Trẻ sơ sinh bị ngạt mũi vào ban đêm là gì?

Ngạt mũi là tình trạng khoang mũi bị tắc nghẽn do dịch nhầy ngăn bít, làm hẹp đường di chuyển của không khí khiến động tác hít thở gặp nhiều khó khăn.

Trẻ sơ sinh bị ngạt mũi về đêm thường khiến trẻ cảm thấy khó chịu do ở độ tuổi này trẻ chưa học được cách thở bằng miệng.

Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị ngạt mũi khó thở về đêm

Trước khi bạn hoặc bác sĩ nhi khoa quyết định điều trị cho bé, bạn cần phải biết những nguyên nhân gây ra ngạt mũi cho trẻ là gì.

Ngạt mũi là tình trạng khoang mũi bị tắc nghẽn do dịch nhầy - Ảnh minh họa: Internet

Ngạt mũi xảy ra khi mạch máu và các mô trong khoang mũi bị lấp đầy bởi chất lỏng quá nhiều. Điều này có thể làm cho bé bị khó ngủ và dẫn đến các vấn đề nhiễm trùng xoang (viêm xoang).

Cảm lạnh

Nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ sơ sinh ngạt mũi, khó thở là do cảm lạnh. Không chỉ khi thời tiết trở lạnh mà ngay cả mùa hè nóng bức cũng khiến bé dễ bị mắc bệnh.

Ngạt mũi xảy ra khi mạch máu và các mô trong khoang mũi bị lấp đầy bởi chất lỏng quá nhiều - Ảnh minh họa: Internet

Đôi khi do bé mải chơi, đổ nhiều mồ hôi mà lại nằm ngủ phòng máy lạnh cũng khiến bé bị cảm. Trẻ bị sổ mũi do cảm lạnh thường kèm theo các triệu chứng sốt nhẹ, ho, đau họng, chảy nước mắt và hắt hơi.

Dị ứng

Một số trẻ rất mẫn cảm với môi trường, bé có thể dị ứng với thời tiết, phấn hoa, độ ẩm không khí hoặc khói bụi. Ngạt mũi do dị ứng thường kèm hắt hơi, ngứa mũi và đỏ mắt.

Ngạt mũi sơ sinh

Nhiều bé sơ sinh khi về nhà đã thở khò khè và có dấu hiệu ngạt mũi. Nếu trẻ chỉ ngạt mà không kèm dấu hiệu khác có thể là do nước nhầy bào thai chưa được hút sạch hết khỏi đường hô hấp của trẻ.

Cúm

Bé bị sổ mũi do cúm thường mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, chóng mặt và chán ăn.

Dị vật trong mũi

Nhiều bé sơ sinh khi về nhà đã thở khò khè và có dấu hiệu ngạt mũi  -Ảnh minh họa: Internet

Đây là nguyên nhân làm nhiều trẻ sơ sinh bị ngạt mũi thở khò khè nhưng cha mẹ không biết. Do trong lúc chơi trẻ vô tình hay cố ý cho món đồ chơi nhỏ lọt vào mũi. Nhiều trường hợp khiến trẻ bị ngạt đường thở gây đau và chảy máu mũi.

Khi nào bạn cần đưa trẻ đi khám?

Thường xuyên sốt cao.

Chất nhầy trong mũi có màu xanh hoặc vàng.

Trẻ khó thở hoặc thở rất nhanh. Nếu trẻ dưới 2 tuổi thở hơn 45 lần một phút, bạn hãy đưa trẻ đến bác sĩ ngay.

Trẻ khó chịu ở tai, có nguy cơ nhiễm trùng.

Phát ban.

Ngạt mũi cùng với sưng trán, mắt, mũi hoặc má.

Ngạt mũi hơn 2 tuần trở lên.

Khó khăn khi ăn uống hoặc biếng ăn.

Con quấy khóc hay có biểu hiện đau đớn.

Làm gì khi trẻ sơ sinh bị ngạt mũi về đêm?

Rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý 0.9% và vệ sinh khoảng 3 đến 5 lần mỗi ngày - Ảnh minh họa: Internet

Nhỏ mũi cho bé lúc ngủ bằng nước muối

Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý giúp làm sạch mũi, sát khuẩn, ngăn ngừa các vi khuẩn tiếp tục tấn công khoang mũi khiến tình trạng trẻ sơ sinh bị ngạt mũi về đêm trở nên nặng hơn.

Ngoài ra, nhỏ mũi còn giúp làm mềm các vảy cứng, làm loãng dịch nhầy trong khoang mũi, giúp dịch nhầy dễ dàng đào thải ra ngoài hơn. Nhỏ mũi khiến mũi thông thoáng hơn, ít nhất là trong một thời gian ngắn, giúp trẻ cảm thấy thoải mái, dễ thở.

Rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý 0.9% và vệ sinh khoảng 3 đến 5 lần mỗi ngày, đặc biệt là trước khi cho trẻ bú và đi ngủ.

Cách nhỏ mũi cho trẻ

Bế trẻ nằm ngửa, nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào từng bên mũi, chờ khoảng vài phút, lau sạch nước muối thừa chảy ra ngoài.

Chú ý, không nhỏ mũi bằng nước muối quá 4 ngày liên tiếp vì có thể làm khô dịch mũi của trẻ.

Massage cánh mũi

Hút mũi giúp lấy bớt dịch nhầy trong khoang mũi của trẻ ra ngoài - Ảnh minh họa: Internet

Sau khi nhỏ nước mũi, mẹ có thể dùng ngón tay trỏ day 2 bên cánh mũi cho con nhẹ nhàng để chất nhầy dễ dàng tan ra, giúp bé dễ thở hơn.

Hút mũi

Hút mũi giúp lấy bớt dịch nhầy trong khoang mũi của trẻ ra ngoài, trẻ sẽ cảm thấy dễ thở hơn. Sau khi nhỏ nước muối sinh lý, dịch nhầy được làm loãng hơn, cha mẹ có thể tiến hành hút mũi cho trẻ.

Sử dụng dụng cụ hút mũi chuyên dụng. Vệ sinh sạch sẽ trước khi dùng để không làm tình trạng viêm mũi của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn. Không hút mũi cho trẻ quá nhiều lần trong 1 ngày, có thể làm kích ứng niêm mạc mũi của trẻ.

Xông hơi

Hơi nước sẽ làm loãng dịch nhầy trong khoang mũi của trẻ. Đồng thời cung cấp độ ẩm và làm mũi trẻ ấm hơn. Xông hơi giúp thông mũi, giảm ho, đặc biệt phù hợp với tình trạng ngạt mũi do cảm lạnh..

Xông hơi cho trẻ bằng máy xông hơi chuyên dụng hoặc có thể xả nước nóng vào chậu và bế bé bên cạnh, sao cho bé ngửi được hơi nước bốc lên. Chú ý cẩn thận để trẻ không bị bỏng.

Bổ sung độ ẩm không khí trong phòng

Không khí quá khô vào mùa đông hay cho trẻ nằm quá lâu trong phòng điều hòa có thể là nguyên nhân làm trẻ sơ sinh bị ngạt mũi về đêm. Đây cũng là yếu tố tác động khiến tình trạng ngạt mũi của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn.

Do đó, cha mẹ nên bổ sung độ ẩm không khí bằng cách chạy máy giữ ẩm để lỗ mũi của trẻ không bị khô, bớt đau rát.

Nâng cao đầu của trẻ khi ngủ

Bổ sung nước thường xuyên sẽ giúp cơ thể trẻ luôn khỏe mạnh - Ảnh minh họa: Internet

Nâng cao đầu cho trẻ khi ngủ sẽ giúp trẻ dễ thở, ngủ ngon giấc hơn. Có thể đặt một chiếc khăn bên dưới đầu trẻ để nâng đầu cao hơn một chút.

