Giá trị dinh dưỡng của nước dừa
Theo các chuyên gia, nước dừa non có chứa nhiều giá trị dinh dưỡng, trong đó 95% là nước còn lại là đường và phần nhỏ các vi chất như kali, sắt, can xi... Mỗi quả dừa non sẽ cung cấp khoảng 70kcal.
Nước dừa có nhiều tác dụng đối với sức khỏe như:
- Cải thiện sức đề kháng: Dừa chứa đường, chất béo, protein, vitamin B, vitamin C và các nguyên tố vi lượng kali, magiê… giúp cơ thể bổ sung dưỡng chất và cải thiện sức đề kháng.
- Bù nước cho cơ thể: Nước dừa là loại nước giải khát tự nhiên không chứa chất béo, có thể dùng làm nước điện giải trong những trường hợp bị mất nước.
- Tốt cho tim mạch: Vì nước dừa có chứa kali và axit lauric cao nên nó rất hữu ích cho bệnh nhân huyết áp cao. Ngoài ra, loại nước này có thể giúp tăng HDL (tốt) cholesterol và là một thứ nước tuyệt vời để điều trị và duy trì sức khỏe tim mạch.
- Giảm vấn đề về tiết niệu: Những người bị tiểu rắt, và các bệnh tiết niệu cần uống nước dừa 2 lần/ngày để giảm triệu chứng bệnh.
- Ngăn ngừa sỏi thận: Uống nước dừa thường xuyên giúp tan sỏi thận và làm cho chúng thoát ra ngoài cơ thể.
- Làm đẹp trẻ hóa: Nước dừa chứa đường, chất béo, protein, hormone tăng trưởng, vitamin và rất nhiều nguyên tố vi lượng thiết yếu. Nó cũng góp phần giữ ẩm cho da và có tác dụng làm đẹp.
Những người không nên uống nước dừa
Nước dừa giải nhiệt mùa hè cực hiệu quả, được nhiều người thích nhưng uống bao nhiêu là đủ và những ai không được uống nước dừa là điều không phải ai cũng biết.
Dưới đây là những dạng người không nên uống nước dừa dù thèm đến mấy:
Người có thể tạng thuộc âm
Những người có thể trạng thuộc âm sẽ có dấu hiệu tay chân lạnh, ăn uống chậm tiêu, ăn ít, ít khát nước, thích uống ấm, dễ bị tiêu chảy, phân mềm, bắp thịt mềm nhão, chậm chạp… thì không nên uống nước dừa.
Vì sao phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu cũng không nên uống nước dừa?
Theo y học Trung Quốc, tử cung của người mẹ trong 3 tháng đầu thai kỳ cần phải duy trì sự ấm áp để phát triển phôi thai. Do đó cần tránh dùng nước dừa kẻo ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, mẹ bầu có thể uống nước dừa khi thai nhi ổn định nhưng cần tuân theo chỉ định của bác sĩ.
Người bị phong tê thấp chớ uống nước dừa
Nước dừa thuộc tính âm nên những người huyết áp thấp, phong tê thấp không nên uống nước dừa. Những ai đau lưng, đau xương, uống nhiều nước dừa sẽ khiến cơn đau tăng lên.
Người bị tiểu đường tránh uống nước dừa
Người mắc bệnh tiểu đường không nên uống nước dừa sau bữa ăn vì có nguy cơ làm tăng đường huyết.
Người có nguy cơ béo phì cũng cần hạn chế tối đa loại nước này, người đang trong hành trình giảm cân tốt nhất loại bỏ chúng khỏi chế độ ăn vì uống nước dừa có thể gây tình trạng thừa đường, thừa calo, dễ tăng cân…
Người mắc bệnh thận không nên uống nước dừa
Những người hay tiểu đêm, thận yếu không nên uống quá nhiều nước dừa vì dễ lợi tiểu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là giảm chất lượng giấc ngủ.
Người có bệnh đường tiêu hóa
Nước dừa có tính mát, hàn, nhất là nước dừa non, cực không tốt cho người bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.
Khi đi nắng về không nên uống nhiều nước dừa vì Đông y cho rằng "ẩm khốn tỳ", ẩm nhiều gây hại tỳ vị, đầy bụng, khó tiêu, người ớn lạnh, đặc biệt có hại cho đường tiêu hóa và lá lách.
Những người này thường cơ thể hơi yếu, da xanh tái, bắp thịt mềm nhão, chân tay hay lạnh, ăn uống khó tiêu, chậm tiêu, dễ bị tiêu chảy, phân mềm...
Người huyết áp thấp
Những người bị bệnh trĩ, huyết áp thấp, thấp khớp, mệt tim do lạnh... là những bệnh thuộc thể hàn, nên kiêng nước dừa vì nước dừa cũng thuộc âm, tính hàn.
Những lưu ý khi uống nước dừa
Uống nước dừa quá nhiều với lượng 3 - 4 trái/ngày sẽ làm sức khỏe suy yếu đi, huyết áp tụt xuống thấp, vô cùng nguy hiểm.
Khi uống nước dừa nên chú ý đến lượng đường trong đó. Lượng đường ngọt hấp thu nhanh/ngày với mỗi người không được phép vượt quá 10% năng lượng khẩu phần, tương đương khoảng 180-200kcal. 2 quả dừa đã chứa khoảng 140kcal do đó cần hạn chế đường ngọt từ các loại hoa quả, đồ uống khác.
Nếu muốn giải khát bằng nước dừa, cần phải tuân thủ một nguyên tắc là ngồi nghỉ cho cơ thể hồi phục năng lượng, uống nước dừa từng chút một và không uống quá nhiều.
Khi uống nước dừa để giải khát, nên thêm ít muối để điều hoà. Món nước dừa trộn với nước ép rau má cũng là một thức uống giải khát, thanh nhiệt, tiêu độc, nhuận gan rất tốt. Tuy nhiên, đối với những người có tạng âm không thích hợp uống nước dừng cần hết sức lưu ý để tránh những điều bất lợi khi sử dụng.