Nước cốt dừa có tác dụng gì? Dùng nước cốt dừa thay cho nước dừa có tốt không?
Nước dừa là chất lỏng bên trong quả dừa, còn nước cốt dừa được lấy từ cùi trắng của quả. Các sản phẩm thường thấy bao gồm nước cốt dừa thay thế sữa, kem dừa để nấu ăn và đồ uống từ nước cốt dừa.
Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ nước cốt dừa là gì, người ta làm ra như thế nào và nó có những lợi ích gì cho sức khỏe.
Nước cốt dừa được làm từ phần cùi dừa và nước. (Ảnh minh họa)
Nước cốt dừa được làm như thế nào?
Để làm nước cốt dừa, người ta sẽ cạo hoặc nạo cùi dừa bánh tẻ rồi vắt qua rây, chẳng hạn như vải thưa, để chiết lấy chất lỏng. Nước cốt dừa đặc giữ lại nhiều chất béo hơn nước cốt loãng.
Nước cốt dừa loãng được lấy từ cùi dừa vắt còn sót lại bên trong miếng vải mỏng. Các nhà sản xuất trộn nó với nước ấm và lọc qua vải lần thứ hai. Chất lỏng thu được lần sau loãng hơn nhiều.
Các nhà sản xuất bổ sung thêm chất ổn định để tránh hiện tượng tách nước và giúp nước cốt dừa sánh mịn.
Các lợi ích sức khỏe của nước cốt dừa
Nghiên cứu cho thấy nước cốt dừa có thể thúc đẩy giảm cân, sức khỏe tim mạch và khả năng miễn dịch.
Nước cốt dừa hỗ trợ giảm cân
Nước cốt dừa chứa một loại chất béo gọi là chất béo trung tính chuỗi trung bình (MCT). MCT kích thích năng lượng thông qua một quá trình gọi là sinh nhiệt hoặc sản sinh nhiệt.
Nghiên cứu từ năm 2020 cho thấy những con chuột tiêu thụ nước cốt dừa có nhiều khả năng giảm cân và mỡ nội tạng hơn những con chuột tiêu thụ các loại sữa và các chế độ ăn kết hợp khác. Kết quả cũng cho thấy rằng việc kết hợp nước cốt dừa với chế độ ăn giàu protein có thể giúp giảm hoặc kiểm soát mức mỡ bụng, tăng cân, lượng thức ăn nạp vào, cholesterol và chất béo trung tính.
Tuy nhiên, nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến cân nặng của một người, bao gồm mức độ hoạt động thể chất và lượng thực phẩm họ ăn. Ngoài ra, nước cốt dừa có thể chứa nhiều chất béo và carbohydrate, đồng nghĩa với việc tiêu thụ quá nhiều có thể dẫn đến tăng cân.
Nên lưu ý rằng cần nghiên cứu thêm để đánh giá nước cốt dừa có thể ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể như thế nào.
Có nhiều loại nước cốt dừa đóng hộp sẵn trên thị trường. (Ảnh minh họa)
Nước cốt dừa có thể tốt cho sức khỏe tim mạch
Một số bằng chứng cho thấy axit lauric, một chất chống oxy hóa có trong nước cốt dừa, có thể giúp ngăn ngừa đột quỵ và bệnh tim.
Một số nghiên cứu về loài gặm nhấm cũng chỉ ra rằng việc kết hợp chế độ ăn giàu protein với nước cốt dừa có thể giúp kiểm soát mức cholesterol.
Tuy nhiên, chưa có đủ bằng chứng khẳng định nước cốt dừa tốt cho tim mạch. Ngoài ra, nước cốt dừa còn chứa chất béo tương tự như dầu dừa, phần lớn là chất béo bão hòa - chất có nguy cơ làm tăng mức cholesterol.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) không khuyến khích sử dụng dầu dừa vì có bằng chứng cho thấy nó có thể làm tăng mức LDL, hay cholesterol “xấu” trong cơ thể.
