Theo y học cổ truyền, quả nhót có vị chua, chát, tính bình, vào các kinh phế đại tràng, có tác dụng chỉ ho, trừ đờm, bình suyễn, chỉ tả. Lá có vị chát, có tác dụng chỉ ho, bình suyễn, giảm sốt.

 
Nhân hạt nhót có tác dụng sát khuẩn, trị giun sán. Rễ có tác dụng cầm máu, giảm đau, thường dùng dưới dạng thuốc sắc, dùng riêng lẻ hoặc phối hợp với các vị thuốc khác. Liều dùng hàng ngày: quả 8-12 g (5-7 quả khô), lá tươi 20-30 g, lá và rễ (khô) 12-16 g. Dùng ngoài dưới dạng nước tắm, rửa mụn nhọt, không kể liều lượng.

Theo các thực nghiệm về sinh học, lá nhót có tác dụng kháng khuẩn đối với nhiều chủng vi khuẩn gram dương và gram âm; đặc biệt đối với các chủng trực khuẩn lỵ: Shigella dysenteria, Shigella shiga, Shigella flexneri, Shigella sonnei. Trên động vật thí nghiệm, lá nhót có tác dụng chống viêm cấp và mạn tính; tác dụng tăng cường sức co bóp của tử cung.

Bài thuốc chữa bệnh từ quả nhót

Chữa ho

Nhót xanh 10 quả, trần bì 10g, quả quất 10 quả. Sắc mỗi ngày một thang, uống 3 lần trong ngày.

Tiêu chảy

Nhót xanh 10 quả, rễ cây nhót 4g, rễ cây mơ 2g. Tất cả rửa sạch, sắc ngày một thang, chia ra uống 3 lần trong ngày.

Ho, hen, khó thở

6-12g nhót mỗi ngày, có thể dùng dạng thuốc sắc hoặc thuốc hãm, thuốc bột. Uống nhiều ngày cho đến khi triệu chứng thuyên giảm.

Những đối tượng không nên ăn nhót

Trẻ nhỏ

Loại quả này không phù hợp với bé dưới một tuổi, những trẻ lớn hơn cũng cần hạn chế vì  dạ dày và hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ đang còn quá non nớt có thể chưa thích nghi được với vị chua của nhót.

Người bị viêm loét dạ dày

Tính axit cao của loại quả này có thể làm tăng các cơn đau khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Người bị hội chứng ruột kích thích

Những người bị hội chứng ruột kích thích (bị táo bón xen lẫn với tiêu chảy, đau bụng, đầy bụng, trướng hơi,...) cũng nên kiêng nhót.