Phụ Nữ Sức Khỏe

TP.HCM 500-600 ca sốt xuất huyết/tuần, đã có ca tử vong: Lưu ý trẻ lớn

Tại TP.HCM vừa có ca tử vong do sốt xuất huyết (trước đó cũng có 2 ca tử vong tại Hà Nội) khiến nhiều người lo ngại, đặc biệt học sinh đang vào mùa tựu trường, ở bán trú.

Một ca mắc sốt xuất huyết được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai - Ảnh: A LỘC

ThS Lê Hồng Nga, trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết hiện nay tại TP.HCM mỗi tuần có 500-600 ca sốt xuất huyết. 

So với cùng thời điểm năm trước, năm nay số ca sốt xuất huyết tăng có chậm hơn, giai đoạn cao điểm của bệnh sốt xuất huyết tại TP.HCM thường từ cuối tháng 7 đến hết tháng 1 năm sau với đỉnh dịch có thể xuất hiện trong tháng 11 và 12.

Dự báo đỉnh dịch bệnh sốt xuất huyết trong năm nay sẽ xuất hiện trễ hơn so với những năm trước đó, đồng thời dự báo trong những tuần sắp tới số ca bệnh sốt xuất huyết hằng tuần sẽ tiếp tục tăng theo mùa.

Tử vong vì đến viện trễ

Về bệnh nhân nữ 16 tuổi (ngụ quận 7, TP.HCM) tử vong vì sốt xuất huyết, BS Hồng Nga cho hay bệnh nhân này nhập viện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM vào ngày thứ 6 của bệnh, khi đã ở trong tình trạng nặng. Sau đó, khả năng không thể cứu sống nên gia đình đã xin đưa bệnh nhân về nhà để lo hậu sự.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP.HCM), ThS Nguyễn Trần Nam - trưởng khoa nhiễm bệnh viện này - cho biết đơn vị đang điều trị khoảng 15-20 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, trong đó có 3 ca bệnh nặng đến rất nặng, hiện đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe ổn định. So với những tuần trước, số ca mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố đang tăng, dự kiến còn tăng mạnh trong những ngày tới.

Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), TS Nguyễn Minh Tuấn - trưởng khoa sốt xuất huyết bệnh viện này - cho hay thời gian qua bệnh viện tiếp nhận nhiều ca mắc sốt xuất huyết từ nhẹ đến có biến chứng nặng. 

BS Nam nhận định do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều người dân e ngại khi đến các cơ sở y tế nên dẫn đến số ca sốt xuất huyết điều trị nội trú tại bệnh viện giảm so với cùng kỳ năm ngoái. 

"Nước ta đã ghi nhận một số trường hợp mắc sốt xuất huyết tử vong vì điều trị tại nhà. Bất cứ ai có dấu hiệu sốt, mệt mỏi, nghi ngờ mắc sốt xuất huyết… cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời" - BS Nam nói.

Các nốt ban đỏ nổi trên da, dấu hiệu đặc trưng của bệnh sốt xuất huyết - Ảnh: BVCC

Cảnh báo tăng tiếp

Theo báo cáo của HCDC, trong 8 tháng đầu năm 2020, TP đã có 11.999 trường hợp mắc sốt xuất huyết, gồm 6.589 bệnh nhân điều trị nội trú và 5.410 bệnh nhân điều trị ngoại trú. Riêng trong tháng 8 vừa qua đã ghi nhận 1 trường hợp bệnh nhân nữ tử vong vì sốt xuất huyết ở TP.HCM.

Dự báo trong những tuần sắp tới số ca bệnh sốt xuất huyết hằng tuần sẽ tiếp tục tăng theo mùa. Bên cạnh việc phòng bệnh thì việc phát hiện sớm bệnh và chăm sóc theo dõi bệnh nhân sốt xuất huyết đúng cách cũng rất quan trọng. 

HCDC khuyến cáo khi bản thân hoặc gia đình có người bị sốt cần đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.

Nếu được chỉ định điều trị tại nhà, cần tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ; nếu thấy mệt nhiều, sốt cao hoặc bất cứ bất thường nào, cần đến ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời.

Đừng lo COVID-19 mà ngại đến bệnh viện

Sốt xuất huyết khác với các bệnh truyền nhiễm khác đó là diễn biến nặng thường vào ngày thứ 5-7 của bệnh, thời điểm bệnh nhân thường giảm hoặc hết sốt. Vì vậy, bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm ngay từ đầu để có chiến lược theo dõi, điều trị cho phù hợp. 

