

Không phải kiến thức trong sách giáo khoa là ưu tiên hàng đầu - Ảnh minh họa: Internet

Tuy nhiên, đây là việc không hề dễ dàng, do trẻ còn nhỏ vẫn mải chơi, vì thế cha mẹ cần kiên trì, nhẫn nại và yêu thương con. Đừng nổi nóng khi trẻ không hiểu và không nghe lời, hãy khiến trẻ làm theo bằng tình yêu mà không phải sự quát mắng hay đòn roi.

Cha mẹ nên cho con làm quen sớm với việc ngồi vào bàn học đúng tư thế. Sau khi trẻ đã quen dần mới bắt đầu giúp con học cách cầm bút, viết chữ ghép từ và rèn chữ đẹp cho con.

Cách dạy con học chữ chuẩn bị vào lớp 1

Có một thực trạng khá bất ngờ hiện nay, ở Việt Nam, nếu trẻ vào lớp 1 mà chưa thuộc bảng chữ cái, bé yêu của bạn sẽ gặp nhiều khó khăn để theo được các bạn.

Cha mẹ thường chuẩn bị kiến thức sơ bộ cho con trước khi chính thức vào học - Ảnh minh họa: Internet

Cha mẹ thường chuẩn bị kiến thức sơ bộ cho con trước khi chính thức vào học, đồng hành cùng con trong giai đoạn đầu, dạy đọc - viết cho con để bé nhanh chóng bắt nhịp học tập với các bạn.

Các mẹo nhỏ trong cách dạy con học lớp 1 sau đây giúp bé dễ nắm quy tắc đọc - viết và biết cách đọc tốt hơn. Cha mẹ nên dạy con theo thứ tự các bước sau.

Dạy bảng chữ cái

Nên cho bé đọc bảng chữ cái theo chiều xuôi, ngược. Sau khi trẻ thuộc mặt chữ, mẹ nên cho con đọc lại chữ ngẫu nhiên, tránh việc bé đọc thuộc vẹt. Cha mẹ nên dạy các bé nguyên âm trước, đó là: o, ô, ơ, a, ă, â, e, ê, i, u, ư, y. Còn phụ âm còn lại dạy sau.

Mỗi khi dạy con 1 chữ, hãy chỉ tay vào mặt chữ, hướng sự chú ý của con vào chữ đó và phát âm, kèm theo thật nhiều ví dụ sinh động.

Nên cho bé đọc bảng chữ cái theo chiều xuôi, ngược - Ảnh minh họa: Internet

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng những tấm card nhỏ đầy màu sắc sặc sỡ, in hình chữ cái, kèm theo hình ảnh minh họa có tên bắt đầu bằng chữ cái đó. Như vậy trẻ sẽ hứng thú hơn và não bộ dễ dàng “in đậm” hình ảnh chữ cái đó vào não bộ.

Không chỉ lúc ngồi vào bàn mới bắt trẻ học, hãy để con học bất cứ lúc nào có thể. Khi đi siêu thị, lúc bé cầm lấy món đồ mình thích, mẹ hãy chỉ tay vào một chữ cái và hỏi con xem đó là chữ gì. Nếu bé quên hãy kiên nhẫn nhắc lại để bé nhớ. Học qua thực tế sẽ là cách giúp trẻ nhớ rất lâu.

Cách dạy trẻ lớp 1 đánh vần - kết hợp các dấu thanh

Sau khi biết mặt chữ nguyên âm, kết hợp các dấu thanh để bé làm quen. Ví dụ u, ư, a, à, á, ả, ạ, ã… Đừng quên dạy con bài thơ “chị huyền mang nặng ngã đau, anh không sắc thuốc hỏi đâu mà lành” để bé dễ nắm 6 dấu câu cơ bản này.

Dạy bé đọc các nguyên âm có dấu thanh từ trên xuống dưới, từ trái qua phải cho quen giọng trước khi chuyển sang học ghép vần. Đặt phụ âm vào trước nguyên âm có dấu là thành từ, thành tiếng.

Mỗi ngày, cho con đọc các từ nguyên âm có dấu, bé sẽ đọc lại 1 nguyên âm 6 lần, như vậy khả năng thuộc chữ cái của con nhanh hơn rất nhiều, bé sẽ nhớ các dấu rất lâu.

Ghép nguyên âm đơn

Ghép phụ âm với nguyên âm đơn tạo ra từ đơn. Ví dụ: C và A là Ca. Cha mẹ chú ý chỉ dạy con các từ có nghĩa trong hệ thống tiếng Việt, không để con gán ghép những từ vô nghĩa.

Cha mẹ chú ý chỉ dạy con các từ có nghĩa trong hệ thống tiếng Việt - Ảnh minh họa: Internet

Khi ghép được nguyên âm đơn, nên cho con biết chữ này nằm trong từ gì. Ví dụ dạy về Ca, chỉ cho con cái ca, Cá là con cá…

Lâu dần, bé sẽ tự phát hiện ra những từ quen thuộc xung quanh. Cha mẹ sẽ hỏi lại con chữ đó có trong từ gì, chẳng hạn “ngon” nằm cùng “món ngon”… Bé sẽ nghĩ 1 lúc và trả lời tốt.

