Lươn là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao tuy nhiên không phải ai cũng có thể ăn được loại thịt này. Dưới đây là những người được khuyến cáo không nên ăn lươn.

Giá trị dinh dưỡng của lươn

Theo bài viết của BS Phó Thuần Hương trên Báo Sức khoẻ & Đời sống, lươn vàng còn gọi là thiên ngư, trương ngư - một trong “bốn món tươi ngon dưới sông” (tứ đại hà tiên). Thịt lươn nhiều chất đạm, bột, đường, lecithin, các vitamin B1, B2, PP, K, A, E, D và Fe , Ca, P.

Theo Đông y, lươn vàng tính ôn, vị ngọt, công hiệu bổ ngũ tạng, bổ trung, ích khí, dưỡng huyết, ôn dương, bồi bổ can, thận, làm mạnh gân cốt, khử phong thấp, thông kinh mạch.

Thực phẩm này thích hợp với các chứng thiếu máu lao lực, ho hen, phong thấp đau nhức, gân cốt rã rời, thận hư đau lưng, liệt mặt ngoại biên, tiêu khát, kiết lỵ. Ngoài là nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn hấp dẫn, lươn còn là vị thuốc quý, đặc biệt đối với trẻ em.

Báo VnExpress dẫn lời bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, cho biết lươn là loại thủy sản phổ biến ở Việt Nam, có thể được chế biến thành các món ăn như cháo, miến, lẩu, chuối om lươn, súp, xào sả ớt, nướng.

Thịt lươn có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều axit amin cần thiết cho cơ thể cũng như nhiều vitamin và khoáng chất. Do đó, đây được xem là loại thực phẩm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Thịt lươn còn có tác dụng bổ não, cải thiện và có thể làm giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ. Loài này chứa ít chất béo bão hòa nên là thực phẩm lý tưởng cho bệnh nhân đái tháo đường, bệnh tim mạch. Đây cũng là món ăn giúp bổ máu, ngăn ngừa thiếu máu thiếu sắt.

Lươn tốt cho sức khoẻ nhưng không phải ai cũng có thể ăn được.

Những người không nên ăn thịt lươn

Báo VietNamNet dẫn nguồn bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ cho biết, lươn tuy tốt cho sức khoẻ nhưng không phải ai cũng có thể ăn thịt lươn. Dưới đây là những người được khuyến cáo không nên ăn thịt lươn:

- Người bị bệnh gout không nên ăn lươn. Lươn là thực phẩm giàu đạm. Người bệnh gout ăn lươn sẽ khiến tình trạng bệnh chuyển biến nặng hơn.

- Người bị mỡ máu cao nên hạn chế ăn thịt lươn ở dạng chế biến chiên xào, nên chế biến bằng cách hấp, luộc, nấu cháo, nướng.

- Trẻ em trên 1 tuổi có thể ăn các món ăn từ thịt lươn, tuy nhiên không lạm dụng cho trẻ ăn quá nhiều vì lươn dễ gây dị ứng ở một mức độ nhất định. Những bé có tiền sử bị dị ứng cần hết sức thận trọng khi ăn thịt lươn. Nên cho ăn thử 1 ít vào lần đầu và quan sát biểu hiện dị ứng để xử trí kịp thời.

Trên đây là những người được khuyến cáo không nên ăn lươn. Nếu bạn thuộc nhóm những người trên hãy tránh xa lươn nhé.