Nội dung bài viết:
Hiện tượng trẻ sơ sinh bị đổ mồ hôi đầu cụ thể là như thế nào?
Trẻ sơ sinh bị đổ mồ hôi đầu là biểu hiện khá phổ biến mà hầu như ai chăm sóc con nhỏ cũng gặp phải. Trẻ sơ sinh ra mồ hôi đầu khi ngủ dù không đắp nhiều chăn và cũng không tỏ ra nóng bức càng khiến nhiều mẹ lo lắng vì sợ con mắc vấn đề về sức khỏe. Thực tế có đáng lo ngại?
Các chuyên gia sức khỏe trẻ em trên Mama lý giải: Sự trao đổi chất ở cơ thể trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh rất mạnh mẽ, nhiệt lượng sản sinh ra nhiều hơn nên cần phải thông qua quá trình bốc hơi của dịch mồ hôi để giải tỏa nhiệt lượng dư thừa này. Do đó, thông thường bé sơ sinh bị đổ mồ hôi đầu là bình thường nếu không kèm theo biểu hiện nào khác.
Tuy nhiên, bên cạnh hiện tượng sinh lý thì khả năng bé đổ mồ hôi nhiều còn có thể do còi xương vì thiếu canxi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất và nên kịp thời bổ sung dưỡng chất theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn để tránh ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của trẻ.
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh đổ mồ hôi đầu do sinh lý
Trẻ sơ sinh bị đổ mồ hôi đầu trong giấc ngủ không phải là do thể chất suy nhược hay do bệnh tật nên mẹ không cần thiết quá lo lắng. Đặc biệt sau khi trẻ ngủ được khoảng 1 tiếng thì sẽ dễ xuất hiện tình trạng bình thường này. Ngay cả khi trẻ chỉ vừa ngủ vài phút nhưng vẫn có thể bắt đầu ra mồ hôi, nhiều và rõ rệt nhất là ở phần đầu, trán và cổ. Khi bé đã ngủ hơn 1 tiếng thì hiện tượng này dần giảm đi.
Vậy nguyên nhân trẻ sơ sinh bị đổ mồ hôi đầu sinh lý cụ thể là do đâu? Đầu tiên là với những bé hiếu động, hoạt bát thì càng dễ đổ nhiều mồ hôi để giải tỏa phần nhiệt lượng dư thừa, duy trì thân nhiệt ổn định cho cơ thể.
Nguyên nhân thứ hai có thể do mẹ cho bé uống sữa bò hay socola quá gần với thời gian ngủ. Những thực phẩm này đa số đều khiến cơ thể sinh nhiệt cao, cơ thể trẻ tự nhiên phải đổ mồ hôi qua da để “thanh lý” bớt. Ngoài ra, thói quen giữ ấm quá mức cần thiết của người lớn cũng có thể gây ra tình trạng đổ mồ hôi đầu sinh lý ở trẻ.
Một nhân tố khác cũng khiến trẻ sơ sinh bị đổ mồ hôi đầu nhiều là thời tiết nóng bức, điều kiện phòng ốc không thông gió. Tất cả những nguyên nhân vừa nêu đều thuộc về phản ứng sinh lý nên bố mẹ có thể an tâm, chỉ cần cải thiện môi trường sống lý tưởng hơn và giúp trẻ làm sạch mồ hôi để tránh nhiễm khuẩn là được.
Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý cho trẻ mặc quần áo rộng rãi một chút, cửa sổ phòng nên được mở định kỳ để trao đổi không khí trong lành và thoáng gió, kết hợp khuyến khích cho trẻ uống nhiều nước để bù lại lượng mồ hôi đã thoát ra.
Trẻ sơ sinh đổ mồ hôi đầu do bệnh lý phải làm sao?
Vì sao trẻ sơ sinh bị đổ mồ hôi đầu? Ngoài yếu tố sinh lý thì bố mẹ cũng cần chú ý để có thể sớm phát hiện vấn đề bệnh lý ở trẻ. Nếu trẻ vẫn đổ mồ hôi nhiều sau khi đã ngủ 2 tiếng thì cơ bản có nhiều khả năng chính là do nguyên nhân bệnh lý. Tốt nhất bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra tìm ra bệnh chính xác.
Trẻ sơ sinh bị đổ mồ hôi đầu kèm theo tình trạng thường cử động đầu khi ngủ, hoặc liên tục chà xát vào gối thì có thể đây là biểu hiện sớm của chứng còi xương ở trẻ em. Nếu thuộc trường hợp này, bố mẹ nên kịp thời bổ sung vitamin D và canxi thỏa đáng cho trẻ, đồng thời tăng cường đưa trẻ ra ngoài tắm nắng.
Để xác định chuẩn xác vấn đề tại sao trẻ sơ sinh bị đổ mồ hôi đầu cũng cần quan sát thêm các biểu hiện khác ở trẻ. Nếu trẻ bị ra mồ hôi sau khi đã ngủ lâu và liên tục có hiện tượng giảm thân nhiệt, hai bên má ửng đỏ, sức ăn hay bú sữa cũng giảm hẳn, còn có biểu hiện mệt mỏi… thì bố mẹ cần cảnh giác trẻ bị nhiễm lao phổi. Bạn nên nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để xét nghiệm, kiểm tra.
Trẻ đổ nhiều mồ hôi có liên quan đến chế độ ăn uống hay không?
Các chuyên gia sức khỏe cho biết: Ngoại trừ nguyên nhân trẻ hoạt động nhiều hoặc quần áo, chăn nệm quá dày khiến trẻ ra mồ hôi nhiều thì vấn đề ăn uống cũng có mối liên quan trực tiếp, không thể lơ là.
Bên cạnh lo lắng cho vấn đề trẻ thiếu hụt dinh dưỡng thì ngược lại, chuyện thừa dưỡng chất cũng khá phổ biến ở trẻ em ngày nay. Nhiều mẹ vì quan niệm muốn con ăn càng nhiều càng khỏe mạnh, cao lớn nên không ngại cho trẻ ăn quá nhiều thịt, cá, tôm… Thực tế hành động này dễ khiến trẻ mất cân bằng dinh dưỡng và còn bị đổ mồ hôi khi ngủ.
Theo đông y, những loại thực phẩm điển hình như cá, tôm được xếp vào nhóm sinh nhiệt, còn thịt lại dễ sinh viêm. Mẹ thường xuyên cho trẻ ăn tôm, cá sẽ khiến nhiệt lượng trong cơ thể trẻ tăng cao, dẫn đến tình trạng dễ đổ nhiều mồ hôi.
Không những vậy, khi năng lượng trong cơ thể quá dư thừa thì tinh thần của trẻ càng hưng phấn, thậm chí đến ban đêm vẫn thích náo nhiệt không ngừng, gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ.
Ngoài ra, cơ thể đổ nhiều mồ hôi sẽ khiến trẻ bị mất nước và chất điện giải, biểu hiện cụ thể như môi lưỡi bị khô và đỏ, lòng bàn tay và bàn chân nóng bức, đại tiện khó khăn, thậm chí là gây nứt hậu môn. Trẻ còn dễ cáu gắt, khó chịu, sức tập trung giảm, năng lực tự kiểm soát kém đi.
Do nội nhiệt quá nhiều nên trẻ cũng dễ bị nóng trong người, khi gặp lạnh lại dễ cảm mạo, sốt cao, viêm amidan, chảy máu cam… Có thể thấy dù là đổ mồ hôi sinh lý vẫn có ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ. Bố mẹ cần kịp thời có biện pháp khắc phục để đảm bảo cho trẻ trưởng thành thuận lợi và khỏe mạnh.