Chiều 30-8, Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch trên địa bàn sau tám ngày thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt.

Ca tử vong có xu hướng giảm

Theo ông Phạm Đức Hải, Phó BCĐ phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, tính đến 6 giờ ngày 30-8, TP.HCM có 210.425 ca mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố.

Thượng tá Lê Mạnh Hà,Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, thông tin tại buổi họp báo chiều 30-8. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Riêng trong ngày 29-8, TP.HCM có 2.372 bệnh nhân (BN) xuất viện, nâng tổng số xuất viện lũy kế từ ngày 1-1 đến nay là 107.216 người.

Về số BN tử vong, ông Hải cho biết đã có xu hướng giảm sau thời gian tăng cường giãn cách xã hội. Cụ thể, trước thời điểm tăng cường giãn cách, ngày 22-8, TP.HCM có 340 BN COVID-19 tử vong và đến ngày 29-8, con số đó hiện ở mức 245 người, giảm 95 người/ngày.

Xử lý nghiêm người xưng “Ban chỉ đạo quận 7”

Liên quan đến vụ việc người đàn ông xưng là “BCĐ quận 7” quậy ở siêu thị với những lời lẽ, hành vi gây bức xúc dư luận, Thượng tá Hoàng Đình Thạch, Phó Trưởng Công an quận 7, cho biết sự việc này xảy ra lúc 16 giờ ngày 29-8 tại một siêu thị ở phường Tân Phong.

Qua điều tra, người đàn ông này tên là Hồ Hữu Nhân, sống tại một chung cư trên địa bàn phường Tân Phú (quận 7), đi cùng vợ đến siêu thị để mua sữa cho con và một số hàng hóa khác.

Phó trưởng Công an quận 7 khẳng định ông Hồ Hữu Nhân không phải là thành viên của BCĐ phòng chống dịch COVID-19 quận 7 và cũng không phải là thành viên của bất kỳ tổ chức nào về phòng chống dịch.

Về thẻ của BCĐ, người này cũng khai nhận thẻ đưa ra ở thời điểm ấy là từ một người bạn cho.

Về quan điểm xử lý, Thượng tá Hoàng Đình Thạch khẳng định Công an TP.HCM, Quận ủy và UBND quận 7 rất quan tâm đến vụ việc này và chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý nghiêm, chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật.

“Lực lượng công an tiếp tục điều tra làm rõ các sai phạm của người này và sai tới đâu sẽ xử lý nghiêm tới đó” - ông Thạch nói và cho biết sẽ trả lời dư luận trong thời gian tới.

Ngày 30-8, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện tổ chức Tình nguyện quốc tế SJ Việt Nam khẳng định thẻ công tác tình nguyện viên có tên Hồ Hữu Nhân được lan truyền trên mạng xã hội là thẻ giả.

“Chúng tôi khẳng định thẻ trên là giả, thực chất số thẻ trên là của bạn NTH, sinh năm 1992, ngụ TP.HCM” - đại diện tổ chức tình nguyện này nói và cho biết đã báo cáo sự việc đến cơ quan công an.

T.LÂM - T.SANG

Không ùn tắc khi triển khai khai báo y tế

Về tình hình khai báo y tế qua mã QR của Bộ Công an trong hai ngày qua, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho hay dù là ngày đầu tuần nhưng không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông tại các chốt kiểm soát.

“Có thời điểm cảm giác đông đông một chút nhưng đa số người dân đã khai báo mã QR ở nhà, những ai chưa khai báo thì lực lượng trực chốt nhắc nhở, hướng dẫn người dân ra khu vực trống để khai báo, không để ùn tắc tại chốt” - ông Hà nói.

Ông Hà cũng cho hay qua theo dõi thì mật độ lưu thông ở TP.HCM mấy ngày qua tương đối ổn định so với các ngày trước đó. “Điều quan trọng nhất trong giai đoạn này mà chúng ta làm được đó là “ai ở đâu ở yên đó”, trong các khu dân cư thì người dân ở nhà rất nghiêm túc” - ông Hà nói.

Theo ông Hà, trong thời gian giãn cách xã hội có nhiều tuyến đường được rào lại, phân luồng tập trung về các tuyến đường chính nên nhìn ngoài đường thấy nhiều xe nhưng không phải số lượng xe lưu thông tăng. Do vậy, ông Hà mong người dân tiếp tục thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội, cố gắng duy trì để TP.HCM kiểm soát được dịch bệnh.

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết thêm việc kiểm soát người dân ra đường những ngày qua là rất tốt, số lượng xe máy ra đường giảm sâu.

Về lượng xe tải, lưu thông hàng hóa qua cảng tuần qua so với cùng kỳ năm 2020 cơ bản bình thường, chỉ giảm 10%. Trung bình mỗi ngày, Sở GTVT TP.HCM cấp thêm khoảng 4.000 xe được ưu tiên đi luồng xanh, điều này để thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa.

Biểu đồ số ca tử vong do dịch COVID-19 ở TP.HCM từ ngày 22 đến 29-8 theo số liệu từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM. Đồ họa: PHƯƠNG THẢO

Đã hỗ trợ 2.181 tỉ đồng và hơn 1 triệu túi an sinh

Về công tác hỗ trợ, ông Phạm Đức Hải cho biết thời gian qua, TP đã hỗ trợ hộ nghèo, khó khăn, người lao động tự do… bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo đúng Nghị quyết 09 của HĐND TP và các văn bản hướng dẫn của UBND TP. Tính đến nay, số tiền người dân đã nhận là hơn 2.181 tỉ đồng.