Không nên vì COVID-19 mà ngại tới cơ sở y tế khám bệnh, vì hiện các cơ sở y tế đã tổ chức khám sàng lọc và tổ chức các quy trình tách biệt bệnh nhân khám thông thường, bệnh nhân có triệu chứng hô hấp. 

Ngoài bệnh COVID-19, hiện còn nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng… mà nếu diễn biến bệnh nặng, điều trị trễ đều có thể gây tử vong.

Theo BS Hồng Nga, hiện nay trường học, bệnh viện, ký túc xá… đều được coi là những điểm nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết. Không chỉ năm nay mà từ nhiều năm trước, hoạt động khử khuẩn, phun xịt muỗi tại tất cả các trường để chuẩn bị năm học mới là hoạt động thường quy của ngành giáo dục và ngành y tế. 

Các trường học đều có những hoạt động diệt muỗi, lăng quăng hằng tuần. Tùy vào diễn biến của bệnh sốt xuất huyết, ngành y tế sẽ kiểm tra tại các trường từ 1-3 tháng/ lần.

Hiện TP.HCM đang và sẽ giám sát các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết ở các điểm nguy cơ, trong đó có trường học, bệnh viện…, nếu đơn vị nào làm chưa tốt, vẫn còn muỗi, lăng quăng, TP sẽ tiến hành xử phạt những đơn vị này. 

BS Hồng Nga cũng khuyến cáo mỗi gia đình tuân thủ dọn dẹp vệ sinh nơi ở, diệt muỗi, diệt lăng quăng tại chính gia đình mình.

 

Trẻ trên 15 tuổi và người lớn sốt xuất huyết chiếm đến 47,7%

Bác sĩ Huỳnh Văn Nhanh - phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ - kiểm tra lăng quăng trong dụng cụ chứa nước ở nhà dân tại quận Ô Môn - Ảnh: T.LŨY

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, từ đầu năm 2020 đến nay toàn tỉnh ghi nhận hơn 3.300 ca mắc sốt xuất huyết, chưa ghi nhận ca tử vong. Dù số ca giảm so với cùng kỳ năm 2019, nhưng số ca nhập viện trong thời gian gần đây tăng mạnh. Đặc biệt, trẻ trên 15 tuổi và người lớn chiếm đến 47,7% tổng số ca bệnh.

Chỉ trong tuần từ ngày 28-8 đến 3-9, toàn tỉnh có gần 150 ca nhập viện do sốt xuất huyết, tăng hơn 20% so với tuần 35. Trong đó, TP Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu là hai địa phương gia tăng nhiều nhất.

Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, lượng bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết đã tăng khoảng 20% so với tháng trước. Trong khi đó mỗi ngày Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai đón gần 20 trẻ nhập viện điều trị do sốt xuất huyết. Hiện khoa hồi sức tích cực - chống độc của bệnh viện đang điều trị cho hai bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết nặng phải thở máy, trong đó có một bệnh nhi phải truyền dịch liên tục gần 40 tiếng mới ổn định sức khỏe.

* Tại Cần Thơ, tổng số ca sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay trên 700 ca, không tăng so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên trong vài tuần gần đây số lượng ca bệnh tại một số quận huyện đang có dấu hiệu tăng so với những tuần trước đó.

Dịch bệnh năm nay đang đi theo diễn biến khác so với trước đây, số ca bệnh tập trung vào trẻ lớn và người lớn nhiều hơn. Tại Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ, số ca bệnh sốt xuất huyết tập trung ở trẻ lớn từ 8-16 tuổi, trong đó nhiều trường hợp vào sốc nặng trong quá trình điều trị.

BS Nguyễn Huỳnh Nhật Trường - quyền trưởng khoa sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ - cho hay số lượng ca bệnh nhập viện hiện không tăng so với cùng kỳ, tuy nhiên số lượng trẻ lớn chiếm đa số. Mỗi ngày khoa điều trị 40-45 ca bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt số ca trẻ lớn vào sốc nặng khoảng 5-10 ca.

Việc điều trị các ca sốc nặng ở trẻ lớn, trẻ có cân nặng cao khá vất vả so với trẻ nhỏ, tuy nhiên do được tập huấn phác đồ điều trị chống sốc kỹ nên hầu hết việc điều trị thuận lợi, không có ca tử vong.

