Ngày 04/7/2019 Bệnh viện (BV) Ung bướu TP.HCM ký hợp đồng nguyên tắc số 08/HĐNT-2020/UB - DELAP với Công ty CP Dược phẩm Delap Sài Gòn (địa chỉ 402 Nguyễn Duy Dương, phường 9, quận 10, TP.HCM). Theo nội dung hợp đồng, Công ty CP Dược phẩm Delap Sài Gòn sẽ cung cấp thuốc Senoxyd-Q10 cho BV Ung bướu TP.HCM.
Đến ngày 24/2/2020 Công ty CP Dược phẩm Delap Sài Gòn đã tiến hành xuất hoá đơn về việc cung ứng thuốc Senoxyd-Q10 với số lượng 835 hộp thuốc, thuộc số lô 17122. Mỗi hộp có 30 viên, tương đương BV Ung bướu nhận 25.050 viên thuốc. Tuy nhiên, số thuốc mà phía công ty này cung ứng có hạn sử dụng còn hơn 3 tháng, đến ngày 03/06/2020 là hết hạn sử dụng.
Điều đáng nói, Điều 2 của bản hợp đồng nguyên tắc giữa BV Ung bướu ký với Công ty CP Dược phẩm Delap Sài Gòn có ghi cụ thể: “Cam kết hạn sử dụng còn lại của thuốc tính từ thời điểm thuốc cung ứng cho bên A (nhà thuốc BV Ung Bướu) bảo đảm tối thiểu còn 6 tháng đối với thuốc có hạn dùng từ 2 năm trở lên”.
Được biết, thời hạn sử dụng của thuốc Senoxyd-Q10 là 36 tháng. Như vậy, xét theo hợp đồng nguyên tắc này phía bên Công ty CP Dược phẩm Delap Sài Gòn đã thực hiện không đúng điều khoản. Kỳ lạ hơn, phía Bệnh viện Ung bướu lại “nhắm mắt’ đồng ý nhận thuốc và bán lại cho người bệnh sử dụng!.
Để làm rõ hơn sự việc, PV đã liên hệ làm việc với đại diện ban lãnh đạo BV Ung bướu. Bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho rằng: “Do nhu cầu của bệnh nhân, nhà thuốc bệnh viện đã mua lô thuốc Senoxyd-Q10 của Công ty CP Dược phẩm Delap Sài Gòn vào thời gian cuối cùng là ngày 24/02/2020 và đã xuất bán lần cuối cho bệnh nhân là ngày 28/4/2020 với số lượng là 30 viên. Do thuốc vẫn đảm bảo còn hạn dùng và do nhu cầu của bệnh nhân cần loại thuốc này nên chúng tôi đã nhập về”.
Khi phóng viên yêu cầu cung cấp phiếu xuất kho số lượng thuốc được bán ra cho bệnh nhân cuối cùng thì lãnh đạo bệnh viện từ chối. Vậy nguyên nhân nào phía BV không thể cung cấp phiếu xuất kho?
Ông Vĩnh cho biết thêm: “Thuốc Senoxyd-Q10 được mua theo nhu cầu hàng tháng của bệnh nhân. Loại thuốc này trước đó đã được nhập nhiều lần từ lúc ký hợp đồng và việc nhập thuốc vào ngày 24/02/2020, hạn dùng 03/06/2020 chỉ là sai sót ngoài ý muốn so với điều khoản trong hợp đồng, thuốc cũng đã bán hết cho người bệnh trong tháng 04/2020”.
Theo tìm hiểu, thuốc Senoxy-Q10 không phải là loại thuốc đặc trị bệnh ung thư, mà đây chỉ là một loại thuốc hỗ trợ trong điều trị bệnh ung thư với các hoạt chất Vitamin A, E, C, Selenium… và với những hoạt chất đó, trên thị trường có khá nhiều loại thuốc tương tự để thay thế lô thuốc cận date này. Vì sao BV không nhập dòng thuốc tương tự để thay thế nếu bệnh nhân có nhu cầu mà nhất thiết phải nhập lô thuốc cận date này? Đây là câu hỏi chắc chắn ai cũng thắc mắc.
Cũng theo ông Vĩnh, căn cứ theo quy định pháp luật, không có điều khoản quy định thuốc còn bao nhiêu hạn dùng thì được nhập vào nhà thuốc, chiếu theo đó nếu thuốc chưa hết hạn thì nhà thuốc vẫn được phép bán cho bệnh nhân.
Từ đó, rất nhiều người dân đặt câu hỏi, phải chăng các bệnh viện đều có thể “tuồn” thuốc cận date vào nhà thuốc của mình và bán cho người dân? Thuốc mà họ mua là thuốc lẻ, nếu không có hộp, không có vỉ thì làm sao biết còn bao nhiêu ngày sử dụng, liệu có quá hạn trong quá trình uống hay không và số thuốc đó còn có tác dụng?
Một dược sỹ kinh doanh thuốc thông tin, việc mua bán thuốc trên thị trường hiện nay không có quy định cụ thể về thời hạn sử dụng khi nhập thuốc vào BV. Lợi dụng điểm này, các công ty dược phẩm thường tranh thủ “tống” thuốc gần hết hạn vào nhà thuốc để tránh phải tiêu hủy khi hết hạn dùng. Về phía nhà thuốc có thể vì lợi ích họ nhập thuốc này và bán cho người bệnh.
Trong một diễn biến khác, được biết, ngày 03/09 Thanh tra Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh đã mời đại diện ban giám đốc BV Ung bướu và dược sỹ phụ trách chuyên môn nhà thuốc BV lên làm việc về sự việc này.
Cụ thể kết luận thanh tra như thế nào chúng tôi tiếp tục thông tin đến độc giả!