Một bệnh nhân được lọc máu chạy thận. Ảnh: Duy Hiệu.

Khẽ lướt ngón tay trên màn hình điện thoại, chị Trâm chợt khựng lại, nét buồn lặng lẽ hiện lên gương mặt khi lịch chạy thận hiện rõ trước mắt: Đúng mùng Một Tết Ất Tỵ 2025.

“Lại một năm ăn Tết ở bệnh viện”, người phụ nữ 34 tuổi thở dài.

Bên tai chị, âm thanh “tít tít” từ máy lọc máu vẫn vang lên đều đều.

12 năm chạy thận

Từ cảm giác nhói ở vùng thắt lưng, cơn đau ngày một nặng hơn, Chế Bửu Trâm (lúc này mới 22 tuổi, kế toán tại TP.HCM) buộc phải tìm đến những loại thuốc giảm đau liều mạnh. Nối tiếp là cảm giác khó thở. Nhiều đêm liền, Trâm gục ngủ trong tư thế ngồi vì chỉ cần nằm xuống cơn đau lại hành hạ.

Gắng gượng được một tuần, hai quả thận của chị đã tích nước nặng. Trong cơn mê, chị nhớ mình được đẩy vào phòng chạy thận cấp cứu.

“Tôi không ngờ 'nó' đến sớm như thế”, người phụ nữ nói với Tri Thức - Znews.

Bửu Trâm đã chạy thận nhân tạo gần 13 năm. Ảnh: Kỳ Duyên.

Năm 1990, khi vừa cất tiếng khóc chào đời, các bác sĩ đã nhận ra đứa trẻ mang tên Chế Bửu Trâm có gì đó không ổn. Bàng quang của Trâm bị dị dạng bẩm sinh. Nhiều cuộc phẫu thuật đã được tiến hành từ lúc chị vẫn còn là đứa trẻ đỏ hỏn đến khi biết biết đi, biết nói, thế nhưng với các kỹ thuật y tế còn hạn chế vào thời điểm ấy, vấn đề vẫn không được giải quyết dứt điểm.

“Đối với kiểu dị tật bàng quang như thế này, sớm muộn gì người bệnh cũng phải chạy thận”, chị Trâm loáng thoáng nghe vị bác sĩ nói với ba mẹ.

Hơn 20 năm cuộc đời, cô gái nhỏ sống cùng với “bản án tử” treo lơ lửng trên đầu. Và bản án ấy đã thật sự giáng xuống đời Bửu Trâm, trong một ngày chị bước sang tuổi 22. Chị buồn, nhưng không quá suy sụp, bình thản chấp nhận kết cục đã được tiên liệu trước này.

 
Máu sạch sau khi qua máy lọc sẽ trở về cơ thể người bệnh. Ảnh: Kỳ Duyên.

Những chuỗi ngày sau đó của chị gắn liền với 3 ca lọc máu tại khoa Thận - Lọc máu, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương mỗi tuần. Đến chiều, chị lại trở về công việc kế toán.

12 năm chạy thận, chị không thể đếm xuể số lần nhập viện từ nặng đến nhẹ. Người phụ nữ 35 tuổi nhớ như in lần ngã cầu thang vào ngày 1/6/2023. Cú bước hụt khiến chị ngã lăn quay trên từng nấc thang. Nén đau, chị lê đôi chân đã đứt gân đến giường lọc máu.

“Làm gì cũng phải chạy thận trước” - Dòng suy nghĩ lóe lên trong đầu khiến chị chỉ biết cười cay đắng. Với chị, chạy thận quan trọng hơn cả, bởi người phụ nữ này vẫn nhớ rõ những cơn đau đến rã rời khi lọc máu lệch ngày.

Bệnh thận đã lấy đi của chị Trâm nhiều thứ: tiền bạc, tuổi xuân và cả thiên chức làm mẹ. Nhắc đến con cái, giọng chị nghẹn ứ pha lẫn những trăn trở. Kết hôn nhiều năm, đôi vợ chồng vẫn mong mỏi cảm giác được ôm trọn hình hài bé nhỏ do mình sinh ra vào lòng.

