Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết Đoan Dương, Tết diệt sâu bọ. Đây là một ngày Tết được tổ chức vào mùng 5 tháng 5 (âm lịch) hàng năm. Đoan Ngọ có nghĩa là bắt đầu vào giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giờ ngọ giữa trưa).
Đây là một trong các ngày lễ lớn trong năm ở nước ta. Vào tháng 5 âm lịch, tiết trời nắng rất to và sắp đến thời khắc giao mùa nên có rất nhiều dịch bệnh phát sinh. Do vậy, dân gian ta thường có tục phòng trừ bệnh tật cũng như phát động bắt sâu bọ gây hại cho cây trồng.
Cơm rượu trong ngày Tết Đoan Ngọ là một nét văn hóa lâu đời
Theo dân gian, ông bà ta cho rằng ăn cơm rượu vào ngày Tết Đoan Ngọ (đặc biệt là ăn khi bụng đói) sẽ làm cho các loại “sâu bọ” sống trong đường ruột của người vì men rượu mà say và chết đi.
Tùy theo từng đặc điểm ở mỗi vùng miền mà cơm rượu sẽ có những hình thức và cách làm khác nhau. Cơm rượu ở miền Bắc được làm từ gạo nếp tuyển chọn, sau đó ủ lên men khoảng 3 ngày cho ngấm.
Cơm rượu ở miền Nam lại mang hình dạng của những viên nếp nguyên miếng. Còn cơm rượu miền Trung lại được làm thành hình viên tròn trước khi đem ủ men.
Tuy nhiên, dù có được chế biến với hình thức nào thì cơm rượu nếp cẩm nói riêng, hay các loại cơm rượu nói chung vào ngày Tết Đoan Ngọ đều mang một mục đích chung đó chính là giết sâu bọ phòng trừ dịch bệnh.
Có nên cho trẻ em ăn cơm rượu trong ngày Tết Đoan Ngọ?
Bac sĩ CK2. Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP. HCM) cho biết cơm rượu là cơm nếp được ủ với men rượu, do đó không thích hợp cho trẻ em, vì rượu là chất kích thích, gây nghiện và có thể hại cho gan.
Ngay cả trong thuốc uống dạng si rô dùng cho trẻ em, các chuyên gia cũng khuyến cáo không sử dụng alcohol làm tá dược, dù lượng uống mỗi ngày một lượng rất nhỏ.
Vì vậy, trong ngày Tết Đoan Ngọ, cha mẹ cần tránh cho trẻ nhỏ ăn cơm rượu. Cơm rượu vẫn có một độ rượu nhất định, dù là rất nhẹ nhưng có khả năng gây say đối với hệ tiêu hóa và hệ thần kinh còn non nớt của trẻ.
Cảm giác say cơm rượu rất khó chịu cho trẻ, trẻ sẽ ngầy ngật, quấy khóc hoặc khó ở khiến người lớn trong gia đình lo lắng. Do đó, để ngày Tết Đoan Ngọ được trọn vẹn, cha mẹ không nên cho trẻ ăn cơm rượu.
Cơm rượu có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, giá trị dinh dưỡng và giá trị văn hóa, tinh thần cho người lớn. Tuy nhiên, cha mẹ cần tránh cho trẻ em ăn cơm rượu trong ngày Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5.