1. Đường có trong thực phẩm nào?

Trong khi các nghiên cứu trên thế giới đang tiếp tục xem xét mối quan hệ giữa lượng đường ăn vào và bệnh ung thư thì nó vẫn là nỗi băn khoăn đối với nhiều bệnh nhân ung thư và những người chăm sóc họ.

Đường có nhiều dạng khác nhau, nhưng dạng đơn giản nhất là một phân tử gọi là glucose . Nghiên cứu cho thấy, tất cả các tế bào, kể cả tế bào ung thư, đều sử dụng glucose làm nhiên liệu chính. Hiểu đơn giản, glucose là nhiên liệu cơ bản cung cấp năng lượng cho từng tế bào của chúng ta.

Glucose có trong bất kỳ thực phẩm nào có chứa carbohydrate bao gồm thực phẩm lành mạnh như rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và sữa... Glucose cũng đến từ carbohydrate tinh chế và đường bổ sung như bánh mì trắng, mì ống, bánh kẹo và đồ uống có đường…

Đường bổ sung có nhiều trong bánh kẹo.

2. Đường có nuôi tế bào ung thư không?

Có quan niệm cho rằng, đường hoặc glucose, có thể thúc đẩy sự phát triển của tế bào ung thư. Cách tiếp cận này cho rằng, nếu các tế bào ung thư cần glucose thì việc loại bỏ nó khỏi chế độ ăn uống sẽ ngăn ung thư phát triển. Điều này có thể khiến một số người tránh tất cả các loại thực phẩm chứa carbohydrate một cách không cần thiết.

Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như vậy. Tất cả các tế bào khỏe mạnh của chúng ta đều cần glucose để hoạt động và không có cách nào để cơ thể chúng ta chỉ cung cấp lượng glucose cần thiết cho tế bào khỏe mạnh mà không cung cấp cho tế bào ung thư. Nếu không có đủ lượng carbohydrate từ thực phẩm chúng ta ăn, cơ thể chúng ta sẽ tạo ra glucose từ các nguồn khác, bao gồm cả protein và chất béo .

Glucose rất quan trọng để các tế bào của cơ thể tồn tại và hoạt động bình thường. Không tiêu thụ đủ carbohydrate có thể dẫn đến sự phân hủy protein dự trữ trong cơ thể, điều này có thể dẫn đến mất cơ và suy dinh dưỡng. Theo một chế độ ăn kiêng hạn chế với lượng carbohydrate rất thấp cũng có thể gây giảm cân không chủ ý. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng chịu đựng của cơ thể với các biện pháp điều trị ung thư.

Hạn chế carbohydrate cũng loại bỏ các loại thực phẩm là nguồn cung cấp chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất dinh dưỡng thực vật hỗ trợ tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.

Theo ThS.BS Trần Châu Quyên, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thực tế là đường không làm cho các tế bào ung thư phát triển nhanh hơn.

Tất cả các tế bào, kể cả tế bào ung thư sẽ phụ thuộc vào lượng đường trong máu (glucose) để sản sinh năng lượng. Nhưng ăn nhiều đường không có nghĩa là tế bào ung thư tăng trưởng nhanh hay giảm.

Tế bào ung thư tăng trưởng nhanh là do tính chất ác tính của nó. Hơn nữa, tế bào ung thư cũng không liên quan đến bột đường. Trong khi các mô cơ thể bình thường cần chất bột đường để thực hiện các chức năng hàng ngày. Vì thế, nếu không ăn tinh bột sẽ cực kỳ nguy hiểm tới sức khỏe.

Tổ chức từ thiện nghiên cứu và nâng cao nhận thức về ung thư Anh Quốc
Không có bằng chứng nào cho thấy việc tuân theo chế độ ăn kiêng “không đường” làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư hay làm tăng cơ hội sống sót.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, vấn đề này nên hiểu như sau: khi chúng ta ăn cơm, khoai, ngô... thì khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành đường glucose cung cấp cho các hoạt động của cơ thể. Về chế độ ăn lành mạnh, mọi người đều nên hạn chế ăn đường hấp thu nhanh, giảm tiêu thụ đường như đường kính, bánh kẹo... Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo chỉ ăn dưới 5% năng lượng khẩu phần từ chất đường đơn, đường hấp thu nhanh như bánh kẹo, bánh mì trắng... Ăn chế độ ăn lành mạnh làm giảm nguy cơ thừa cân, béo phì, giúp ngăn ngừa một số bệnh như ung thư, tim mạch, đái tháo đường...

3. Người bệnh ung thư nên chọn thực phẩm chứa đường lành mạnh

Cho đến nay, chưa có nghiên cứu thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên nào cho thấy đường gây ung thư. Tuy nhiên, có một mối liên hệ gián tiếp giữa đường và bệnh ung thư.

Trên thực tế, ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều đường như bánh ngọt, bánh quy và đồ uống có đường có thể góp phần làm dư thừa lượng calo. Điều này có thể dẫn đến tăng cân và mỡ thừa trong cơ thể. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thừa cân hoặc béo phì làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư bao gồm: ung thư đại trực tràng, ung thư vú sau mãn kinh, ung thư buồng trứng, gan, tuyến tụy...

Mặc dù không cần thiết phải tránh hoàn toàn đường, nhưng việc giảm lượng đường bổ sung và tiêu thụ carbohydrate giàu chất dinh dưỡng, nhiều chất xơ là cách hiệu quả để tăng cường sức khỏe tổng thể, kiểm soát soát lượng đường trong máu và duy trì cân nặng khỏe mạnh.

Người bệnh ung thư nên chọn thực phẩm chứa đường lành mạnh.

Nên chọn carbohydrate tốt trong rau xanh, củ quả, trái cây, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt…

Các loại thực phẩm này không chỉ giàu vitamin và khoáng chất mà còn giàu chất xơ và chất chống oxy hóa giúp giữ cho lượng đường trong máu ổn định và tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Nên tránh các thực phẩm có chứa nhiều carbohydrate đơn giản, chứa nhiều đường bổ sung như: ngũ cốc tinh chế, bánh ngọt, kẹo, đồ uống có đường, nước ép trái cây đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn… Loại tinh bột xấu này cung cấp rất ít dinh dưỡng ngoài lượng calo rỗng, gây tăng cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa và tăng nguy cơ ung thư.