Sán lợn lây như thế nào?

Việc hàng loạt học sinh mầm non nhiễm sán dây lợn qua xét nghiệm huyết thanh ELISA theo TS Quang không nên quá lo lắng. Bởi với xét nghiệm trên chưa thể khẳng định đó là ca nhiễm sán nếu bệnh nhi không có triệu chứng của sán như rối loạn tiêu hóa, có đốt sán trong phân.

Hiện nay, để khẳng định một ca bệnh và điều trị thuốc trị sán thì người bệnh phải có các tiêu chí như trên.

TS Quang cho biết cơ chế nhiễm bệnh do tiêu hóa trứng được đẻ ra trong phân của người nhiễm sán dây. Heo và con người bị nhiễm do ăn phải trứng hoặc các đốt sán. Người bị nhiễm hoặc là do ăn các thực phẩm nhiễm phân có chứa trứng sán hoặc là tự nhiễm.

Khi con người tiêu hóa các thịt heo nấu chưa chín có chứa cysticerci, các nang sán xâm nhập và dính vào ruột non nhờ bộ phận đầu của chúng. Sán dây trưởng thành, phát triển (dài từ 2-7m và sinh ra trung bình khoảng 1000 đốt, mỗi đốt có xấp xỉ 50,000 trứng) và ký sinh trong ruột non trong nhiều năm.

Sán dây lợn trưởng thành ký sinh trong ruột- Ảnh minh họa: Internet

Sán dây trưởng thành sống ký sinh trong ruột người, có chiều dài từ 4-12m, gồm từ 1.200-2.000 đốt (sán dây bò) hoặc chiều dài từ 2-4m và từ 700-1.000 đốt (sán dây lợn).

Điểm đặc biệt là sán lưỡng tính và sinh sản bằng cách rụng đốt. Trâu bò, lợn ăn phải trứng và đốt sán phát tán trong môi trường hoặc ăn phân người có sán; trứng vào dạ dày và ruột của trâu, bò, lợn rồi nở ra thành ấu trùng chui qua thành ống tiêu hóa vào máu và tới các cơ vân tạo kén ở đó, người ta gọi là lợn gạo.

Người ăn phải thịt của bò gạo hoặc lợn gạo chưa nấu chín, ấu trùng sán vào ruột sẽ nở ra con sán trưởng thành. Người mắc sán dây lợn trưởng thành có thể tự nhiễm và nhiễm ấu trùng, ấu trùng đến não gây ra nhức đầu, động kinh, đến mắt gây giảm thị lực…

Cách phòng chống bệnh sán

TS Quang cho biết tác hại và biến chứng của bệnh sán dây trưởng thành thường không biểu hiện triêu chứng rõ rệt. Một số trường hợp có biểu hiện lâm sàng như đau bụng, rối loạn tiêu hóa hoặc có triệu chứng thần kinh (suy nhược).

Dấu hiệu chính là thấy đốt sán ra theo phân hoặc tự bò ra ngoài hậu môn (thường nhìn thấy trong quần lót khi thay ra vào cuối ngày làm việc); xuất hiện đốt sán theo phân (những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như sơ mít, đầu sán bằng phẳng) và một số trường hợp có trứng sán trong phân được phát hiện.

Hình ảnh nang sán gạo trong thịt lợn - Ảnh minh họa: Internet

Để phát hiện sán trưởng thành trong ruột, người ta sử dụng xét nghiệm kháng nguyên trong phân bằng kỹ thuật ELISA, phát hiện caác đốt sán đi ra tự nhiên ở hậu môn.

Với ấu trùng sán lợn, người ta sẽ sinh thiết các nang sán dưới da tìm ấu trùng sán dây lợn; Chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner) não tìm các hình ảnh đặc hiệu (các nang sán là những nốt dịch có chấm mờ, kích thước 3-5mm, đôi khi nang có kích thước lớn đến 10mm, rải rác có nốt dạng vôi hóa).

TS Quang nhấn mạnh việc phát hiện sán và khoanh vùng để có kế hoạch phòng bệnh cũng rất quan trọng nhưng trường hợp ở Bắc Ninh người dân không nên quá hoang mang. TS Quang cho biết quan trọng là phòng bệnh như thế nào.

Phòng chống hiệu quả nhất bằng cách kết hợp nhiều biện pháp khác nhau. Có nhiều tiếp cận khác nhau như phòng chống bệnh cho vật nuôi, kiểm soát thực phẩm. Cải thiện thực hành nuôi lợn và thường xuyên kiểm tra tại lò mổ đã làm giảm tỷ lệ mắc giun xoắn ở Mỹ.

Tuy nhiên, có nhiều mầm bệnh lưu hành ở động vật hoang dại không thể kiểm soát được. Mặt khác, các xét nghiệm phát hiện mầm bệnh trong thịt thường có độ nhạy thấp và cũng không thể thực hiện với tất cả các loại mầm bệnh và các loại thịt, cá. Các biện pháp chế biến thịt, cá như ướp muối, hun khói, ngâm dấm… thường không hiệu quả.

Để tiêu diệt sán, nhiệt độ cao vẫn là biện pháp đáng tin cậy nhất. Vì hầu hết các ký sinh trùng sẽ bị giết chết hoặc không hoạt động ở nhiệt độ 60°C. Tuy nhiên, nhiệt phải thâm nhập toàn bộ khối thịt, cá.