Đi viện sau khi phê bóng cười 

Bệnh nhân tên N.T.A. đến khám bệnh trong tình trạng tê bì chân tay, hai chân yếu. T.A. kể trong vòng 1 năm liên tục hít bóng cười. Gần đây, anh cảm thấy chân tay tê bì, đặc biệt là hai chân yếu đi khám.

Bác sĩ Tuấn đã cho bệnh nhân làm xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu, sinh hóa máu, thăm dò điện sinh lý thần kinh - cơ… Kết quả thăm khám, anh A. được chẩn đoán viêm đa dây thần kinh mạn tính trên nền bệnh nhân có tiền sử hút bóng cười. Bác sĩ Tuấn cho biết với bệnh nhân này, việc điều trị trước mắt để bệnh nhân có thể đi lại, giảm tình trạng yếu chân tay nhưng các ảnh hưởng mãn tính do bóng cười mang lại thì khó có thể điều trị triệt để ngay tức khắc.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, theo thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết trước đây trung tâm cũng từng cấp cứu cho bệnh nhân bị ngộ độc bóng cười. 

Đặc biệt, một thanh niên 26 tuổi (sống tại Tây Hồ, Hà Nội) vào khám vì chân tay tê yếu tới mức người bệnh không thể đứng đi bình thường được.

Hít bóng cười liên tục nguy hiểm tới sức khoẻ - Ảnh minh họa: Internet

Theo bệnh nhân, anh có tiền sử hít bóng cười khoảng hơn 1 năm nay. Ban đầu, mỗi ngày hít một hai quả nhưng khi nghiện rồi có ngày bệnh nhân hít tới 20 quả mới đủ cảm giác phê phê.

Sau khi được đưa vào bệnh viện, bệnh nhân đã được đưa đi làm xét nghiệm ngay lập tức. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có những biểu hiện bị tổn thương tủy sống cổ khá nhiều và mất chất liệu tủy sống, tê bì bàn chân và cổ chân, bàn tay 2 bên cũng bị tê bì.

Bác sĩ Nguyên cho biết ngay sau khi có kết quả, các bác sĩ đã nhanh chóng đưa ra pháp đồ điều trị, sau 5 ngày điều trị bệnh nhân đã cho thấy sức khỏe dần dần ổn định và khá hơn.

Hay trường hợp khác là nam sinh 21 tuổi cũng vào viện vì ngộ độc bóng cười khí N2O. Người bệnh kể, nghiện bóng cười khoảng 5, 6 tháng nay. Để tăng độ phê của bóng cười, nam sinh mua hẳn bình khí về nhà tự bơm bóng cười rồi hít. Có ngày hít tới 20, 30 quả.

Bệnh nhân được người nhà đưa vào trong tình trạng mất thăng bằng, chân tay yếu không đi được. Phải mất 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân mới có tiến triển hơn.

Bóng cười nguy hiểm như thế nào?

Bác sĩ Tuấn cho biết bóng cười đã bị cấm ở Hà Nội. Tuy nhiên nhiều thanh niên vẫn mua về sử dụng coi như một trào lưu, thể hiện đẳng cấp dân chơi của mình. Bóng cười ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe.

Trong bóng cười, thành phần chính là khí Dinitơ monoxid (N2O) được gọi là khí cười. Khi hít vào, người hít cảm thấy phấn khích, cười cười.  Tuy nhiên, sau khi hít phải không phải là cười tự nhiêm mà khí này gây ra ảo giác, kích thích hưng phấn cười.

Theo bác sĩ Tuấn, trước kia, khí N2O được ứng dụng trong y tế có tác dụng giảm đau, giải lo âu. Tuy nhiên khi sử dụng quá liều sẽ gây tác hại đến hệ thần kinh và tim mạch. Hút khí này vào trong cơ thể gây tổn thương thần kinh ngoại biên và gây ảnh hưởng chu trình chuyển hóa vitamin B12.

Chất N2O trong bóng cười gây rối loạn thần kinh - Ảnh minh họa: Internet

Nếu lạm dụng N2O có thể dẫn tới rối loạn thần kinh như co giật, mất kiểm soát, trầm cảm, rối loạn cảm giác, liệt vận động, rối loạn giấc ngủ, tổn thương thần kinh trung ương,… Ngay cả khi sử dụng ở nồng độ thấp, người dùng cũng sẽ bị giảm nhận thức, tầm nhìn và thính giác.

Với những người bị bệnh về tim mạch, hen suyễn và các bệnh liên quan tới đường hô hấp, sử dụng và tiếp xúc với khí N2O có thể bị nguy hiểm tới tính mạng.

Hiện nhiều nước như Mỹ, Anh đã đưa vào quy định cấm sử dụng và kinh doanh N2O cho các mục đích giải trí, trên người mà không phải y tế. Trong y khoa, trước đây, N2O cũng từng được sử dụng trong một số trường hợp lo âu và trầm cảm cũng như làm giảm tình trạng kích động, mê sảng trên những bệnh nhân cai rượu. 

Tuy nhiên, hiện nay với những tiến bộ y học, các dược phẩm điều trị lo âu và trầm cảm có rất nhiều và hiệu quả nên N2O không còn sử dụng nữa. N2O cũng được sử dụng trong sản khoa cho những trường hợp mà bà mẹ quá lo lắng hay sợ đau trong lúc sinh nở.