Thủng ruột vì thói quen ngậm tăm sau khi ăn
Ngày 1/9, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận trường hợp người bệnh H.V.H (65 tuổi) ở Ứng Hòa, Hà Nội nhập viện trong tình trạng tỉnh, có hội chứng nhiễm trùng, bụng chướng, đau nhiều ở bụng bên phải.
Được biết, người bệnh không có tiền sử bệnh đặc biệt. Một ngày trước khi vào viện, ông H cảm thấy đau bụng nhiều. Các bác sĩ đã thăm khám người bệnh và thực hiện các xét nghiệm thăm dò, phát hiện dị vật cản quang vùng bụng phải xuyên qua thành ruột kèm theo dịch tự do vùng bụng bên phải. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phúc mạc do thủng ruột non do dị vật và được tiến hành mổ cấp cứu ngay trong đêm.
Người đàn ông bị tăm đâm thủng ruột.
Bác sĩ Tào Minh Châu, Khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, ông H đã được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật kịp thời bằng phương pháp phẫu thuật nội soi ổ bụng, kiểm tra ổ bụng thấy dị vật que tăm đâm thủng ruột non một phần nằm trong lòng ruột và một phần ở ổ bụng. Các bác sĩ đã tiến hành lấy bỏ dị vật, khâu lại lỗ thủng ruột non bằng phương pháp nội soi, rửa sạch bụng và đặt hệ thống dẫn lưu ổ bụng sau mổ.
Ca phẫu thuật trong 1 tiếng đã kết thúc thành công tốt đẹp. Sau mổ 1 ngày, người bệnh hết sốt, bụng đỡ chướng, đã trung tiện được. Sau mổ 5 ngày, người bệnh không còn tình trạng nhiễm trùng, ăn uống bình thường, chuẩn bị được ra viện.
Bác sĩ Châu cho biết thêm, ngoài tăm, bác sĩ gặp rất nhiều dị vật như xương, răng giả... Trường hợp của ông H nếu để muộn hơn dịch tiêu hóa sẽ chảy lan rộng trong ổ bụng dẫn đến viêm phúc mạc toàn thể và gây nguy hiểm đến tính mạng.
Trong trường hợp bệnh nhân này, phương pháp phẫu thuật nội soi ổ bụng lấy dị vật và khâu lỗ thủng ruột non là phương pháp tiên tiến, giúp người bệnh tránh được vết mổ mở dài 30cm từ trên đến xuống rốn, mang lại hiệu quả điều trị cao. Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ đỡ đau hơn, giảm nguy cơ nhiễm trùng vết mổ, có thể vận động được sớm sau mổ do đó sớm hồi phục hơn so với phương pháp mổ mở. Về hiệu quả lâu dài, vết mổ nội soi có tính thẩm mỹ cao, tránh được các biến chứng tắc ruột, dính ruột sau mổ như khi mổ mở.
BS Tào Minh Châu thăm khám cho bệnh nhân H.
BS Tào Minh Châu khuyến cáo: “Thói quen ngậm tăm sau khi ăn của nhiều người rất nguy hiểm. Mọi người có thể vô tình nuốt chiếc tăm, dị vật đi vào ống tiêu hóa. Tăm tre không bị men tiêu hóa phân hủy nên sẽ di chuyển trong suốt chiều dài của lòng ruột, dễ gây nên nhiều biến chứng, nặng nhất gây thủng ống tiêu hóa và viêm phúc mạc toàn thể, ảnh hưởng đến tính mạng hoặc để lại nhiều di chứng. Người dân nên vứt tăm đi ngay sau khi sử dụng, không ngậm trong miệng nếu vô tình làm rơi vãi lúc trong nhà có trẻ nhỏ gây nguy hiểm hoặc bất cẩn khi nói chuyện, ngủ sẽ vô tình nuốt phải tăm. Bên cạnh đó, nếu không may nuốt phải tăm hay các dị vật khác, người bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được tư vấn can thiệp và điều trị kịp thời, tránh xảy ra biến chứng”./.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...