Trẻ bị đau dạ dày có nhiều mức độ và nguyên nhân, tuy nhiên thường thì trẻ sẽ tự khỏi trong vòng 24 giờ nhưng nếu kéo dài thì bố mẹ cần hết sức cẩn trọng. Cụ thể, nguyên nhân trẻ bị đau dạ dày có thể đến từ nhiễm trùng do virus và vi khuẩn thông qua đường hô hấp, ăn uống,...

Bên cạnh đó, nếu trẻ ăn các thực phẩm bị ôi thiu, nhiễm khuẩn, đồ ăn khó tiêu hoặc dị ứng thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, uống quá nhiều thuốc, stress cũng là tác nhân dẫn đến đau dạ dày.

Khi bị đau dạ dày, trẻ thường sẽ có những dấu hiệu như: Nôn, tiêu chảy, tiểu ít, phát ban, mệt mỏi, ốm yếu, nhợt nhạt, vã mồ hôi, đau dưới xương sườn và bên trên rốn,... Lúc này, bố mẹ nên cho con đi bệnh viện để kiểm tra tình trạng bệnh cũng như có cách điều trị chuẩn nhất. Đồng thời, việc lựa chọn thực phẩm cho trẻ bị đau dạ dày để đảm bảo dinh dưỡng và không gây tổn thương tới niêm mạc dạ dày cũng là điều rất quan trọng trong việc điều trị bệnh. Dưới đây sẽ là những thực phẩm nên dùng cho trẻ bị đau dạ dày mà bố mẹ nên lưu tâm.

Đau dạ dày là một trong những bệnh gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng như sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Ảnh minh họa: Internet

Thực phẩm giảm tiết acid dịch vị

Acid dạ dày là chất xúc tác quan trọng trong quá trình tiêu hóa thức ăn trong dạ dày nhưng nếu tích tụ lượng acid quá nhiều cũng gây ảnh hưởng xấu lên dạ dày, đặc biệt là đau dạ dày. Theo đó, cần lưu ý đến những thực phẩm có tác dụng làm ổn định lượng acid dạ dày và tránh dư acid.

Cụ thể, những loại thực phẩm như: Mật ong, bánh quy, đường, dầu thực vật,... đều có tác dụng giảm tiết dịch vị acid khá hiệu quả. Còn những thức ăn trung hòa acid trong dạ dày bao gồm trứng, sữa,... Theo đó, bạn nên cho bé uống sữa nóng hoặc trứng hấp khoảng 2 - 3 lần/tuần.

Thực phẩm giảm sức ép lên dạ dày

Hầu hết các thực phẩm giàu chất xơ đều sẽ giúp trẻ tiêu hóa tốt hơn và phòng táo bón để giảm sức ép lên dạ dày. Theo đó, trong thực đơn hàng ngày của trẻ cần cung cấp thêm nhiều rau xanh, trái cây tươi để cung cấp chất xơ và các loại vitamin A, B, C. Đồng thời, các loại vitamin này còn có tác dụng thúc đẩy quá trình làm lành vết loét trong dạ dày.

Đặc biệt, các loại rau non như cải bắp, củ cải, rau cải sẽ chứa nhiều vitamin U giúp chóng liền các vết thương đường tiêu hóa. Ngoài ra, các loại thực phẩm giàu chất xơ hòa tan còn có tác dụng giúp ngăn ngừa và tránh đau dạ dày ở trẻ rất hiệu quả. Cụ thể, các thực phẩm đó là mận, lê, táo, yến mạch, lúa mạch, thực phẩm họ đậu,... 

Thực phẩm đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị viêm dạ dày ở trẻ. Ảnh minh họa: Internet

Thực phẩm giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày

Các loại thực phẩm như: Gạo nếp, bột sắn, bánh mì, bánh quy, khoai lang, khoai tây,... đều có tác dụng bọc niêm mạc dạ dày và thấm dịch vị. Đồng thời, nó còn khá mềm giúp tiêu hóa dễ dàng và giúp bão hòa acid trong dạ dày.

Bổ sung đa dạng các loại thực phẩm

Đầu tiên, cần cung cấp cho bé những thực phẩm giàu đạm như: thịt, cá, hải sản,... Trong đó, tôm và cá không chỉ giàu protein mà còn có nhiều nguyên tố vi lượng như kẽm, rất cần thiết cho cơ thể cũng như giúp phục hồi các vết loét trong dạ dày.