Con trẻ thường quên rất nhanh, đây là đặc điểm thần kinh của trẻ trong độ tuổi này. Đừng mất bình tĩnh khi dạy con, đồng thời gắn kết từ mới học với thực tế, con sẽ nhớ lâu hơn.

Dạy từ đơn có thanh

Sau khi bé biết đánh vần và đọc: ba, bo, bô, bu, bư, bi… chúng ta dạy ghép thêm dấu thanh vào các chữ này để tạo nên từ mới. Đọc cho hiểu ba-huyền-bà, bo-huyền-bò… tạo thành các từ mới ba, bò, bố, bú, bi… Cách dạy trẻ đọc lưu loát này rất tốt khi bé vào lớp học tập.

Không chỉ dạy con biết đọc, ba mẹ phải giảng nghĩa cho con hiểu càng nhiều càng tốt - Ảnh minh họa: Internet

Khuyến khích con đánh vần từ đơn có thanh ở những từ bé thường bắt gặp hàng ngày. Học tốt từ đơn có thanh và giải thích cho bé hiểu từ nào có nghĩa, từ nào không có nghĩa sẽ giúp bé rất nhiều trong việc luyện viết chính tả về sau.

Ghép nguyên âm đôi

Tương tự như nguyên âm đơn, hãy yêu cầu bé ghép các phụ âm đầu vào và thêm dấu thanh, chúng ta sẽ được các từ và các tiếng. Dạy con các tiếng đó phải đặt trong ngữ cảnh nào, phải chỉ cái gì, con gì, sự vật, sự việc gì. Chỉ có thế bé mới nhớ được lâu.

Phương pháp dạy trẻ lớp 1 tập viết

Cách dạy trẻ lớp 1 viết chữ đẹp: Bước đầu tiên chúng ta sẽ cho các con luyện các nét cơ bản song song với các chữ cái có chứa nét đó. Mỗi ngày dạy con học 1 nét. Có tổng cộng 15 nét và 39 chữ cái. Như vậy, mẹ và bé kiên trì trong 2 tháng là hoàn toàn có thể viết được.

Theo kinh nghiệm dạy con học lớp 1, để đạt được hiệu quả cao cần phải được thực hiện theo đúng quy trình. Khi dạy bé đọc chữ, chữ viết thường cần được ưu tiên dạy trước khi chuyển sang chữ viết hoa.

Chữ viết thường là chủ đạo trong tất cả các loại văn bản, sách báo. Còn chữ viết hoa chiếm tỷ lệ nhỏ hơn rất nhiều. Khi bé đã thông thạo các chữ viết thường, mẹ mới chuyển sang chữ viết hoa và nhớ giải thích cặn kẽ để con hiểu rằng: một chữ cái có thể có nhiều cách viết hoa khác nhau.

Dạy con tập đọc song song với tập viết

Sau khi bé đọc tốt từ đơn, viết tốt chữ cái, bố mẹ cho con luyện đọc các từ và các câu có nghĩa. Khi chỉ con đọc câu dài, phụ huynh hãy giúp các bé ngắt hơi, nghỉ hơi đúng dấu chấm, dấu phẩy.

Khi mới học đọc, dĩ nhiên trẻ không thể phát âm chuẩn như người lớn mong muốn. Đừng quá chú trọng điều này mà cố ép con cho bằng được. Điều này sẽ khiến trẻ nản lòng và chán ghét việc học.

Hãy coi việc phát âm chuẩn sẽ là bước tiến mới trong quá trình học tập chứ không phải mục đích cuối cùng. Mẹ cứ yên tâm, qua quá trình giao tiếp hàng ngày, con sẽ sửa chữa được và dần hoàn thiện khả năng phát âm của mình.

Không đòn roi khi dạy học

Thay vì tạo áp lực, trách mắng hay phạt khi bé không đọc đúng như những gì mẹ hướng dẫn thì hãy động viên và tạo thêm hứng thú cho con. Sự vội vàng, nóng nảy chỉ gây tác dụng ngược, khiến trẻ không tập trung, dẫn tới sợ học, ghét học và lười biếng hơn.

Không đòn roi khi dạy học cho trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Đôi khi trẻ quá nghịch ngợm và nhất quyết không chịu học thì mẹ cũng cần có cách xử lý răn đe, dùng đòn roi sẽ chỉ khiến trẻ trở nên cứng đầu khó bảo hơn mà thôi.

Không chỉ dạy con biết đọc, ba mẹ phải giảng nghĩa cho con hiểu càng nhiều càng tốt. Mua cho con các quyển sách đơn giản, dễ hiểu để trẻ tập đọc cho chuẩn. Sau khi đã biết đọc, việc tiếp cận kiến thức của trẻ sẽ dễ dàng và chủ động hơn, cha mẹ sẽ đỡ vất vả trong việc tập đọc tập viết cho con.

Đối với trẻ khi bắt đầu bước vào lớp 1 cũng là lúc bé bị “cắt” bớt thời gian chơi để bước vào giai đoạn học tập nghiêm túc. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cần có cách dạy con học lớp 1 thật tinh tế và khéo léo, đừng quá áp đặt bé phải “cắm đầu” vào học, cần tạo cho bé cảm giác thoải mái và ham học ngay từ nhỏ.