Ô nhiễm không khí ngày càng tăng đặt ra thách thức lớn đối với nhiều quốc gia. Ảnh: The Lancet.

Trang Medical Xpress nhận định giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, tình trạng ô nhiễm không khí ở nhiều nơi trên thế giới đã được cải thiện đáng kể. Việc phong tỏa, hạn chế đi lại và ít hoạt động kinh tế cũng khiến lượng khí thải như nitơ đioxit (NO2) và nồng độ bụi mịn (PM) giảm theo.

Điển hình là ở các thành phố và khu công nghiệp, lượng khí thải từ hoạt động giao thông, sản xuất đã giảm rất nhiều trong thời điểm dịch bệnh. Tuy nhiên, khi những hạn chế được nới lỏng, ô nhiễm không khí đã gia tăng trở lại.

Ô nhiễm không khí làm tình trạng Covid-19 trở nên nghiêm trọng hơn

Không chỉ tác động tiêu cực đến môi trường, ô nhiễm không khí còn gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe con người, bao gồm tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, tim và ung thư.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy ô nhiễm không khí cũng có thể ảnh hưởng đến não và gây ra một số bệnh ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra, mức độ nghiêm trọng của vấn đề sẽ phụ thuộc vào loại chất và nồng độ chất ô nhiễm.

Theo kết quả từ một nghiên cứu ở Anh, việc tiếp xúc lâu dài với nồng độ bụi mịn PM2.5 và NO2 sẽ dẫn đến tỷ lệ mắc Covid-19 tương ứng là 12% và 5%.

Một trong những nguyên nhân ô nhiễm không khí có thể làm tăng nguy cơ mắc Covid-19 là nó khiến khả năng phòng vệ của hệ hô hấp trở nên suy yếu. Việc tiếp xúc lâu dài với bụi mịn sẽ làm giảm phản ứng miễn dịch và gây tổn thương cho phổi, từ đó khiến mọi người dễ bị mắc Covid-19 hơn.

Không những vậy, ô nhiễm không khí cũng ảnh hưởng đến khả năng chống lại nhiễm virus của hệ thống miễn dịch. Nếu hít thở thường xuyên trong môi trường có nồng độ bụi mịn PM2.5, tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể sẽ bắt đầu tăng lên.

Cụ thể, cytokine là các phân tử có chức năng gửi tín hiệu giúp hệ thống miễn dịch chống lại nhiễm trùng. Khi mức độ của cytokine gia tăng quá nhiều, nó sẽ dẫn đến hiện tượng "cơn bão cytokine". Lúc này, hệ thống miễn dịch phản ứng thái quá và tấn công các tế bào khỏe mạnh ngoài virus. Những "cơn bão cytokine" có thể làm cho tình trạng Covid-19 trở nên trầm trọng hơn và tăng nguy cơ tử vong.

Ô nhiễm không khí ngày càng tăng đặt ra thách thức lớn đối với nhiều quốc gia. Ảnh: The Lancet.

Ô nhiễm không khí khiến Covid-19 dễ xâm nhập vào cơ thể

Theo trang Medical Xpress, Covid-19 có mối liên kết với thụ thể ACE2 để xâm nhập vào tế bào. Trong các nghiên cứu trên động vật, việc phơi nhiễm PM2.5 thường dẫn đến sự gia tăng đáng kể các thụ thể ACE2. Nồng độ bụi mịn PM2.5 có thể làm tăng khả năng Covid-19 xâm nhập vào tế bào ở người.

Nếu tiếp xúc nhiều lần với ô nhiễm không khí, người dân dễ tăng tỷ lệ mắc các bệnh như tiểu đường và bệnh tim, từ đó khiến cho tình trạng Covid-19 càng diễn biến nặng hơn.

Cũng theo Medical Xpress, ô nhiễm không khí có thể làm tăng tốc độ lây truyền Covid-19 bằng cách đóng vai trò như vật trung gian mang virus. Hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn tranh luận về khả năng những giọt bắn từ người bệnh sẽ men theo không khí và di chuyển quãng đường dài, làm tăng sự lây lan của virus.

Medical Xpress khuyên người dân hạn chế hoạt động ngoài trời trong những ngày ô nhiễm cao; thường xuyên kiểm tra các dự báo về chất lượng không khí và cố gắng ra ngoài vào những thời điểm mà mức độ ô nhiễm thấp (như sáng sớm hoặc tối muộn).

Ngoài ra, việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đi bộ hoặc đi xe đạp thay vì lái xe máy cũng giúp giảm mức độ tiếp xúc với ô nhiễm không khí. Nếu ở trong nhà, người dân nên sử dụng máy lọc không khí để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.