Tết Đoan ngọ còn gọi Tết "giết sâu bọ" của Việt Nam, vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Ngày này, dân gian có nhiều tục trừ trùng phòng bệnh. Mâm cúng Tết Đoan ngọ mùng 5 tháng 5 âm lịch không thể thiếu mận, vải, cơm rượu nếp, bánh trôi chay, bánh tro mật mía, hoa thơm.

Combo mâm cúng “cháy hàng”

Những ngày này, Facebook của chị Hoàng Yến, chủ một shop chuyên hoa tươi tại Q. Đống Đa, Hà Nội nhộn nhịp không khí mua bán. Người order cân mận Bắc Hà - Lào Cai, người đặt mua hoa hồng tươi, có người thì hỏi mua bánh tro mật mía để cúng Tết Đoan ngọ.

Ngoài bán lẻ các mặt hàng, chị Yến còn bán theo combo để chị em giới văn phòng chỉ việc nhấc máy lên order là có ngay một mâm cúng đầy đủ “ship tận cổng”.

Mận Mộc Châu quả to đắt hàng tơi tới. Ảnh: NVCC

Theo đó, combo giá 299.000 đồng bao gồm chục bánh tro mật mía truyền thống, 0.5kg mận Mộc Châu, 0.5kg nếp cẩm, 10 bông hoa hồng Đà Lạt kèm một bài văn khấn. Trong đó, có lẽ món cầu kỳ nhất, làm nên “hồn cốt” của ngày Tết Đoan ngọ phải kể tới cơm rượu nếp cẩm.

Bánh tro thanh mát ăn kèm mật mía cũng là mặt hàng bán chạy trong dịp Tết Đoan ngọ. Ảnh: NVCC

“Gạo nếp cẩm được lựa chọn cẩn thận, nhặt sạch thóc và sạn, tạp chất, đãi sạch ngâm nước trong 12 giờ đồng hồ. Sau đó đem nấu chín, rắc men nhà tự làm, ủ trong lá sen sẽ cho ra lò món rượu nếp cẩm thơm ngon, ngọt tự nhiên mà không cần cho đường. Đến mùng 4 âm lịch mình đã “cháy hàng”, không kịp phục vụ khách”, chị Yến vui vẻ cho biết.

Rượu nếp 10k “được lòng” bà nội trợ

Chợ truyền thống bạt ngàn cơm rượu nếp đóng hộp giá 10 - 20.000 đồng/ hộp. Ảnh: Thu Hà

Sau lễ cúng là các tục lệ giết sâu bọ. Cả nhà quây quần ăn những thứ quả chua, rượu nếp, bánh tro... để diệt trừ sâu bọ, xua đuổi bệnh tật.

Vì thế, cơm rượu nếp cẩm đã trở thành một món không thể thiếu trong ngày này. Điều đặc biệt là cơm rượu nếp cẩm chỉ xuất hiện bạt ngàn tại chợ vào ngày Tết Đoan Ngọ.

Ngô khoai sắn luộc cũng "được lòng" bà nội trợ trong dịp Tết Đoan Ngọ. Ảnh: Thu Hà

Theo ghi nhận của PV Phụ nữ Sức khỏe, ngay từ ngày mùng 4 âm lịch, tại chợ truyền thống, nhiều cửa hàng đóng sẵn cơm rượu nếp cẩm vào hộp nhựa để dễ dàng bán cho khách. Giá cơm rượu nếp cẩm dao động từ 10 – 20.000 đồng/ cốc.

Vừa cân rượu cho khách, chị Nguyễn Thị Ngoan, chủ một sạp hàng tại Q. Hà Đông, Hà Nội hồi hởi nói: “Rượu nếp cẩm cực đắt khách trong dịp này, bán chạy trong khoảng 3 ngày, mỗi ngày tôi bán được hàng trăm cốc, không có hàng mà bán”.

Còn tại chợ Hàng Bè, cơm rượu nếp trắng được bán với giá 70.000 đồng/kg, rượu nếp cẩm 100.000 đồng/kg. Tại chợ Kim Liên, Khương Thượng, cơm rượu nếp trắng giá 50.000 đồng/kg, cơm nếp cẩm 80.000 đồng/kg.

"Giấc mơ trưa" của tiểu thương sau một buổi sáng chợ đông nghịt khách. Ảnh: Thu Hà

Dù giá cả nhỉnh hơn so với ngày thường, đặc biệt là các loại mận kích cỡ lớn, mẫu mã đẹp nhưng các mặt hàng này vẫn được bà nội trợ mua tới tấp.

Bởi lẽ Tết Đoan Ngọ không chỉ là tết “diệt sâu bọ”. Đây còn là dịp cả nhà được quay quần bên nhau, cùng nhâm nhi các thức quả, ăn chung chén rượu nếp với mong ước một năm bội thu.