Vỗ lưng nhẹ nhàng

Vỗ nhẹ trên lưng có thể giúp bé bớt tức ngực và dễ thở hơn nhờ làm lỏng chất nhầy trong ngực bé. Có 2 cách để vỗ lưng như sau:

Cách 1: Đặt con nằm úp trên đầu gối và lấy tay nhẹ nhàng vỗ lưng.

Cách 2: Cũng vỗ tương tự như cách 1 nhưng đặt trẻ ngồi trên đùi và hướng phía trước khoảng 30 độ.

Cho bé bú nhiều cữ

Đối với trẻ sơ sinh do ống mũi nhỏ, bé sẽ dễ bị ngạt và thở bằng miệng. Điều này khiến bé khô họng, mất nước. Mẹ nên cho bé bú nhiều hơn, chia thành nhiều cữ nhỏ.

Loại bỏ chất nhầy

Chất nhầy có thể cứng lại thành một lớp vỏ xung quanh mũi của con. Bạn có thể lấy một miếng bông làm ẩm bằng nước ấm và nhẹ nhàng lau sạch chất nhầy.

Phòng ngừa ngạt mũi ở trẻ sơ sinh

Một số mẹo nhỏ sau sẽ giúp bạn phòng ngừa chứng ngạt mũi cho trẻ nhỏ:

Giữ nhà cửa luôn sạch sẽ.

Nếu bị dị ứng với một số chất nào đó, hãy để con yêu tránh xa các chất đó. Bạn cũng nên giữ nhà cửa sạch sẽ bằng các cách như:

Không hút thuốc trong nhà.

Giữ cho thảm sạch sẽ, không có bụi.

Thường xuyên vệ sinh máy lạnh.

Để thú cưng ở không gian khác không gần bé.

Đóng cửa sổ nếu trẻ bị dị ứng với phấn hoa.

Bổ sung nước cho cơ thể.

Bổ sung nước thường xuyên sẽ giúp cơ thể trẻ luôn khỏe mạnh. Bên cạnh đó, uống nhiều nước còn giúp khoang mũi đỡ bị tắc nghẽn.

Nên cho bé uống nước ấm.

Nếu không thích uống nước lọc, hãy thử cho trẻ uống nước trái cây hoặc súp.

Luôn chú ý tăng sức đề kháng, miễn dịch của trẻ nhỏ.

Đối với trẻ sơ sinh, cần cho bé ăn và ngủ đúng giờ, đủ giấc. Các mẹ nên để bé ngủ tối thiểu 18 giờ mỗi ngày đối với trẻ dưới 2 tuổi, 14 giờ mỗi ngày đối với trẻ 2 – 6 tuổi và 11 giờ mỗi ngày với trẻ lớn hơn.

Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ ngạt mũi

Không dùng miệng để hút chất nhầy hoặc nước mũi của trẻ, vì miệng của cha mẹ hoặc ông bà có vô vàn vi khuẩn có thể làm tăng thêm khả năng vi khuẩn xâm nhập và phát triển trong môi trường của chất nhầy trong mũi bé sinh ra các bệnh khác.

Không tự ý dùng kháng sinh cho bé.

Không áp dụng các mẹo dân gian khi không thực sự hiểu rõ và không biết cách làm như: nhỏ mũi trẻ bằng nước tỏi, tắm nước pha rượu…

Không quấn trẻ quá kín khiến trẻ nóng bí càng thêm khó thở.

Không kiêng tắm sẽ khiến vi khuẩn càng sinh sôi và ủ bệnh. Nên tắm bé bằng nước ấm, tắm nhanh ở nơi kín gió.

Tóm lại, tình trạng trẻ sơ sinh bị ngạt mũi về đêm có thể được khắc phục nếu cha mẹ biết một số cách chăm sóc và dự phòng cho trẻ. Những trường hợp nặng hơn nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để bác sĩ chẩn đoán và điều trị thích hợp.