Ăn dứa nhiều gây rát lưỡi?

Theo thông tin từ báo Dân trí, lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội Việt Nam cho biết trong 100g quả dứa, phần ăn được cho 5kcal, 0,03mg carotene, 0,08mg vitamin B1, 0,02mg vitamin B2, 16mg vitamin C. Các chất khoáng khác có trong loại quả này là 16mg canxi, 11mg phospho, 0,3mg sắt, 0,4g protein, 0,2g lipid, 13,7g hydrate cacbon, 85,3g nước, 0,4g xơ.

Ảnh minh họa: Internet

Dứa có chứa enzyme bromelin hay bromelain, có thể phân hủy protein. Do vậy, quả dứa được sử dụng trong chế biến một số món ăn như: thịt bò xào, thịt vịt xào để giúp thịt nhanh mềm và tạo hương vị đặc trưng. Trong dân gian thường ướp các loại thịt dai, già với dứa hoặc xào cùng thịt, thịt sẽ được nhừ, ăn dễ tiêu.

"Không nên ăn dứa thơm nhiều một lúc vì dễ gây rát lưỡi, xót môi vì dứa giàu acid oxalic. Ngoài ra, nếu hàm lượng oxalic quá cao sẽ khiến cơ thể bị thiếu hụt canxi. Chúng ta cũng nên ăn lúc no để tránh cồn cào ruột", lương y Sáng nói.

Những lợi ích tuyệt vời của quả dứa

Tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa

Vì bromelain có thể phân hủy protein, nên nó có thể giúp tiêu hóa dễ dàng hơn. Nó cũng làm giảm viêm nhiễm đường tiêu hóa đối, giảm tiêu chảy với những người bị bệnh viêm ruột. Một khẩu phần dứa cung cấp 2,3g chất xơ, có thể giúp tạo khối lượng phân và đảm bảo nhu động ruột thường xuyên. Khi bạn kết hợp chất xơ và bromelain, chúng hoạt động như một nhóm để khuyến khích tiêu hóa tối ưu. May mắn thay, dứa chứa cùng lúc 2 yếu tố này.

Ảnh minh họa: Internet

Chứa nhiều chất chống oxy hóa, bảo vệ trái tim của bạn

Dứa rất giàu chất chống oxy hóa như: vitamin C, mangan, bromelain, axit phenolic, flavonoid,… Chất chống oxy hóa là những chất bảo vệ tế bào của bạn khỏi các gốc tự do - các hợp chất hóa học có thể đóng một vai trò trong bệnh ung thư và bệnh tim. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, trong dứa có axit phenolic có tác dụng kháng khuẩn, chống ung thư và chống viêm. Trong khi đó, flavonoid không chỉ có tác dụng tương tự mà còn có tác dụng bảo vệ và chữa bệnh tim mạch.

Giúp tăng cường khả năng miễn dịch

Hàm lượng vitamin C trong dứa cũng có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch của bạn. Vitamin C không chỉ có thể ngăn ngừa một số bệnh nhiễm trùng mà còn có thể giúp điều trị một số bệnh, chẳng hạn như một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và chống viêm. Khoáng chất mangan có trong dứa cũng có lợi cho việc tăng cường hệ miễn dịch. Cũng như bromelain, có liên quan đến việc giúp điều trị viêm xoang và viêm phế quản. Dứa giàu flavonoid, axit phenolic và vitamin C - tất cả đều là chất chống oxy hóa mạnh có thể giúp giảm nguy cơ phát triển một số bệnh mạn tính và ung thư.

Ảnh minh họa: Internet

Làm dịu cơn ho

Chất bromelain trong dứa có thể giúp giảm ho. Mặc dù dứa có thể không phải là phương pháp chữa ho hiệu quả nhưng nó có thể giúp giảm đau họng và giải quyết một số chứng viêm. Ngoài ra, hydrat hóa mà nó cung cấp có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu khi bị đau họng. Một đánh giá năm 2010 đã kiểm tra các phương pháp điều trị tự nhiên đối với bệnh lao và trích dẫn nước ép dứa là "cực kỳ hữu ích" trong việc hòa tan chất nhầy ở phổi khi trộn với một lát chanh, mật ong và muối. Điều này có thể là do đặc tính chống viêm của bromelain.

Những đối tượng không nên ăn dứa

Người cơ địa dị ứng

Trong quả dứa có men bromelin, là loại enzym có chức năng thủy phân protit, được ứng dụng để trị rất nhiều bệnh khác nhau. Nhưng rất nhiều người dị ứng loại men này. Sau khi ăn dứa từ 15 phút hoặc lâu hơn, bromelin kích thích cơ thể sinh ra các histamin làm xuất hiện các triệu chứng đau quặn bụng từng cơn, có thể lợm giọng, buồn nôn, nổi mày đay, ngứa ngáy khó chịu, môi tê dại, nặng hơn là khó thở. Những trường hợp này hay gặp và diễn biến nặng ở bệnh nhân có tiền sử cơ địa dị ứng như mề đay, viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, hen phế quản...

Ảnh minh họa: Internet

Người bị tiểu đường

Người bị tiểu đường được khuyên không nên ăn dứa. Dứa chứa hàm lượng đường cao, cung cấp nhiều năng lượng nếu ăn nhiều sẽ có nguy cơ bị thừa cân béo phì. Nếu người mắc bệnh đái tháo đường muốn ăn dứa phải hỏi ý kiến bác sĩ điều trị. 

Người huyết áp cao

Bệnh nhân huyết áp cao cũng nên hạn chế ăn dứa. Người tiền sử tăng huyết áp khi dùng nhiều dứa dễ gây hiện tượng nóng bừng mặt, đau đầu choáng váng... dễ có nguy cơ cơn tăng huyết áp.

Người bị viêm răng, lở loét khoang miệng

Đây cũng là nhóm người nên hạn chế ăn dứa. Chất glucoside trong dứa tác dụng kích thích mạnh với niêm mạc miệng, thực quản, khi ăn quá nhiều còn khiến tê bì ở lưỡi, cổ họng. Người khỏe mạnh cũng không nên ăn nhiều dứa một lúc.

Ảnh minh họa: Internet

Người bị bệnh dạ dày, viêm loét dạ dày

Người bệnh dạ dày không nên ăn nhiều dứa, chỉ nên ăn một miếng rất nhỏ bởi dứa có chứa nhiều axit hữu cơ và một số enzyme làm tăng viêm loét niêm mạc dạ dày, đường ruột, dễ gây nôn nao, khó chịu.