Đó là trường hợp của một sản phụ điều trị tại Trung tâm Hồi sức của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đóng tại Bệnh viện Quốc tế City. Ngày 30/8, PGS.TS.BS Lê Minh Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực cho biết: "Đây là một trường hợp rất nguy kịch, chúng tôi đã nghĩ cô ấy sẽ không thể qua khỏi”.
Thai phụ mắc COVID-19 là một trong số những chủ nhà trọ sống rất nhân hậu. Khi Thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 tăng cường, nhiều sinh viên rơi vào cảnh khó khăn, không thể về nhà, chị quyết định không thu phí nhà trọ đồng thời cung cấp các bữa ăn miễn phí để hỗ trợ trong lúc khó khăn, giúp nhóm sinh viên đang thuê trọ không bị đứt bữa.
Điều đáng tiếc xảy ra khi một em sinh viên sống tại nhà trọ mắc COVID-19 và lây sang cho chủ nhà trọ chính là thai phụ. Sau khi được xác định nhiễm bệnh, chị bị trở nặng phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Mặc dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng thai nhi 29 tuần tuổi đã vĩnh viễn không thể chào đời.
Sau cuộc mổ xử lý thai lưu, sản phụ bị hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS) khiến phổi đã bị tổn thương nặng, phải đặt nội khí quản. “Máy móc không có tác dụng, các điều dưỡng phải ngày đêm thay phiên nhau ngồi bóp bóng. Chúng tôi bàn với các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương các phương án tối ưu nhất để cứu ca bệnh này dù hi vọng cực kỳ mong manh” -PGS.TS.BS Lê Minh Khôi cho hay.
Tuy nhiên, bản năng sống đã giúp sản phụ lách qua khe cửa rất hẹp của lằn ranh sinh tử. Nỗ lực cấp cứu, hồi sức, điều trị liên tục của các bác sĩ đã từng bước thắp lên hy vọng mong manh. Sau nhiều ngày cứu chữa sản phụ dần bình phục, ngày 30/8 các chỉ số sinh hiệu đã từng bước cải thiện. “Đó có lẽ là phúc rất lớn của một người phụ nữ sống rất có tâm đức. Chúng tôi đã nghĩ cô ấy không thể qua khỏi nhưng bệnh nhân đã làm nên kỳ tích vượt qua được cơn nguy kịch” – PGS Minh Khôi chia sẻ.
Tại Trung tâm Hồi sức COVID-19 Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM phụ trách, tuần qua đã có 21/101 người bệnh được điều trị ổn định và chuyển về tuyến dưới. “Hiện có 50 người bệnh thở máy và 49 người bệnh thở HFNC. Con số bệnh nhân bình phục tuy khiêm tốn, nhưng là động lực rất lớn lúc này” – PGS Khôi nói.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp gây áp lực rất lớn lên lĩnh vực điều trị, ngoài trang thiết bị phục vụ chuyên môn, nhân lực y tế đang rất khó khăn. Thông thường phải mất 5 đến 7 năm để đào tạo một bác sĩ hồi sức tích cực. Tuy nhiên, trong tình thế gấp gáp, Bệnh viện Đại học Y Dược đã phải khẩn cấp chọn nhân lực, đào tạo trên mô hình và đưa vào làm thực tế, cầm tay chỉ việc cho các bác sĩ để đáp ứng kịp thời công tác điều trị cho bệnh nhân. Ngoài ra, nhiều y bác sĩ đang chủ động đăng ký lực lượng tình nguyện tham gia vào tuyến đầu chống dịch, tiếp thêm nguồn lực chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân COVID-19.