Cuộc sống đảo lộn khi mắc bệnh thận

Trong căn phòng trắng sáng, mùi thuốc khử khuẩn len lỏi khắp nơi, người phụ nữ nằm im lìm trên chiếc giường bệnh. Từng dòng máu sạch đi qua máy lọc rồi chậm rãi chảy ngược vào cơ thể chị. Đã 8 năm trôi qua, chị không còn đếm được bao nhiêu buổi sáng bắt đầu như thế.

“Bác sĩ nói có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận. Trường hợp của tôi là do huyết áp biến chứng”, chị Huỳnh Thị Thúy An (44 tuổi, TP.HCM) bắt đầu câu chuyện.

Biến cố ập đến ở tuổi 36, người phụ nữ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, nhiều lần tới lui đi khám đều chỉ cùng ra một kết quả: Huyết áp cao, duy trì uống thuốc.

Bệnh nhân suy thận thường tập trung ở lứa tuổi trung niên nhưng ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Ảnh: Phạm Trường.

Chị Thúy An chỉ biết mình bị suy thận khi bệnh đã vào giai đoạn nặng, dịch bắt đầu tràn vào thận, phổi. Người phụ nữ bỏ công việc phụ hồ, cuộc sống lúc này chỉ quẩn quanh giữa nhà và nơi chạy thận.

Hay tin mẹ bệnh, đứa con gái lớn mới tốt nghiệp cấp 2 đã hối hả lao vào đời để thế chỗ mẹ - trở thành trụ cột cho gia đình 4 người.

Thời gian đầu, người phụ nữ vẫn còn có thể vào bếp, chuẩn bị những bữa ăn tươm tất cơm canh. Thế nhưng, sau vài năm chạy thận, sức khỏe suy yếu dần, trách nhiệm giữ lửa cho căn bếp được đứa con còn lại tiếp nối.

Những ngày chạy thận lọc máu để lại trên cánh tay trái của chị chi chít những cục u lớn nhỏ. Đến khi u quá lớn, bác sĩ phải mổ lấy cầu tay chạy thận, đổi sang lọc máu bằng tay phải.

“Số phận của mình đã an bày như thế rồi, phải chấp nhận chứ không thể làm khác được”, chị trầm ngâm.

Nguyên nhân

Trao đổi với Tri Thức - Znews, bác sĩ chuyên khoa II Vũ Thị Minh Hoa, Trưởng khoa Thận - Lọc máu, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết đơn vị này hiện tiếp nhận khoảng 350 bệnh nhân chạy thận nhân tạo. 56 máy lọc máu gần như hoạt động hết công suất cả ngày.

Trong những bệnh nhân tại đây, có những người đã gần 90 tuổi, cũng có người chưa bước sang ngưỡng 30. Tập trung nhiều nhất là độ tuổi trung niên, khoảng 40-60 tuổi.

Qua quan sát, bác sĩ Hoa cho biết số lượng người trẻ suy thận có dấu hiệu tăng trong những năm gần đây. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc người bệnh đã có dấu hiệu viêm thận nhưng không phát hiện sớm, dẫn đến bệnh diễn biến nặng.

Đồng thời, chế độ ăn uống không khoa học, đặc biệt là thói quen uống nhiều nước ngọt, trà sữa, cũng góp phần làm suy giảm sức khỏe thận. Các loại thực phẩm này có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa như đái tháo đường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng thận.

Một yếu tố khác góp phần tác động đến chức năng thận chính là việc sử dụng thuốc, dược phẩm, thực phẩm chức năng một cách bừa bãi. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến nhất mà khoa ghi nhận.

Để hạn chế nguy cơ suy thận, bác sĩ Hoa khuyến cáo người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để kịp thời phát hiện bệnh. Lúc này, các nhân viên y tế sẽ có phương pháp điều trị bảo tồn thích hợp để phòng ngừa diễn biến suy thận nặng, đồng thời kiểm soát tốt các bệnh lý nền nếu có.

“Quan trọng nhất là cần duy trì lối sống khỏe mạnh, không sử dụng thuốc bừa bãi và có chế độ ăn uống lành mạnh”, bác sĩ Hoa nhấn mạnh.

Tin liên quan