Đầu tháng 5, như thường lệ, bà V.T.X. (55 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội), được chị gái, đang sinh sống ở Australia, gửi về hàng loạt hộp, lọ chứa nhiều loại thành phần bổ sung khác nhau. Kèm theo đó là lời nhắc nhở dùng đều đặn sẽ có lợi cho sức khỏe.

Chiếm số lượng nhiều nhất trong thùng hàng lần này là các lọ nhựa to, bên ngoài đề “Fish Oil 1.000 mg Omega-3”. Bà X. được dặn dò kỹ rằng những viên dầu cá này có tác dụng rất tốt cho mắt, thậm chí hỗ trợ giảm cân. Tìm hiểu trên mạng và tham khảo hàng xóm, đồng nghiệp, bà X. thấy rằng sản phẩm này cũng được bày bán, quảng cáo ở rất nhiều nơi.

“Không rõ có tốt thật không, uống thì bao nhiêu là vừa, tôi vẫn đang cân nhắc có nên uống hay không”, bà X. tâm sự.

Có nên bổ sung Omega-3?

Omega-3 là một nhóm các axit béo không bão hòa, tồn tại nhiều trong những thực phẩm như cá, dầu thực vật, một số loại hạt, rau xanh. Đáng chú ý, cơ thể con người không thể tự tổng hợp được Omega-3. Do đó, chúng ta buộc phải bổ sung chất này từ các loại thực phẩm trên.

Thành phần bổ sung này cũng được đánh giá là các axit béo thiết yếu trong cơ thể, nổi bật với khả năng kháng viêm. Trong số đó, quan trọng nhất là 3 loại Omega-3 gồm ALA, DHA và EPA.

Do không thể tự tổng hợp, chúng ta buộc phải bổ sung Omega-3 từ thực phẩm, thành phần bổ sung. Ảnh minh họa: farhad_ibrahimzade.

Omega-3 cũng là thành phần quan trọng của màng tế bào trong phần lớn cơ quan, nhất là võng mạc mắt, não, mạch máu và tế bào của hệ miễn dịch.

Ở cấp độ tế bào, Omega-3 đóng vai trò điều hòa hoạt động của các thụ thể và enzyme gắn trên màng tế bào. Ví dụ trên võng mạc mắt, Omega-3 giúp tăng hiệu suất phản ứng của thụ thể ánh sáng (rhodopsin).

Omega-3 còn có thể phản ứng trực tiếp tới các thụ thể kiểm soát biểu hiện gene, đóng vai trò trong việc sản xuất các hormone quan trọng ở những quá trình liên quan hệ bạch huyết như quá trình đông máu, quá trình sản xuất cytokine. Thông qua đó, Omega-3 giúp điều hoà quá trình viêm trong cơ thể.

Đặc biệt, DHA có nhiều ở võng mạc, não và tinh trùng. Bên cạnh vai trò màng tế bào, Omega-3 (cùng với Omega-6) cung cấp năng lượng cho cơ thể và hình thành eicosanoid, là chất điều hòa viêm, co mạch và kết tập tiểu cầu.

An toàn hay không?

Cũng bởi tầm quan trọng của Omega-3 trên cấp độ tế bào, có nhiều giả thiết đưa ra cho rằng chất này có nhiều lợi ích cho các bệnh liên quan tim mạch, viêm khớp, mắt hay ung thư.

Những nghiên cứu quan sát và nghiên cứu lâm sàng cho thấy tiêu thụ nhiều hải sản và cá, vốn giàu Omega-3, có lợi cho sức khỏe, giúp phòng ngừa các bệnh trên.

Tuy nhiên, điều này có liên hệ trực tiếp tới hiệu quả của việc bổ sung Omega-3 theo dạng thực phẩm bổ sung hay không còn chưa rõ ràng.

Các tác dụng phụ của Omega-3 gây ra thường ở mức độ nhẹ. Ảnh: Leohoho.

Theo thông tin từ Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ, liều Omega-3 trung bình hàng ngày để ổn định các chức năng trong cơ thể thay đổi theo lứa tuổi và giới tính. Ví dụ, với trẻ dưới 6 tháng tuổi là 0,5 g/ngày nhưng từ 14 tuổi trở lên, nam giới cần 1,6 g/ngày và nữ giới cần ít hơn 1,1 g/ngày.

Tuy nhiên vẫn chưa rõ ngưỡng giới hạn trên của Omega-3. Một số bằng chứng cho thấy liều cao DHA và/hoặc EPA (EPA 900 mg/ngày + DHA 600 mg/ngày trong vài tuần) có thể suy giảm chức năng miễn dịch do giảm đáp ứng viêm. Liều EPA và/hoặc DHA 2-15 g/ngày còn làm tăng thời gian chảy máu do giảm kết tập tiểu cầu.

