Các bước để làm được ra thành phẩm hồng Đà Lạt treo gió rất đơn giản, chỉ là rửa sạch quả, gọt vỏ nhúng rượu rồi buộc dây và đem phơi. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng cần phải thực sự lưu ý và tỉ mỉ trong các bước làm để hồng không bị mốc hỏng,… Cùng tìm hiểu tất tần tật bí quyết làm hồng treo gió nhé.

Bước 1: Gọt vỏ hồng

- Gọt vỏ hồng theo chiều kim đồng hồ quanh quả hồng hoặc gọt từ trên xuống dưới, giữ lại 1 chút vỏ dưới đáy quả để giữ cho quả hồng trong quá trình “nhào nặn” sau này không bị nứt vỡ.

- Không được gọt vỏ hồng quá sâu, phạm vào phần thịt phía trong quả hồng, vì như vậy sẽ gây nấm mốc khi phơi.

Bước 2: Ngâm hồng đã gọt qua nước muối pha loãng trong 15 phút rồi để thật ráo nước

Bước 3: Ngâm hồng vào rượu hoặc cồn từ 3 đến 5 phút. Mục đích của việc này là giúp bảo vệ quả hồng khỏi bị nấm mốc.

Bước 4: Buộc dây và treo hồng

- Chọn loại dây dù sạch, không sắc để buộc vào tai quả hồng.

- Buộc dây quanh cuống hoặc tai hồng. Quấn chặt tay bởi khi hồng khô dây sẽ bị lỏng ra dễ rơi.

- Treo hồng ở nơi thoáng gió, khô ráo, ít côn trùng và tránh để nước vào quả. Nên phơi chỗ có nắng để bề mặt quả hồng được hong khô nhanh nhất trong 3 ngày đầu, bởi 3 ngày này xác suất bị nấm mốc là cao nhất.

- Khi bề mặt hồng đã ráo sẽ trở nên dai như một lớp túi bảo vệ phần mật quả bên trong, mang hồng phơi ở nơi thoáng gió, râm mát không cần ánh nắng trực tiếp. Lưu ý, tuyệt đối tránh hơi nước hay mưa ẩm.

Bước 5: Massage cho hồng

Khi quả hồng đã se bề mặt sẽ sậm màu và mềm hơn. Tiến hành mát-xa cho hồng. Mục đích của việc này là phá vỡ cấu trúc lớp bột cứng bên trong, mật tiết ra và phân bổ đều, khiến quả hồng ngọt hơn.

Quả khô dần và bên trong tươm mật

Sau khoảng 7 ngày phơi gió vỏ ngoài quả hồng cứng lại, quả hồng treo đã có thể thu hoạch. Tùy loại hồng quả to hay nhỏ mà có thể phơi lâu hơn.

Một thức quà nhâm nhi ngày se lạnh – món ăn đậm hương vị mùa thu dành cho bạn và gia đình. Chúc các bạn thành công với công thức này nhé!

Nguồn: FB Viet Anh Hoang