Tôi lập gia đình 4 năm, có bé hơn 3 tuổi. Tôi đang làm cho một tập đoàn nước ngoài với mức lương khoảng 20 triệu/tháng, còn chồng làm kinh doanh. Từ lúc sinh bé, công việc của anh không thuận lợi, nên suốt 3 năm nay tôi gần như là trụ cột chính, vừa lo toan mọi thứ trong cuộc sống, vừa gánh cả những khoản nợ làm ăn thua lỗ của anh. Chúng tôi hiện vẫn thuê nhà và đến giữa năm sau mới trả hết nợ.

Bình thường anh là người yêu chiều vợ con, nhưng cứ mỗi lần cãi nhau, anh sẽ giận cả tháng, xưng hô mày tao với tôi, ngay cả con anh cũng có thái độ không cần. Xa nhau 2 tháng, khi tôi và con về ngoại, anh không một lần gọi điện hỏi thăm con. Lúc tôi xuống lại, bao nhiêu đồ đạc, gọi chồng ra đón anh không ra, để mặc tôi khóc giữa bến xe, rồi nhờ những người xa lạ giúp đỡ gọi xe về nhà.

Tôi chưa bao giờ nói tục hay chửi bậy, chỉ đôi lúc tỏ thái độ vì cảm thấy mệt mỏi khi phải nai lưng đi làm sớm tối, ít có thời gian chăm sóc con, mà tiền kiếm được toàn để trả nợ cho anh, vậy mà anh luôn bảo tôi là đồ láo toét. Hơn một tháng chiến tranh lạnh, tôi làm lành nhưng dường như anh không còn muốn hàn gắn nữa. Tôi hỏi anh định sống như thế nào, anh trả lời “Tùy cô”.

Anh rất ít đưa hai mẹ con đi chơi, Tết đến tôi chỉ mong anh ở nhà, đừng đi thâu đêm với bạn nhưng không được. Anh cau có mắng chửi tôi “Lần sau mày không cần về nhà tao ăn Tết nữa”. Năm nào về quê anh ăn Tết đều như vậy, còn nếu về quê tôi anh chỉ đưa hai mẹ con lên rồi về. Xin chuyên gia và mọi người tư vấn tôi nên làm thế nào bây giờ? Nếu ly dị vào thời điểm này, tôi sẽ không có người trông con, vì mẹ anh đang giúp tôi đưa đón cháu đi học. Tôi chỉ còn nửa tháng lương để nuôi hai mẹ con vì nửa còn lại đang trả ngân hàng cho anh. Tôi xin cảm ơn.

Hường

TS.Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN gợi ý:

Chào Hường;

Em đang đứng trước những câu hỏi lớn mang tính bước ngoặt, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc hôn nhân và tương lai. Với mỗi câu hỏi, em sẽ là người cân nhắc những thu hoạch hay mất mát theo niềm tin, giá trị của chính em mà không ai biết được. Tôi chỉ có thể đồng hành với em về mặt cách thức, phương pháp cân nhắc lợi hại một cách khách quan và định lượng để em dễ đưa ra quyết định hơn.

Chẳng hạn, với câu hỏi "tôi có nên tiếp tục cuộc hôn nhân này không?", em hãy thật bình tâm liệt kê ra tất cả những gì em tin mình sẽ được hoặc mất. Ví dụ, nếu tiếp tục cuộc hôn nhân, những cái em có thể được là: có người trông con giúp (bà nội); cảm thấy tốt vì ít nhất gia đình mình không tan vỡ; ông bà ngoại sẽ không bị mất thể diện; em không phải ứng phó với các câu hỏi khó xử về hôn nhân của bản thân… Tuy nhiên, những thiệt hại em có thể phải nhận là: tiếp tục tổn thương sâu sắc vì chồng bạo hành lời nói và không quan tâm; cảm thấy kiệt sức vì phải tiếp tục làm mọi việc từ kiếm tiền đến chăm con mà không được ghi nhận; cảm thấy bị lợi dụng vì hàng tháng bỏ ra nửa tháng lương để trả nợ cho chồng, nhưng vẫn bị đối xử như người giúp việc…

Sau khi đã liệt kê hết tất cả những điểm lợi và hại, em cho điểm từng mục xem những mục ấy có giá trị với em như thế nào, theo thang điểm từ 1-10. Tính tổng điểm xem em đang thiên về lợi ích hay thiệt hại.

Ngoài ra, em có thể xem những điểm đã liệt kê sẽ ảnh hưởng đến mình trong ngắn hạn hay lâu dài, gây ra những hậu quả nghiêm trọng hay không nghiêm trọng để cân nhắc sâu hơn. Chẳng hạn, lợi ích duy trì hôn nhân khiến em thấy mình tốt vì ít nhất gia đình không tan vỡ. Liệu cảm giác này có tồn tại bền vững không? Nếu duy trì hôn nhân là để có bà nội trông giúp cháu thì liệu có giải pháp đơn giản nào khác thay thế trong tương lai không? Còn thiệt hại là tổn thương do chồng bạo hành lời nói, về lâu dài có gây nên những hậu quả nghiêm trọng không? Ví dụ: sẽ dẫn đến bạo hành thể chất; cảm thấy kiệt sức vì phải lo nhiều việc từ kiếm tiền đến chăm con, về lâu dài có thể khiến em bị trầm cảm…

Em hãy làm tương tự với những câu hỏi hoặc tình huống khác, như không ly dị nhưng không tiếp tục trích lương trả nợ cho chồng thì có điểm lợi gì, hại gì… Sau khi bản thân em đã rất rõ ràng về những điểm lợi và hại, hãy chia sẻ thêm với một vài người thân thiết, tin tưởng để tham khảo thêm, cũng như có động lực quyết định.

Chúc em quyết định sáng suốt.