A LỘC - T.LŨY

Tránh nguy cơ bệnh diễn biến nặng và tử vong

Một bệnh nhi mắc sốt xuất huyết được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai - Ảnh: A LỘC

Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết Hà Nội đang có 1.700 ca mắc sốt xuất huyết, so với cùng kỳ 2019 số mắc 8 tháng đầu năm của Hà Nội chỉ bằng 50%. Tuy nhiên trong nửa tháng gần đây đã có 2 ca tử vong ở Hà Nội do sốt xuất huyết và đều rất đáng tiếc. Cả 2 bệnh nhân đều có điểm chung là đến bệnh viện rất muộn (có một trẻ 17 tuổi), đều ở thời điểm sốt xuất huyết đã có biến chứng.

"Năm nay sốt xuất huyết ở Hà Nội xuất hiện trước ở các huyện ngoại thành, như Phúc Thọ, Thường Tín, Thanh Oai rồi lan vào nội thành, cao điểm dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội là tháng 8 - 11 hằng năm và số mắc sẽ còn tiếp tục tăng cho đến tháng 11. Năm nay có yếu tố đặc biệt là dịch COVID-19, mặc dù chưa có khảo sát chung nhưng chúng tôi cũng nhận thấy người bệnh e ngại khi đến bệnh viện và có nguy cơ sẽ đến bệnh viện rất muộn" - ông Hạnh cho biết.

Ông Hạnh nhận định năm nay sốt xuất huyết không bùng thành dịch lớn, nhưng vì "dịch chồng dịch" nên vẫn có những điểm cần chú ý, tránh nguy cơ bệnh diễn biến nặng và tử vong.

Sốt xuất huyết là dạng bệnh có thể điều trị tại nhà hoặc tại bệnh viện, nhưng trường hợp nào có thể ở nhà, trường hợp nào phải đến bệnh viện thì bác sĩ mới chỉ định được. Vì vậy nếu có những dấu hiệu nghi do mắc sốt xuất huyết, người bệnh cần đến cơ sở y tế ngay, không tự ý dùng hạ sốt hay truyền dịch tại nhà.

LAN ANH

 

Theo THÙY DƯƠNG - XUÂN MAI/Tuổi Trẻ

Tin liên quan

Sau 1 tuần, Đà Nẵng lại có ca dương tính với SARS-CoV-2

Một bệnh nhân vào cấp cứu tại Bệnh viện C Đà Nẵng thì được phát hiện dương tính với virus...

Ba ngày không lây nhiễm nCoV cộng đồng

Bộ Y tế sáng nay không ghi nhận ca dương tính nCoV. Tổng số ca nhiễm duy trì 1.049, ba...

Kinh hoàng: Cháu bé 5 tuổi bị chó nhà cắn rách nát mặt, đầu

Một con chó được nuôi lâu năm bất ngờ tấn công bé trai 5 tuổi dẫn đến rách nát vùng...

Từ trường hợp vừa tử vong do sốt xuất huyết ở Hà Nội, cần loại bỏ ngay những sai lầm...

Mới đây, Hà Nội đã ghi nhận thêm một trường hợp tử vong do bệnh sốt xuất huyết sau...

Ba người nhập cảnh nhiễm nCoV

Bộ Y tế chiều 4/9 ghi nhận ba ca dương tính nCoV, là người nhập cảnh được cách ly ngay...

Thầy lang tự nhận 'chữa khỏi' Covid-19 cho 5 triệu người

Hakim Alokozai, 62 tuổi, tự nhận chữa khỏi Covid-19 cho 5 triệu người bằng thứ dung dịch mà Bộ Y...

Trong nước 0 bệnh nhân mới, thêm 3 ca nhiễm COVID-19 từ nước ngoài về

Chiều nay 4-9, Bộ Y tế cho biết không có thêm ca mắc COVID-19 trong nước, 3 bệnh nhân mới...

Tin mới nhất

8 bí quyết để duy trì thói quen chăm sóc da để chị em luôn xinh đẹp cả ngày ngay...

15 giờ trước

Top 5 mẹo đơn giản để chăm sóc mái tóc mỏng!

15 giờ trước

4 sai lầm mỗi khi gội đầu để tránh rụng tóc thường xuyên

15 giờ trước

Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?

1 ngày 5 giờ trước

Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?

1 ngày 5 giờ trước

Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...

1 ngày 6 giờ trước

7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!

1 ngày 10 giờ trước

Tránh uống rượu khi bạn đang uống các loại thuốc này

1 ngày 10 giờ trước

Vì sao nam giới nên ăn chuối?

1 ngày 10 giờ trước

Tin Phụ Nữ Và Gia Đình