Ngày 17-9, Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM tổ chức buổi cung cấp thông tin về các ca tổn thương tai do tai nạn sinh hoạt mà nơi đây tiếp nhận, điều trị.

Bị cây lấy ráy tai đâm sâu vào trong tai

Bệnh nhân thứ nhất là ĐTTV (nữ, 25 tuổi, ngụ Lâm Đồng). Theo lời chị V kể, khi chị đang ngồi ngoáy tai trái bằng cây lấy ráy tai kim loại thì bất ngờ bị chồng va trúng tay, cây lấy ráy đâm sâu vào trong tai trái.

Chị V cố rút ra nhưng không được, chỉ có cái cán bị tuột ra. Sau đó chị đi khám tại bệnh viện tỉnh, rồi chuyển đến Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM.

Bác sĩ chuyên khoa I Ngô Hoàng, Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM, cho biết bệnh nhân V nhập viện trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc tốt, không chóng mặt, không liệt mặt.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân V trước khi xuất viện. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Kết quả chụp CT-scan cho thấy dị vật là cây lấy ráy tai bằng kim loại dài gần 6 cm nằm ở ống tai - tai giữa trái, nằm trước chuỗi xương con, đầu trong chạm đến ống động mạch cảnh trong (không thấy vỡ xương rõ rệt), không gián đoạn xương con.

Bệnh nhân V được chuyển phòng mổ để nội soi lấy dị vật tai trái. Quá trình phẫu thuật ghi nhận ống tai ngoài và màng nhĩ trái sung huyết phù nề, dị vật xuyên thủng màng nhĩ vào hòm nhĩ. Các bác sĩ tiến hành lấy bỏ dị vật.

Sau khi lấy dị vật, ghi nhận màng nhĩ thủng góc trước trên, chưa quan sát được hòm nhĩ. Sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh, sinh hiệu ổn, không chóng mặt, liệt mặt hay chảy máu. Nội soi tai thấy ống tai và màng nhĩ còn nề, đọng ít máu đông. Thính lực đồ tai trái của bệnh nhân bình thường, nhĩ lượng đồ tai trái chưa đo được.

Tiếp đó là bệnh nhân nam (37 tuổi) khi đang ngoáy tai phải bằng tăm bông thì bị người nhà đụng, vô tình đẩy tăm bông vào sâu trong tai. Sau tai nạn, bệnh nhân nghe kém, ù tai phải, chóng mặt, thủng nhĩ phải. Sau 4 tuần điều trị nội khoa, bệnh nhân nghe kém tai phải và chóng mặt tăng dần.

Sau đó bệnh nhân được nhập viện, điều trị tại khoa Tai – Tai thần kinh Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm mê nhĩ mủ, xương bàn đạp lún sâu vào tiền đình phải sau chấn thương tai phải.

Bệnh nhân được phẫu thuật mở hòm nhĩ phải lấy bỏ xương bàn đạp phải và lấp cửa sổ tiền đình phải bằng cân cơ thái dương, đặt Prothesis (thiết bị nhân tạo thay thế cho bộ phận bị thiếu).

Sau 15 ngày điều trị, bệnh nhân sinh hiệu ổn, giảm chóng mặt, giảm nghe kém, không chảy máu, không dấu liệt mặt và được xuất viện.

Nữ bệnh nhân đến bệnh viện với cây lấy ráy tai đâm sâu trong tai. Ảnh: BVCC

Nhiều nguy hiểm từ thói quen lấy ráy tai

Bác sĩ chuyên khoa II Dương Thanh Hồng, Trưởng khoa Tai - Tai thần kinh, Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM, cho biết mỗi tháng nơi đây tiếp nhận trung bình 1 ca tổn thương tai nặng do nhiều nguyên nhân, một số là do lấy ráy tai. Có những bệnh nhân phải nằm viện điều trị rất lâu, khoảng 3-4 tháng, dù phục hồi về cơ quan tiền đình nhưng vẫn bị mất thính lực hoàn toàn.

Theo bác sĩ Hồng, chỉ khoảng 5% người có tuyến ráy tai tiết ra nhiều, đọng lại thành ráy tai, da ống tai không đủ sức đẩy ra nên cần có sự chăm sóc y tế. Còn tại nhà, để vệ sinh tai an toàn chỉ nên dùng nước muối sinh lý làm tan ráy tai để thoát ra ngoài. Đến tiệm hớt tóc để lấy ráy tai là thói quen có hại.

Với trường hợp bệnh nhân V, nếu cây lấy ráy tai không may đi sâu nữa có thể làm vỡ mạch máu của động mạch cảnh trong, cấp cứu không kịp thời và đúng cách có thể nguy hiểm tính mạng.

“Khi có chấn thương ở tai, nguyên tắc là không tự xử lý ở nhà. Bệnh nhân nên giữ nguyên hiện trạng và tới cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, xử trí. Với những chấn thương nặng hơn, cần chuyển đến cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để được điều trị” - bác sĩ Hồng nói.

TS-BS Nguyễn Thanh Vinh, Phó giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM, cho hay ráy tai không phải là bệnh lý. Ống tai có một phần là da, trong da có tuyến bã, tuyến mồ hôi. Tế bào chết của da kết hợp chất nhờn của tuyến mồ hôi tạo ra ráy tai.

Ráy tai không gây viêm nhiễm tai và có khả năng ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào tai. Tuy nhiên, ráy tai có hai loại khô và ướt, nếu ráy tai ướt thì có khả năng nhiễm trùng gây viêm ống tai ngoài và cần lấy ra một cách hợp lý, không gây chấn thương.

Bác sĩ Vinh lý giải thêm, ống tai không phải là ống thẳng đi từ ngoài vào trong màng nhĩ mà là hình cong. Với động tác nhai, ngủ nghiêng thì cũng có thể đẩy ráy tai ra ngoài một cách tự nhiên. Nhưng nhiều người không hiểu nên cứ đưa vật nhọn đi thẳng vào ống tai, có thể gây chạm vào thành da, niêm mạc trong ống tai gây sang chấn ống tai ngoài. Các sang chấn tạo cơ hội thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây viêm ống tai ngoài.

“Dụng cụ nhọn nếu xuyên vào màng nhĩ sẽ làm giảm sức nghe, gây chấn thương chuỗi xương con (hệ thống dẫn truyền âm thanh) ảnh hưởng khả năng nghe. Đặc biệt, nếu đi vào sâu nữa là ốc tai - cơ quan thính giác thực thụ của con người sẽ có nguy cơ gây ra điếc vĩnh viễn” - bác sĩ Vinh chia sẻ.

Ngoài ra, sâu trong tai có những dây thần kinh, nhất là thần dây kinh số 7, nếu làm tổn thương sẽ gây liệt mặt; nếu làm tổn thương cơ quan tiền đình gây chóng mặt và nặng nề sẽ không hồi phục được.

Khuyến cáo lấy ráy tai đúng cách

Người dân không nên dùng các cây ngoáy tai có đầu cứng, sắc, nhọn để lấy ráy tai. Khi ngoáy tai, không nên đưa cây ngoáy tai (gồm cả bông tăm) sâu vào trong ống tai.

Đặc biệt không nên ngồi ngoáy tai ở chỗ có người hoặc vật qua lại vì dễ dẫn đến va chạm làm cây lấy ráy đâm vào tai.

Chỉ nên dùng khăn mềm lau nhẹ nhàng ở vành tai và vùng cửa tai. Khi bị chấn thương do ngoáy tai, nên đến các cơ sở y tế để được khám, kiểm tra và điều trị.

TS.BS chuyên khoa II NGUYỄN THANH VINH - Phó Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM