Dưa lê khi vào chính vụ sẽ có vị ngọt lịm và thơm mát nên được nhiều người yêu thích, vậy dưa lê có tác dụng gì?
Dưa lê có tác dụng gì?
Dưới đây là những tác dụng của dưa lê với sức khỏe:
Giúp kiểm soát đường trong máu
Báo Lao động dẫn nguồn Heathline cho biết, một số nghiên cứu chỉ ra rằng ăn trái cây, chẳng hạn như dưa lê, thường xuyên có thể thúc đẩy lượng đường trong máu khỏe mạnh.
Mặc dù dưa lê chứa carbs, có thể làm tăng lượng đường trong máu của bạn tạm thời, nhưng nó cũng cung cấp chất xơ và các chất dinh dưỡng khác có thể giúp cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu theo thời gian.
Giàu nước và chất điện giải
Dưa lê chứa khoảng 90% là nước và chứa các chất điện giải như kali, magiê, natri và canxi. Hàm lượng nước và các chất dinh dưỡng giúp dưa lê trở thành món lý tưởng sau khi tập luyện hoặc sau thời gian bị bệnh. Bạn cũng có thể sử dụng dưa lê để bổ sung nước hàng ngày.
Tăng cường hệ miễn dịch
Dưa lê chứa hàm lượng cao vitamin C, một chất dinh dưỡng hỗ trợ chức năng miễn dịch của cơ thể. Vitamin trong dưa có thể giúp bổ sung một số collagen, loại bỏ nếp nhăn và cải thiện làn da. Vitamin C cũng đóng vai trò quan trọng trong chức năng của hệ miễn dịch và có thể giúp chống lại virut gây sốt và cảm cúm.
Chứa nhiều dưỡng chất tốt cho xương
Dưa lê chứa một số chất dinh dưỡng quan trọng giúp xương chắc khỏe, bao gồm folate, vitamin K và magiê. Nhiều nghiên cứu cho biết rằng thực phẩm chứa folate có khả năng thúc đẩy xương khỏe mạnh.
Bên cạnh đó, vitamin K tham gia vào quá trình sản xuất một protein cấu trúc chính trong xương được gọi là osteocalcin. Vì vậy, bổ sung đầy đủ vitamin K là điều cần thiết để giúp xương khỏe mạnh.
Những điều cần lưu ý khi ăn dưa lê
Không nên bỏ hạt
Theo thói quen, nhiều người thường gạt bỏ hạt vì cho rằng hạt dưa không tốt cho tiêu hóa. Tuy nhiên, đây là một quan niệm chưa thật sự khoa học. Hạt dưa lê chứa nhiều loại dưỡng chất cần cho cơ thể như: giàu protein, giàu axit béo omega 3 và nguồn vitamin A,C,E dồi dào. Không những thế trong hạt dưa lê còn chứa lượng canxi cao.
Vì vậy, các chuyên gia khuyến khích người ăn dưa lê nên ăn cả hạt để nhận được nguồn dưỡng chất tuyệt đối từ loại quả này.
Không ăn quá nhiều
Ăn quá nhiều dưa lê trong một bữa không phải là ý kiến hay, điều này sẽ khiến bạn không thể ăn bổ sung được các nhóm thực phẩm khác, thậm chí có thể cảm thấy chướng bụng và đầy hơi. Tốt nhất mỗi bữa chỉ nên ăn từ 3 – 4 miếng, duy trì ăn từ 1 – 2 bữa trong tuần là hợp lý.
Cách chọn dưa lê ngon, ngọt
Báo Gia đình & Xã hội dẫn lời PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa) cho biết, để ăn dưa lê an toàn, người tiêu dùng nên ăn đúng chính vụ sẽ ít bị phun thuốc trừ sâu hơn dưa trái vụ. Nếu biết rõ dưa có nguồn gốc càng tốt, chọn quả tươi mởn, hương thơm tự nhiên. Các bà nội trợ sành ăn trong dân gian có những bí kíp chọn dưa lê như sau:
- Nên ăn dưa lê ngày nắng vì độ ngon, ngọt cao. Sau ngày mưa thì không nên mua vì vị dưa lê rất nhạt.
- Chọn dưa lê vỏ màu xanh nhạt pha chút vàng. Cầm quả dưa lên ngửi từ cuống tới đáy, nếu thấy càng thơm thì càng ngon. Dưa không có mùi thơm thường rất nhạt và không giòn. Dưa lê vỏ xanh vị ngọt đậm và thơm hơn. Loại dưa vỏ trắng, cùi dày nhưng chọn quả ngả sang màu ngà sẽ ngọt hơn. Tránh chọn dưa lê vỏ xanh đậm là dưa non, nhạt, thậm chí có vị đắng.
- Cầm quả dưa lên, lắc nhẹ nếu thấy ruột chắc đặc, hình dáng tròn đều, vỏ cứng, cuống nhỏ và tươi, không bị nứt hay sứt. Phần dưới quả hơi lồi ra là dưa chín già, cùi giòn, ngọt vị, thơm ngon hơn.
Tuyệt đối không mua những trái dưa lê nứt nẻ, vẹo, mềm vì dễ nhiễm khuẩn, bụi bẩn, ăn vào không tốt cho cơ thể. Nếu lắc thấy trong quả dưa có tiếng ọc ọc của nước là ruột dưa đã bị hỏng, không nên mua.
Ngoài ra, trước khi ăn dưa lê cần rửa sạch, ngâm qua nước muối loãng, hoặc sục máy ozone để loại trừ tối đa độc tố ngoài vỏ. Khi ăn dưa lê nên gọt dày lớp vỏ, phần thịt dưa ngon ngọt hơn. Nên ăn cả hạt vì các axit béo omega-3 rất tốt cho tim mạch. Nếu bổ ra thấy ruột dưa không còn đặc thì không nên ăn.