Hiện tượng sốt là gì?

Sốt là khi nhiệt độ hậu môn trên 38 độ C hay nhiệt độ nách trên 37.5 độ C. Đây là phản ứng tự vệ của cơ thể để chống lại sự xâm nhập của các mầm bệnh từ bên ngoài như vi khuẩn, virus hay kí sinh trùng... hoặc chỉ đơn giản là sau tiêm chủng vacxin...

Biểu hiện chung của sốt cao co giật là gì?

Các biểu hiện của sốt co giật:

  • Thường sốt cao trên 39 độ C
  • Mất hay giảm ý thức và sùi bọt mép
  • Tay và chân gồng cứng, sau đó bắt đầu co giật
  • Hai mắt nhìn ngước.
  • Trẻ sốt co giật tím tái

Sốt cao co giật có mấy loại?

Sốt là khi nhiệt độ hậu môn trên 38 độ C hay nhiệt độ nách trên 37.5 độ C - Ảnh minh họa: Internet

Có 2 thể co giật do sốt: Loại đơn giản và loại phức tạp. Khoảng 1/3 trẻ co giật do sốt là co giật thể phức tạp.

Biểu hiện khi trẻ co giật do sốt thể đơn giản

  • Cơn co giật toàn thân.
  • Thời gian co giật ngắn, tự hết và thường dưới 5 phút.
  • Trẻ không rối loạn tri giác hay có bất kỳ dấu hiệu thần kinh nào sau cơn co giật.
  • Thường có tiền sử co giật do sốt.

Biểu hiện khi trẻ co giật do sốt thể phức tạp

  • Co giật chỉ một vùng nào đó của cơ thể (khu trú).
  • Thời gian kéo dài hơn 15 phút.
  • Có từ 2 cơn co giật trở lên trong vòng 24 giờ.
  • Có rối loạn tri giác hay liệt chi sau co giật.

Sốt cao bao nhiêu độ dễ dẫn đến co giật?

Dù với bất kỳ nguyên nhân gì, khi trẻ sốt, trung tâm điều nhiệt ở não trẻ (nôm na như bộ máy điều hòa) sẽ hoạt động để tăng thải nhiệt, kéo nhiệt độ cơ thể về bình thường.

Khi trẻ sốt, trung tâm điều nhiệt ở não trẻ sẽ hoạt động để tăng thải nhiệt - Ảnh minh họa: Internet

Hoạt động thải nhiệt sẽ làm trẻ dãn mạch máu, đổ mồ hôi, mất nước. Nếu nhiệt độ tiếp tục gia tăng vượt quá ngưỡng điều nhiệt, trẻ sẽ bị tác động đến não bộ, gây nên trạng thái co giật khi sốt cao, thường nhiệt độ sẽ trên 39 độ C.

Cha mẹ thường sai lầm khi nghĩ chính tình trạng sốt cao sẽ gây nên co giật. Tuy nhiên, chính xác nhất là do quá trình sốt của trẻ diễn ra quá nhanh khiến trung tâm điều nhiệt không thích nghi kịp thời và gây ra tình trạng phóng điện mất kiểm soát của các dây thần kinh, gây nên tình trạng co giật.

Trẻ bị sốt co giật có ảnh hưởng đến não?

Sốt cao co giật lành tính là những cơn sốt cao gây ra co giật ở trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi, do não bộ của trẻ khi ấy chưa phát triển một cách toàn diện và rất nhạy cảm với các rối loạn nhiệt độ trong cơ thể. 

Cha mẹ thường sai lầm khi nghĩ chính tình trạng sốt cao sẽ gây nên co giật - Ảnh minh họa: Internet

Do đó, sốt cao có thể kích thích não bộ của trẻ và khiến trẻ bị co giật. Đôi khi, một số bé bị sốt co giật nhiều nhưng không phải trẻ nào cũng bị co giật khi sốt cao.

Trước đây, người ta đều nghĩ rằng sốt co giật sẽ gây hại não. Tuy nhiên có nhiều nghiên cứu trên thế giới lẫn cả Việt Nam đều khẳng định sốt cao co giật thông thường không gây bại não. Trừ những trẻ sốt cao co giật do các bệnh lý khác gây nên như viêm não, viêm màng não thì có thể ảnh hưởng đến não bộ của trẻ.

Mẹ nên chuẩn bị sẵn gì trong tủ thuốc gia đình?

Tất cả các bà mẹ có con nhỏ nên có một tủ thuốc gia đình, đặt cách xa tầm tay với của trẻ, trong đó nhất thiết cần có một nhiệt kế (thủy ngân hay điện tử đều được).

Bên cạnh đó mẹ cũng nên chuẩn bị sẵn thuốc hạ sốt: Khoảng 4-5 viên thuốc nhét hậu môn hình viên đạn với các hàm lượng khác nhau tùy vào cân nặng của con mình.

Trẻ bị sốt co giật phải làm sao?

Trẻ bị sốt co giật phải làm sao, các bậc phụ huynh nên thuộc lòng 5 bước sơ cứu trẻ sốt co giật sau đây.

