Nguyên nhân trẻ ăn hay bị nôn

Cha mẹ thường hay thắc mắc trẻ ăn gì nôn đấy là bị làm sao. Một số lý do khiến trẻ ăn bị nôn thường gặp bao gồm:

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi

Ở lứa tuổi nhỏ này, khó phân biệt trẻ nôn ói là do trào ngược dạ dày thực quản hay là do bệnh lý, nên ba mẹ cần đưa trẻ đi khám để bác sĩ chẩn đoán và điều trị thích hợp.

Phụ huynh cần lưu ý khi trẻ nôn ói nhiều có thể là dấu hiệu của các dị dạng đường tiêu hóa như teo hẹp thực quản, hẹp tá tràng, ruột non, phình đại tràng bẩm sinh và phì đại cơ môn vị ở phần cuối dạ dày, các bệnh lý này thường xuyên khiến trẻ ăn vào là bị nôn ra. Trong các trường hợp này mẹ cần đi khám bác sĩ để kịp thời chữa trị cho bé.

Khá khó để phân biệt trẻ nôn ói là do trào ngược dạ dày thực quản hay là do bệnh lý - Ảnh minh họa: Internet

Nếu trẻ bị nôn liên tục và đi ngoài nhiều lần kèm với sốt, đau bụng, có thể trẻ bị nhiễm trùng đường ruột hoặc nhiễm trùng nơi khác trong cơ thể. Nguyên nhân gây bệnh có thể do virus, đặc biệt là vi trùng và kí sinh trùng.

Trẻ trên 12 tháng tuổi

Viêm dạ dày ruột

Nguyên nhân thường gặp nhất là viêm dạ dày ruột do siêu vi. Triệu chứng nôn ói thường bắt đầu đột ngột và thường hết trong vòng 24 đến 48 giờ. Các triệu chứng khác của viêm dạ dày ruột có thể bao gồm buồn nôn, tiêu chảy, sốt hoặc đau bụng.

Ngộ độc thực phẩm

Khi trẻ ăn các thực phẩm được lưu trữ hoặc chuẩn bị không đúng cách, có chứa vi khuẩn hoặc độc tố của vi khuẩn, nấm mốc… làm cho trẻ ăn không tiêu bị nôn ói nhiều lần.

Dị ứng thực phẩm

Trẻ nôn có thể là do thực phẩm không đảm bảo - Ảnh minh họa: Internet

Có rất nhiều loại thực phẩm có thể gây các kích thích không mong muốn trong dạ dày làm trẻ ăn bị nôn. Các loại thức ăn dễ gây dị ứng bao gồm trứng, sò, ốc, sữa, lúa mì và cá…

Các vấn đề về thần kinh và não

Khi bé bị chấn thương não hoặc có các khối u trong não cũng gây ra tình trạng ăn vào là bị nôn. Vì vậy mẹ không nên chủ quan khi thấy bé nôn ói.

Các nguyên nhân khác

Trẻ ăn bị nôn ói cũng có thể do một số nguyên nhân khác như: trào ngược dạ dày, loét dạ dày tá tràng, tắc ruột, lồng ruột, hội chứng nôn chu kỳ, nhiễm trùng đường hô hấp, đường tiết niệu, viêm ruột thừa, viêm tụy...

Trẻ ăn vào là bị nôn có nguy hiểm không?

Trẻ dưới 6 tuổi thường ăn vào là bị nôn do dạ dày của bé chưa tạo thành góc cong như người lớn nên dễ bị nôn trớ. Hơn nữa, hệ thần kinh của bé chưa phát triển hoàn thiện dễ gây ra kích thích co bóp dạ dày tạo ra tình trạng này.

Trẻ dưới 6 tuổi có dạ dày chưa tạo thành góc cong như người lớn nên dễ bị nôn trớ - Ảnh minh họa: Internet

Khi bé bị nôn trớ do sinh lí không kèm theo một trong các dấu hiệu như đau bụng, mệt mỏi, bỏ ăn, sốt, tiêu chảy, chậm lớn… thì mẹ không cần quá lo lắng. Nôn trớ do sinh lý sẽ tự biến mất khi bé lớn hơn, hệ thống tiêu hóa phát triển hoàn thiện.

