Theo thông tin từ báo Sài Gòn giải phòng, chiều 27/5, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, một bệnh nhi 3 tuổi bị viêm phổi nặng do cúm A/H1 vừa được cứu chữa thành công.

Bệnh nhi là bé H.A. (ngụ quận 8, TPHCM), sốt cao liên tục 3 ngày, ho và tiêu chảy nhiều lần. Đến ngày thứ 4, bé nhập bệnh viện địa phương với chẩn đoán viêm phổi, suy hô hấp diễn tiến nhanh, được đặt nội khí quản, thở máy. Kết quả xét nghiệm PCR dịch hút phế quản ghi nhận tác nhân cúm A/H1 của chủng đại dịch 2009 (cúm mùa). Các bác sĩ hội chẩn và chuyển bệnh nhi lên Bệnh viện Nhi đồng TP.

Theo BSCK2 Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng li bì tím tái, SpO2 khoảng 80-82%. Kết quả Xquang phổi ghi nhận tình trạng tổn thương lan tỏa 2 bên phổi, xẹp đỉnh phổi. Bệnh nhi được chẩn đoán viêm phổi và suy hô hấp cấp tiến triển nặng do cúm A/H1.

 

Bé nhập bệnh viện địa phương với chẩn đoán viêm phổi, suy hô hấp diễn tiến nhanh, được đặt nội khí quản, thở máy - Ảnh: Sài Gòn giải phóng

Bệnh nhi được điều trị tích cực với thở máy thông số cao, tư thế nằm sấp, kháng sinh phổ rộng, sử dụng thuốc kháng virus Tamiflu, điều chỉnh nước điện giải, kiềm toan.

Sau khi hội chẩn, ê kíp quyết định áp dụng kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Tuy nhiên, diễn tiến bệnh phức tạp, bệnh nhi nhiễm trùng nặng, viêm phổi bội nhiễm, bạch cầu tăng cao.

Ê kíp đã đổi kháng sinh, điều chỉnh thông số ECMO, hỗ trợ chức năng các cơ quan. Sau gần 3 tuần điều trị, tình trạng bệnh nhi cải thiện, được cai ECMO, máy thở và dần tỉnh táo, tiếp xúc tốt.

Theo BS Nguyễn Minh Tiến, bệnh do cúm A/H1 có thể phòng ngừa bằng vaccine cúm thông thường.

Kết quả Xquang phổi ghi nhận tổn thương lan tỏa 2 bên phổi - Ảnh: Sài Gòn giải phóng

Theo thông tin từ Bộ Y tế, BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến cho biết thực tế cúm A/H1N1 cũng là một loại bệnh nhiễm siêu vi (virus cúm) thông thường và là loại cúm mùa xảy ra quanh năm.

Bệnh nhân có thể khỏi bệnh từ 2-5 ngày, tối đa là 7-14 ngày. Thời gian ủ bệnh tương đối ngắn, chỉ trong vòng 12 tiếng đến 2 ngày, có nhiều trẻ chỉ sốt trong vòng 24 tiếng. Tuy nhiên, do sự tăng sinh của virus cúm A nên virus này có thể lây lan với tốc độ rất nhanh, có thể hình thành các chùm ca bệnh và các ổ dịch bệnh nhỏ. Trường hợp virus cúm A có các đột biến gen thì nguy cơ gây ra dịch lớn là rất cao.

Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết: "Virus cúm A/H1N1 có thể tồn tại từ 1-2 ngày trong môi trường nhiệt độ thường. Đặc biệt, trong môi trường ẩm, lạnh thì virus có thể tồn tại lâu hơn. Vậy nên, khi bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 ho, khạc khiến các giọt bắn có chứa virus bám trên các bề mặt vật dụng, đồ chơi... rất dễ lây nhiễm bệnh cho những người xung quanh và gây nên các ổ dịch".

Để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh, bác sĩ khuyên rằng, các gia đình và trường học cần thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn các vật dụng, đồ chơi. Tăng cường vệ sinh cá nhân cho trẻ, rửa tay thường xuyên, nên chủ động cho trẻ đi tiêm vaccine, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời, phụ huynh và giáo viên cần theo dõi trẻ để phát hiện kịp thời các triệu chứng cảnh báo bệnh.

"Những trẻ mắc các bệnh nền, các bệnh về máu, tim bẩm sinh, thận, gan, trẻ sinh non, suy giảm miễn dịch rất dễ mắc cúm và rất dễ trở nặng nên phụ huynh cần đặc biệt lưu ý tới nhóm trẻ này. Ngoài ra, trẻ thừa cân béo phì cũng là một trong những đối tượng cần quan tâm đặc biệt. Thực tế cho thấy rằng trẻ dư cân béo phì có khả năng mắc cúm thấp nhưng khi đã nhiễm virus cúm thì khả năng trở nặng rất cao" - bác sĩ Tiến khuyến cáo.