Bước 1:

  • Trẻ bị sốt co giật việc đầu tiên nên làm là đặt trẻ nằm xuống giường hoặc nơi bằng phẳng, thoáng mát, tránh các vật cứng, vật sắc nhọn.
  • Đặt trẻ nằm nghiêng sang một bên để tránh trường hợp trẻ nôn, chất nôn sẽ đi vào đường hô hấp
  • Nới lỏng quần áo hoặc cởi bỏ bớt quần áo.
  • Tuyệt đối không dùng vật cứng ngáng miệng trẻ.
Tuyệt đối không dùng vật cứng ngáng miệng trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Bước 2:

  • Lau mát: Trường hợp trẻ sốt cao đến 390C nên kết hợp giữa nhét thuốc, lau mát và cho trẻ uống nước (nếu chưa co giật). Khi lau mát, nên dùng nước ấm khoảng 34-35 độ C ( không dùng nước lạnh, nước đá) nhúng khăn vào nước đắp ở vùng trán, hai nách, hai bẹn của bé, cứ 5-10 phút thay khăn một lần.

Bước 3:

  • Đặt viên hạ sốt vào hậu môn do trẻ đang co giật uống rất khó và dễ gây sặc. Dùng hàm lượng paracetamol thông thường mà bé hay dùng hoặc với liều lượng là 10-15mg/kg cân nặng.
  • Tuyệt đối không đổ bất cứ nước uống (nước chanh...), thuốc vào miệng trẻ khi đang lên cơn co giật, vì trẻ sẽ dễ hít sặc vào đường thở, đây là điều cần lưu ý trong vấn đề trẻ bị sốt co giật phải làm sao.

Bước 4:

  • Khi trẻ ngưng cơn co giật lật trẻ nằm nghiêng sang một bên, đầu hơi ngửa ra sau (tư thế an toàn) để nếu trẻ có nôn chất nôn sẽ đi ra ngoài mà không đi vào đường hô hấp gây tắc nghẽn đường hô hấp, nguy hiểm tính mạng của trẻ.

Bước 5:

  • Nhanh chóng đưa trẻ đi cấp cứu để được điều trị sớm phòng tránh cơn co giật tái phát.

Những lưu ý khi trẻ bị sốt co giật

Không nên hốt hoảng vác trẻ chạy khi bé đang trong cơn co giật, hãy bình tĩnh xử trí như hướng dẫn.

Bác sĩ là người sẽ tìm ra nguyên nhân gây sốt một cách chính xác nhất để điều trị. Nếu nhiễm siêu vi, bác sĩ sẽ không sử dụng kháng sinh. Nhưng nếu một khi đã viêm phổi, viêm amidan, viêm hô hấp trên, nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn thì không nên chậm trễ trong việc sử dụng kháng sinh, nếu không sẽ làm nặng thêm tình trạng của bé.

Bác sĩ là người sẽ tìm ra nguyên nhân gây sốt một cách chính xác nhất để điều trị - Ảnh minh họa: Internet

Không khuyến cáo các bà mẹ sử dụng thêm thuốc phối hợp như Ibuprofen – là thuốc có tác dụng hạ sốt, giảm đau, kháng viêm nhưng lại hại cho dạ dày của bé. Sau khi sơ cứu, tốt nhất hãy đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất và cho bác sĩ biết bệnh sử thật chính xác.

Các bà mẹ cần phải phân biệt rõ ràng sốt cao - co giật với co giật do nguyên nhân động kinh ở trẻ vì chúng hoàn toàn khác biệt nhau từ chẩn đoán đến xử trí.

Trẻ sốt trên 39 độ C là triệu chứng báo hiệu bất thường trong cơ thể. Bé cần được người có chuyên môn tìm nguyên nhân chữa trị. Thuốc hạ sốt không phải là biện pháp điều trị mà chỉ là giải pháp giúp bé tránh nguy cơ bị co giật, không phải sau khi sốt hạ thì bạn yên tâm để con tại nhà. 

Các mẹ không cho con uống các loại thuốc hạ sốt theo kinh nghiệm, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để theo dõi và điều trị tiếp.

Phòng cơn co giật do sốt cao

Đưa trẻ đi khám để điều trị sớm, phát hiện nguyên nhân gây sốt và phòng tránh bị co giật

Cho trẻ uống nhiều nước hoặc bú nhiều lần hơn; uống nước điện giải (oresol), nước cam, chanh để bù nước và tăng sức đề kháng cho trẻ

Cho trẻ uống nhiều nước hoặc bú nhiều lần hơn khi bị sốt - Ảnh minh họa: Internet

Cởi bớt quần áo, mặc quần áo thoáng mát, không ủ ấm hoặc bọc kín trẻ.

Đặt trẻ nằm nơi thoáng mát, sạch sẽ.

Theo dõi thân nhiệt bé thường xuyên bằng cách cặp nhiệt độ.

Lau người cho trẻ bằng nước ấm, dùng thuốc hạ nhiệt khi nhiệt độ cơ thể lên quá 38.5 độ C.

Cho trẻ ăn các đồ ăn lỏng dễ ăn: Cháo, sữa... hoặc các món bé thích ăn để hồi phục sức khỏe.

Và đặc biệt là đối với trường hợp bé nhà bạn sinh ra đã yếu và suy dinh dưỡng thì mình càng nên phải chú ý. Cho bé ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, chế độ ăn uống hợp lý và bổ sung các thực phẩm để cải thiện tình trạng sức khỏe, tăng cường sức đề kháng cho bé.

Qua bài viết trên, các bậc phụ huynh đã rút ra cho mình những kiến thức cần thiết mỗi khi trẻ bị sốt co giật phải làm sao. Có thể thấy, khi gặp tình trạng này thì sau khi sơ cứu, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để chẩn đoán nguyên nhân gây sốt và điều trị thích hợp, tránh tái phát cơn co giật trở lại.