Trong trường hợp trẻ ăn bị nôn kèm theo các dấu hiệu bất thường thì mẹ cần phải đưa bé đi khám bác sĩ để tìm ra chính xác nguyên nhân gây bệnh.

Cần đưa trẻ đi khám ngay khi nào?

Trong chất nôn có máu (đỏ hoặc nâu) hoặc màu xanh (mật).

Trẻ sơ sinh bị nôn ói nhiều, bú kém, bỏ bú.

Trẻ nôn ói kéo dài hơn 24 giờ.

Trẻ có dấu hiệu mất nước vừa đến nặng.

Đau bụng nhiều.

Đi tiêu ra máu.

Sốt ≥ 38.5 độ C trong 3 ngày hoặc có 1 lần sốt cao >39 độ C.

Bé li bì, lừ đừ hoặc kích thích, quấy khóc bất thường.

Trẻ ăn hay bị nôn phải làm sao?

Theo dõi dấu hiệu mất nước

Các dấu hiệu mất nước nhẹ

Môi trẻ hơi khô, cảm giác khát nước.

Ba mẹ cần theo dõi diễn tiến mất nước khi trẻ nôn nhiều - Ảnh minh họa: Internet

Trẻ bị mất nước nhẹ thường không cần đi khám ngay nhưng ba mẹ cần theo dõi diễn tiến để phát hiện kịp thời các dấu hiệu của tình trạng mất nước nặng hơn.

Dấu hiệu mất nước vừa và nặng

Giảm hoặc không đi tiểu (không đi vệ sinh hoặc không ướt tã trong 4 - 6 giờ)

Khóc không ra nước mắt

Môi khô nhiều, mắt trũng xuống

Sờ thấy bàn tay, bàn chân lạnh

Trẻ lừ đừ

Khi trẻ có một trong các dấu hiệu mất nước nặng, ba mẹ phải đưa trẻ đi khám ngay.

Bù dịch bằng đường uống

Dung dịch bù nước (Oresol) giúp bù dịch hiệu quả và bù các chất điện giải (natri, kali, clorua) bị mất trong quá trình nôn và tiêu chảy. Đặc biệt lưu ý là Oresol không điều trị nôn ói, nhưng giúp ngăn ngừa và điều trị tình trạng mất nước do nôn ói.

Trẻ ăn bị nôn kèm theo các dấu hiệu bất thường thì mẹ cần phải đưa bé đi khám bác sĩ  - Ảnh minh họa: Internet

Các loại nước trái cây, nước vo gạo và các đồ uống khác (nước khoáng có chất điện giải,  các loại nước có nhiều đường) không được khuyến cáo cho trẻ em bị mất nước. Và ba mẹ cũng không nên tự pha chế Oresol tại nhà vì cần phải có công thức đo lường thật chính xác.

Đối với trẻ bị mất nước nhẹ, ba mẹ có thể cho trẻ uống Oresol tại nhà. Cho trẻ uống từng ngụm nhỏ, đút chậm mỗi 1 - 2 phút, bằng muỗng nhỏ, đút hết một lượng oresol trong vòng 4 giờ (50ml cho mỗi kg cân nặng, ví dụ trẻ 10 ký, cần bù 500ml). Sau đó, ba mẹ có thể cho trẻ ăn uống lại bình thường.

Trẻ có thể không chịu uống hoặc ói sau khi uống Oresol, ba mẹ có thể tạm ngưng Oresol nhưng phải theo dõi sát để phát hiện sớm các dấu hiệu mất nước.

Đối với trẻ không bị mất nước, có thể tiếp tục được cho uống Oresol giữa các đợt nôn ói để ngăn ngừa tình trạng mất nước.