Nước cốt dừa có thể chống oxy hóa
Dừa có chứa phenol, là chất chống oxy hóa. Trong quá trình trao đổi chất và các quá trình khác, cơ thể tạo ra các chất thải gọi là các loại oxy phản ứng hoặc các gốc tự do. Các gốc tự do tồn tại trong cơ thể có thể gây ra stress oxy hóa, dẫn đến tổn thương và từ đó gây nhiều vấn đề, bao gồm ung thư và bệnh tim.
Chất chống oxy hóa có thể giúp cơ thể chống lại hoặc loại bỏ các gốc tự do, bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật. Các tác giả của một nghiên cứu năm 2015 cho thấy nước cốt dừa của Malaysia có hoạt tính chống oxy hóa cao hơn sữa từ dê và bò. Nghiên cứu từ năm 2020 kết luận rằng hàm lượng phenolic trong dừa có thể giúp bảo vệ lipid, protein và DNA trong cơ thể khỏi bị hư hại do stress oxy hóa.
Nước cốt dừa thúc đẩy hoạt động kháng khuẩn chống nhiễm trùng
Dừa chứa một loại lipid gọi là axit lauric. Một số phát hiện chỉ ra rằng axit lauric có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm, từ đó có thể hỗ trợ hệ thống miễn dịch.
Trong một nghiên cứu về tác dụng kháng khuẩn của axit lauric từ dừa, các nhà nghiên cứu đã phân lập nhiều chủng vi khuẩn khác nhau và cho chúng tiếp xúc với axit lauric trong phòng thí nghiệm. Họ phát hiện ra rằng axit lauric có hiệu quả ức chế sự phát triển của Staphylococcus vàng, Streptococcus pneumoniae và Mycobacteria bệnh lao.
Các nhà nghiên cứu khác phát hiện ra rằng axit lauric gây ra apoptosis hoặc chết tế bào trong tế bào ung thư vú và nội mạc tử cung, cho thấy nó có thể ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.
Tuy nhiên, lượng axit lauric mà một người có thể tiêu thụ trong nước cốt dừa là không đủ để nói rằng nó có thể ngăn ngừa ung thư.
Dinh dưỡng trong nước cốt dừa
Nước cốt dừa chứa hàm lượng chất béo bão hòa cao, khiến nó trở thành thực phẩm giàu calo.
Nó cũng chứa vitamin và khoáng chất, nhưng hàm lượng dinh dưỡng thay đổi tùy theo sản phẩm. Ví dụ, đồ uống từ nước cốt dừa có thành phần dinh dưỡng khác với nước cốt dừa đóng hộp.
Nhiều phần của quả dừa có lợi cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Đây là thành phần dinh dưỡng cho 240g (khoảng 1 cốc) nước cốt dừa thô, không đường, dùng để nấu ăn:
Calo: 552
Nước: 162 g
Chất đạm: 5,5 g
Chất béo: 57,1 g
Carbohydrate: 13,3 g
Canxi: 38,4 mg
Kali: 631 mg
Magie: 88,8 mg
Sắt: 3,94 mg
Vitamin C: 6,72 mg
Thành phần dinh dưỡng trên mỗi cốc (khoảng 244g) nước cốt dừa có đường (dùng để giải khát):
Calo: 75,6
Nước: 231 g
Chất đạm: 0,51 g
Chất béo: 5,08 g
Carbohydrate: 7,12 g
Canxi: 459 mg
Kali: 46,4 mg
Có thể dùng nước dừa thay cho nước cốt dừa không?
Do sự khác biệt về hương vị và độ đặc (chưa kể hàm lượng chất béo và calo), nước dừa không thể được sử dụng thay cho nước cốt dừa trong hầu hết các công thức nấu ăn.
Cách sử dụng nước cốt dừa
Có rất nhiều cơ hội để thêm nước cốt dừa vào bữa ăn và đồ uống. Đây cũng là thành phần chính trong nhiều món ăn của Ấn Độ và Malaysia.
Dưới đây là một số gợi ý:
- Ngũ cốc: Hãy thử thay thế sữa bò bằng nước cốt dừa.
- Sinh tố: Sử dụng nước cốt dừa trong bất kỳ món sinh tố nào.