Các tác dụng phụ thường gặp do Omega-3 gây nên cũng thường nhẹ, bao gồm ăn uống kém ngon, hơi thở hôi, ợ nóng, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, đau đầu, mồ hôi có mùi.

Thực hư hiệu quả bổ mắt, giảm cân

Về công dụng với thị giác, do DHA cấu thành nên màng lipid ở võng mạc và EPA là nguồn gốc hình thành eicosanoids trong phản ứng viêm, tân sinh mạch máu và duy trì sự sống tế bào, các nhà khoa học tin rằng Omega-3 có tác dụng bảo vệ, giúp phòng ngừa và làm chậm tiến trình thoái hóa điểm vàng do tuổi già.

Bên cạnh đó, Omega-3 còn được cho là có hiệu quả trong việc giảm triệu chứng của bệnh khô mắt do khả năng kháng viêm. Tuy nhiên hiệu quả này vẫn còn đang gây ra nhiều tranh cãi do kết quả thu được từ dữ liệu thử nghiệm lâm sàng rất khác nhau.

Trong khi đó, liên quan hiệu quả giảm cân, một số nhà nghiên cứu cho rằng Omega-3 giúp giảm đáng kể cân nặng, tổng lượng mỡ cơ thể khi so sánh giữa hai nhóm có và không sử dụng thành phần bổ sung này trong quá trình giảm cân.

Cơ chế của hiện tượng này có thể do khả năng điều hòa tổng hợp lipid, điều hòa adipokines (là các cytokine tiết ra từ mô mỡ) và thúc đẩy một số quá trình chuyển hóa trong mô mỡ khác.

Tuy nhiên, đến nay, Viện Sức khỏe Mỹ vẫn chưa có khuyến cáo chính thức về tác dụng này của Omega-3.

Bổ sung bao nhiêu là đủ?

Theo khuyến cáo từ Viện Sức khỏe Mỹ, nhu cầu về Omega-3 của mỗi lứa tuổi và giới tính sẽ có những sự khác biệt nhất định:

TuổiNamNữMang thaiCho con bú
0-6 tháng (Liều tổng Omega 3)0,5 g0,5 g  
7-12 tháng (Liều tổng Omega 3)0,5 g0,5 g  
1-3 tuổi (Liều ALA)0,7 g0,7 g  
4-8 tuổi (Liều ALA)0,9 g0,9 g  
9-13 tuổi (Liều ALA)1,2 g1 g  
14-18 tuổi (Liều ALA)1,6 g1,1 g1,4 g1,3 g
19-50 tuổi (Liều ALA)1,6 g1,1 g1,4 g1,3 g
Trên 51 tuổi (Liều ALA)1,6 g1,1 g  

Bên cạnh việc bổ sung Omega-3 hàng ngày theo khuyến cáo, trong một số bệnh cảnh, chúng ta cũng có thể cân nhắc bổ sung Omega-3 như bệnh lý tim mạch và nguy cơ bệnh mạch vành; phụ nữ đang mang thai và cho con bú; bệnh lý thoái hóa điểm vàng do tuổi già; viêm khớp dạng thấp.

Ngoài ra, chưa có bằng chứng rõ ràng về hiệu quả của Omega-3 đối với các bệnh lý khác.

Không chỉ ở thành phần bổ sung, Omega-3 loại ALA còn có nhiều trong các loại hạt lanh, hạt đậu nành, hạt canola, hạt chia và hạt óc chó. Ngoài ra, một số loại cá hồi, cá tuyết, cá ngừ, cá mòi cũng chứa lượng Omega-3 cao.

Ngày nay, một số loại thực phẩm như trứng, sữa chua, nước ép trái cây, sữa, sữa đậu nành đều được bổ sung thêm thành phần Omega-3.

Bài viết do tiến sĩ Lê Anh Phương, tiến sĩ ngành Kỹ thuật y sinh ở đại học quốc gia Singapore, Trưởng ban Khoa học Ruy Băng Tím và bác sĩ Trần Thụy Hương Quỳnh, Đại học Y khoa Kansai (Osaka, Nhật Bản), cung cấp thông tin.

Ruy Băng Tím là tổ chức phi lợi nhuận về phòng chống ung thư tại Việt Nam, được thành lập vào ngày 12/12/2015 với sự tham gia của các bác sĩ ung bướu, các nhà khoa học nghiên cứu về ung thư trong và ngoài nước.