Chế độ ăn

Nếu trẻ không có dấu hiệu mất nước có thể tiếp tục chế độ ăn uống dễ tiêu hóa.

Đối với trẻ còn bú mẹ, nên được tiếp tục cho bú sữa mẹ, vì sữa mẹ dễ tiêu hóa hơn so với các dung dịch bù nước. Nếu trẻ nôn ói ngay sau bú, mẹ cố gắng cho con bú từng chút một, nhiều lần. Ví dụ: bú 5 - 10 phút, ngưng 30 phút rồi bú tiếp. Nếu sau 2 - 3 giờ, tình trạng nôn ói giảm, ổn định, có thể cho bú như bình thường. Nếu không cải thiện, ba mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay.

Không cố gắng ép trẻ ăn, đặc biệt trong 24 giờ đầu, nên khuyến khích trẻ uống nước bù dịch.

Không cố gắng ép trẻ ăn - Ảnh minh họa: Internet

Có thể cho trẻ ăn cháo (hoặc các tinh bột khác như khoai tây, bánh mì), thịt nạc, sữa chua, trái cây. Hạn chế các thức ăn nhiều chất béo vì gây khó tiêu hóa.

Không cần phải hạn chế các thức ăn, mặc dù có thể có một số thức ăn được khuyên ăn để giảm nôn ói, nhưng những thức ăn này lại không đủ chất dinh dưỡng và sẽ có nguy cơ suy dinh dưỡng sau khi hết bệnh.

Cách chữa trẻ ăn hay bị nôn tùy theo lứa tuổi

Đối với bé sơ sinh dưới 6 tháng tuổi

Mẹ cần chú ý để bé không bị mất nước. Các dấu hiệu mất nước đã được nêu ở trên.

Nếu bé đang bú sữa mẹ hãy tiếp tục cho bé bú. Thời gian cho bé bú là 1 đến 2 phút mỗi lần. Sau mỗi 10 phút cho bé bú một lần.

Không thay sữa mẹ bằng nước.

Nếu bé uống sữa công thức mẹ nên cho bé uống thêm dung dịch bù nước.

Đối với bé từ 7 đến 12 tháng tuổi

Nếu bé vẫn bú sữa mẹ hãy tiếp tục cho bé bú. Không thay thế sữa mẹ bằng nước.

Mẹ cũng có thể cho bé uống thêm dung dịch bù nước để tránh mất nước.

Không thay thế dung dịch bù nước hoặc sữa mẹ bằng nước suối, nước trái cây hoặc nước ngọt. Nước ép trái cây và soda chứa quá nhiều đường và không đủ các khoáng chất và muối cần thiết mà bé cần. Nước suối thiếu lượng calo mà bé cần vào lúc này.

Mẹ cũng có thể cho bé ăn các loại thức ăn trẻ nhẹ như chuối, ngũ cốc hoặc bánh quy nếu bé đã biết ăn.

Đối với bé trên 1 tuổi

Cho bé uống khoảng 30ml dung dịch bù nước sau khoảng 20 phút.

Tăng dần lượng chất lỏng nếu bé không bị nôn tiếp.

Tránh nước sô đa, nước trái cây và nước uống khi bé bị nôn.

Bắt đầu cho bé ăn thức ăn nếu bé không còn nôn sau 6 giờ. Một số loại thức ăn thích hợp là bánh mì nướng, canh, súp nhẹ, khoai tây nghiền, gạo và bánh mì.

Tránh các loại thực phẩm giàu chất xơ như đậu vì chúng khó tiêu hóa hơn. Tránh thức ăn có hàm lượng đường cao như kem và bánh kẹo

Tóm lại, việc chăm sóc một đứa trẻ ăn bị nôn ói nhiều lần không đơn giản nhưng cũng không quá phức tạp. Quan trọng nhất là mẹ cần lưu ý một số trong việc theo dõi các dấu hiệu nguy hiểm để có biện pháp điều trị thích hợp, tránh dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho bé.