Thử nhiều cơ sở spa, massage trị liệu khác với đủ mức giá, Phương Anh chấp nhận thực tế việc "vung tiền" cho những buổi này chỉ đổi lại được cảm giác yên tâm. Gốc rễ của những cơn đau cổ vai gáy, đau cổ tay... không được giải quyết.
Tương tự, Nguyễn Quý (31 tuổi, Hà Bà Trưng, Hà Nội) đã nhiều lần phải xin nghỉ làm để đi điều trị đau cổ vai gáy và đau lưng.
Ban đầu, cơn đau chỉ thoáng qua sau một ngày làm việc. Quý sử dụng cao dán để giảm đau. Thế nhưng, càng ngồi làm việc, tình trạng ngày càng nặng, trong khi anh cũng không thể "buông" được chiếc máy tính ra khỏi tay.
"Tôi tìm đến phòng khám Đông y để thực hiện các liệu trình điều trị, nhưng chỉ giảm đau 1-2 ngày sẽ tái lại", anh Quý chia sẻ.
Lần gần nhất, người đàn ông này đau lưng đến mức không thể đi lại bình thường nên đã đến bệnh viện kiểm tra. Kết quả cho thấy anh bị gai cột sống thắt lưng, thoái hóa cột sống. "Lẽ ra tôi nên đi khám sớm hơn", anh nói.
Mọi người đang hiểu sai về điều trị bệnh xương khớp
Bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng Trịnh Quang Anh, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết quan theo sát của ông và các số liệu bệnh nhân thực tế đến khám, hiện nay, ngày càng nhiều bạn trẻ đến khám do gặp các vấn đề liên quan đau cổ, vai gáy, gù, vai xệ, lệch vẹo cột sống. Trong đó, bệnh nhân dưới 35 tuổi, làm việc tại văn phòng chiếm trên 50%.
Nhìn chung, nguyên nhân đau cơ xương khớp phổ biến nhất là về cơ năng, tức mất cân bằng cơ xung quanh ổ khớp. Chỉ có một số nhóm cơ được sử dụng nhiều hơn do tư thế ngồi nhiều và sử dụng máy tính hay điện thoại thường xuyên. Lâu dài, chúng gây lệch trọng tâm khớp, trục khớp, dẫn đến đau khớp, tổn thương sụn khớp, thoái hóa.
"Người dân đi massage, vật lý trị liệu, dùng nhiệt, hồng ngoại hay sử dụng thuốc giảm đau, giãn cơ chỉ làm giãn cơ một phần hoặc toàn bộ cơ thể. Bệnh nhân dễ chịu trong thời gian điều trị nhưng cơn đau sẽ quay trở lại bởi vấn đề mất cân bằng cơ vẫn còn ở đó, thói quen vận động, sinh hoạt không thay đổi", bác sĩ Quang Anh nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng đa số bệnh nhân chỉ đang điều trị phần "ngọn", gốc rễ vấn đề vẫn chưa được giải quyết khiến bệnh tái đi tái lại, thậm chí diễn tiến nặng hơn thành thoái hóa, thoát vị đĩa đệm.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng lo ngại khi bệnh nhân điều trị ở những cơ sở không chính thống sẽ đối mặt với nhiều rủi ro. Ông từng tiếp nhận bệnh nhân nam 35 tuổi bị gãy xương xườn sau khi đi bẻ khớp tại nhà "thầy lang".
Bệnh nhân cho hay sau nửa ngày điều trị bẻ khớp, toàn thân bải hoải và suy sụp nhanh chóng, sờ tay ra phía sau lưng tại các chỗ nắn có đau nhói, cảm giác bị trượt, lệch đốt sống ra ngoài.
Người đàn ông đã điều trị nhiều nơi nhưng tình trạng không thấy thuyên giảm nên đến bệnh viện khám. Tiếp nhận bệnh nhân, nhìn phim X-quang, bác sĩ Quang Anh cũng không khỏi lo lắng khi đốt sống ngực T5-T6 bị tổn thương nứt vỡ ngay khớp sụn sườn hai bên. Xương sườn số 10 bên trái bị gãy gần khớp sụn sườn. Khớp sụn sườn 11,12 bị tách toác so với các khớp khác.
"Khi có dấu hiệu của đau cơ xương khớp, tỷ lệ lớn nhất vẫn là vấn đề cơ năng, tức là mất cân bằng cơ. Chúng ta phải nghĩ đến hướng này đầu tiên. Nếu sau khi thăm khám, xét nghiệm, phát hiện có thêm tổn thương như đứt dây chằng, sụn khớp, xẹp đốt sống thì sẽ xử lý tiếp. Trường hợp chỉ là cơ năng, người dân phải cân chỉnh lại hệ cơ xung quanh hệ khớp gây đau", bác sĩ Quang Anh phân tích.
Ống khuyến cáo việc tự ý chữa bệnh lý cơ xương khớp bằng các bài phương pháp chưa được khoa học kiểm chứng hoặc tự ý dùng thuốc giảm đau khi chưa có chỉ định của bác sĩ có thể khiến bệnh trầm trọng hơn, thậm chí để lại biến chứng nguy hiểm.