Đã từ rất lâu, người Việt có truyền thống cứ đến ngày 5/5 (âm lịch) hay còn gọi là Tết Đoan Ngọ thường sử dụng cơm rượu nếp, ăn các loại hoa quả có vị chua, đắng, chát, ngọt (hay dùng nhất là quả vải và quả mận) hay bánh tro (gio)… để giết sâu bọ. Nhiều người cho rằng, cứ đến ngày 5/5 là sâu bọ sinh sôi và phát triển mạnh, nên cần phải dùng một số loại đồ ăn như đã nói trên để tiêu diệt sâu bọ, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.

Các chuyên gia văn hóa cho rằng, đó thực chất chỉ là “cái cớ” do mọi người tự nghĩ ra. Còn thực chất, việc ăn hoa quả, cơm nếp là do đầu tháng 5 (âm lịch) là chính vụ mùa hoa quả, cũng là lúc người dân thu hoạch xong mùa màng. Vì thế, họ dùng những loại hoa quả đó, dùng loại gạo ngon nấu thành cơm ủ rượu để ăn nhằm thưởng thức sản vật do công sức lao động làm nên.

Về phương diện đông y – dinh dưỡng, các bác sĩ cho rằng các loại hoa quả như mận, vải hay cơm rượu nếp đều có những giá trị dinh dưỡng riêng. Nếu sử dụng hợp lý sẽ mang lại lợi ích cho cơ thể. Ngược lại, nếu dùng quá nhiều sẽ có tác dụng ngược với sức khỏe con người.

Chuyên gia khuyến cáo tuyệt đối không ăn mận khi đói.

Diệt sâu bọ bằng quả mận, chớ nên ăn vào sáng sớm

Lấy ví dụ điển hình như quả mận, lương y Vũ Quốc Trung (Hà Nội) cho biết, quả mận có vị chua, trong quả mận có một số hợp chất chống oxy hóa, làm giảm huyết áp, giảm sự xơ vữa động mạch, chống oxy hóa… Tuy nhiên, ít ai biết được những tác dụng trên mà đa số vì thấy loại quả này có vị chua chua, ngọt ngọt, rất giòn, hơn nữa lại đang chính vụ nên đươc sử dụng nhiều.

Lương y Vũ Quốc Trung cũng cho rằng, hiện nhiều người sử dụng quả mận sai cách. Theo đó, quan niệm cho rằng, sáng ngủ dậy phải ăn ngay quả mận mới diệt được sâu bọ là sai, bởi mận có tính axit cao nên thời điểm chưa ăn sáng, dạ dày trống không mà ăn mận sẽ không tốt cho sức khỏe, dễ bị đau dạ dày.

Vị lương y này cũng khuyến cáo, người dân tuyệt đối không ăn quá nhiều mận, không ăn mận xanh và người có vấn đề như đau dạ dày cũng không nên dùng mận.

Cơm rượu ăn đúng cách rất tốt nhưng không dành cho trẻ nhỏ

Một trong những món ăn được nhiều người sử dụng trong dịp Tết Đoan Ngọ nữa đó là cơm rượu nếp cái hoặc nếp cẩm. Đây là loại đồ ăn đã được ủ lên men, sau đó có thể ăn trực tiếp hoặc chế biến, kết hợp với một số loại thực phẩm khác ví dụ như sữa chua nếp cẩm.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, các nghiên cứu cho thấy cơm rượu nếp ăn với liều lượng vừa đủ có thể sẽ giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, đột quỵ, tăng huyết áp…

Một tác dụng rất hữu hiệu khi ăn cơm rượu nếp đó là giúp kích thích tiêu hóa. Tiến sĩ Nguyễn Trong Hưng cho biết, rượu nếp cẩm là thức ăn đồng thời cũng là đồ uống, dùng nguyên cả nước lẫn cái, hương vị ngon thơm được nhiều người ưa chuộng. Món ăn này không những có tác dụng bồi bổ cơ thể mà còn giúp ăn ngon miệng, kích thích tiêu hoá.

Cơm rượu nếp có nhiều tác dụng đối với cơ thể.

“Cơm rượu nếp chứa lượng cồn rất thấp. Vì vậy, khả năng gây say của cơm rượu gần như không có. Vì khi làm cơm rượu, người chế biến chỉ ủ trong 3 ngày, trong khi rượu sẽ ủ 7-10 ngày. Thời gian ủ càng lâu, lượng đường chuyển hóa thành cồn càng lớn”, tiến sĩ Hưng cho hay.

Đặc biệt, đây còn là món ăn phòng thiếu sắt rất tốt, bởi lượng sắt có trong gạo nếp rất cao. Do vậy nếu chúng ta ăn gạo nếp cẩm mỗi ngày sẽ phòng được các bệnh về thiếu sắt.

Dù có nhiều tác dụng nhưng các chuyên gia khuyến cáo, không nên cho trẻ nhỏ dưới 10 tuổi ăn cơm rượu nếp cẩm vì có thể gây say. Ngoài ra, những người có thể thể trạng nóng hay mẩn ngứa hay nổi mụn, vàng da do chức năng gan suy giảm, người mệt mỏi, môi căng đỏ, khô ráp, chảy máy chân răng, lưỡi đỏ không có rêu lưỡi hoặc rêu lưỡi vàng, khó ngủ, bứt rứt... không nên ăn cơm nếp cẩm.