Về hoạt động của Trung tâm An sinh, trong ngày 30-8 đã chuyển 101.701 túi an sinh đến các quận, huyện và TP Thủ Đức để hỗ trợ người dân khó khăn. Lũy kế đến nay, TP.HCM đã phát cho TP Thủ Đức và các quận, huyện trên 1 triệu túi an sinh. Bên cạnh đó còn nhiều nhóm tình nguyện, mạnh thường quân tận tình giúp đỡ người dân.

Góc nhìn

Những “viên đạn bạc” để TP.HCM hồi sức

Các chỉ số kinh tế tháng 8 cho thấy TP.HCM đang đứng trước ngưỡng khó khăn rất lớn và những “viên đạn bạc” vaccine cần được tận dụng mạnh mẽ.

Theo Tổng cục Thống kê, trong tám tháng đầu năm 2021, TP.HCM đã có 24.000 doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường. Đó là chưa tính đến hàng chục ngàn DN khác đang tạm ngừng kinh doanh có thời hạn. Còn theo Cục Thống kê TP.HCM, (i) tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, (ii) chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp, (iii) doanh thu ngành du lịch, lữ hành… đều giảm nghiêm trọng. Nhiều DN đứng trước bờ vực phá sản vì hàng loạt khoản vay, khoản nợ, khoản thâm hụt…

Các chuyên gia kinh tế đánh giá các gói cứu trợ hiện nay, dù Chính phủ đã ra sức thì vẫn chưa “đủ đô”. Cách duy nhất và hiệu quả nhất có thể, theo một số chuyên gia, chính là phải thúc đẩy vaccine. Tại hội nghị trực tuyến Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM hồi 31-7, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đặt quyết tâm đến hết tháng 8, tỉ lệ tiêm vaccine cho người dân trên 18 tuổi phải trên 70%.

Rất mừng là đến ngày 30-8, con số này đã vượt mức 81% (theo thống kê của cả Sở Y tế TP.HCM và cổng thông tin tiêm chủng quốc gia). Ước tính trên 97% số người dễ tổn thương (trên 65 tuổi, có bệnh nền) đã được tiêm. Xu hướng tử vong trong tuần qua đã giảm. Các chuyên gia y tế dự báo tử vong có thể giảm hơn nữa trong những ngày tới. Vì lẽ đó, TP phải tiếp tục thúc đẩy vaccine.

Thứ nhất, TP cần tiêm vét mũi 1 cho thiểu số người trên 65 tuổi, có bệnh nền còn lại, đồng thời tiêm mũi 2 cho nhóm người này để tiếp tục giảm ca tử vong. Vì các đợt tiêm vừa qua nhóm này chủ yếu dùng Pfizer và Moderna nên sự phân bổ các loại vaccine này từ trung ương là rất quan trọng. Vì vaccine Moderna khan hiếm, Bộ Y tế cũng cần xem xét, nghiên cứu phương án tiêm trộn vaccine này với Pfizer, tương tự như ở Mỹ đã phê duyệt.

Thứ hai, theo một số chuyên gia, trong đó có ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, góp ý trong tháng 9, TP hãy ưu tiên tiêm phủ mũi 2 cho tất cả lao động là shipper, lao động vận tải, logistics, tiểu thương, nhân viên bán hàng ở chợ, siêu thị và người lao động ở 17 khu công nghiệp, khu chế xuất. Khi đó chợ, cửa hàng có thể được mở lại; còn DN và người lao động có thể quay lại sản xuất, kinh doanh kèm quy định xét nghiệm thường xuyên. Nhiều công nhân và người lao động ở khu công nghiệp, khu chế xuất đã tiêm mũi 1 là AstraZeneca nên TP thay vì phân chia đều vaccine này cho các quận, huyện thì hãy tập trung tiêm mũi 2 cho nhóm người ưu tiên này (còn Pfizer và Moderna ưu tiên cho nhóm người lớn tuổi).

Thứ ba, phải giữ vững nguyên tắc “ai tiêm hiệu quả hơn thì phân bổ nhiều hơn”. Vì mọi người dân TP đều đang cần vaccine nên quận, huyện nào, phường, xã nào tiêm nhanh nhất thì nên được ưu tiên phân bổ vaccine. Tránh tình trạng có nơi thì hết vaccine, còn nơi thì vaccine nằm trong kho do tiêm quá chậm. Đơn vị nào tiêm xong thì cần được TP xem xét cho mở cửa hoạt động trước, người lao động nào tiêm vaccine xong trước thì được đi làm trước.

Cuối cùng, việc điều phối và hỗ trợ vaccine với các tỉnh, TP lân cận cũng sẽ góp phần giúp TP tạo ra “vành đai vaccine” có đà bình thường mới. Việc TP đồng ý cho Đồng Nai mượn 500.000 liều Vero Cell sẽ giúp hình thành những liên kết để chống dịch hiệu quả hơn, bởi TP không thể “bình thường mới” nếu những tỉnh, TP lân cận còn bị đại dịch hoành hành.