- Súp: Dùng nước cốt dừa làm nền cho bất kỳ món súp kem nào, chẳng hạn như súp dừa kiểu Thái.
- Bột yến mạch: Sử dụng nước cốt dừa làm chất lỏng trong bột yến mạch. Đun sôi một lon nước cốt dừa. Khuấy một cốc yến mạch. Nấu trong 15 phút hoặc cho đến khi nước cốt dừa hòa quyện hoàn toàn với yến mạch. Có thể thêm trái cây và quế khi ăn.
- Nước sốt: Thêm nước cốt dừa vào nước sốt.
Mọi người có thể sử dụng các sản phẩm nước cốt dừa như một phần của chế độ ăn uống dựa trên thực vật thay cho các sản phẩm sữa.
Ít nhất một nghiên cứu đã kết luận rằng nước cốt dừa đóng hộp là thực phẩm có hàm lượng FODMAP thấp nên phù hợp với những người mắc hội chứng ruột kích thích.
Để làm nước cốt dừa tươi tại nhà, bạn có thể kết hợp dừa nạo không đường với nước ấm, xay nhuyễn với máy xay sinh tố rồi lọc qua vải sạch.
Nước cốt dừa được sử dụng trong nhiều món ngọt hoặc mặn. (Ảnh minh họa)
Nên mua loại nước cốt dừa nào?
Nhiều loại nước cốt dừa có sẵn trong các cửa hàng tạp hóa và cửa hàng thực phẩm tốt cho sức khỏe. Một số có hàm lượng chất béo và calo cao hơn những loại khác. Điều này phụ thuộc vào cách nhà sản xuất pha trộn sữa và lượng nước được thêm vào.
Nước cốt dừa đóng hộp thường có độ đặc sệt như kem. Nó có hàm lượng chất béo cao hơn và mọi người thường sử dụng để nướng hoặc nấu ăn.
Đồ uống từ sữa dừa có xu hướng loãng và có độ đặc gần giống với sữa bò. Bạn nên bảo quản những đồ uống này trong tủ lạnh và theo dõi ngày hết hạn. Ngoài ra, một số nhãn hiệu còn cho thêm đường, vì vậy hãy kiểm tra nhãn mác.
Nói chung, tốt nhất bạn nên mua những sản phẩm nước cốt dừa có chứa rất ít thành phần và hãy chú ý đến đường bổ sung, chất bảo quản và chất làm đặc nhân tạo.
Dùng nước cốt dừa có gây tác dụng phụ gì không?
Ở mức độ vừa phải, nước cốt dừa có thể có lợi cho sức khỏe, nhưng tiêu thụ quá nhiều có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn.
Nước cốt dừa chứa hàm lượng calo và chất béo cao. Kết hợp uống nhiều nước cốt dừa với chế độ ăn giàu carbohydrate có thể dẫn đến tăng cân.
Thay thế sữa bò bằng nước cốt dừa có thể khiến một người tiêu thụ ít canxi, vitamin D và vitamin A. Bất kỳ ai sử dụng nước cốt dừa thay vì sữa bò nên chọn sản phẩm được bổ sung hoặc ăn các thực phẩm khác có chứa các chất dinh dưỡng này.
Khả năng gây dị ứng: Mặc dù Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phân loại dừa là loại hạt nhưng về mặt kỹ thuật, chúng là trái cây. Vì thế, nếu bạn bị dị ứng hạt thì không có nghĩa bạn sẽ dị ứng với các sản phẩm từ dừa.
Nghiên cứu cho thấy phản ứng dị ứng với dừa rất hiếm. Tuy nhiên, các tác giả của một đánh giá năm 2020 cảnh báo rằng khi xảy ra phản ứng, nó có thể nghiêm trọng. Người Mỹ da đen và gốc Á cũng có thể có nguy cơ dị ứng dừa cao hơn một chút. Bất cứ ai bị dị ứng với dừa không nên tiêu thụ nước cốt dừa.
Các triệu chứng dị ứng dừa cũng tương tự như các triệu chứng dị ứng thực phẩm khác. Trong một số trường hợp, phản ứng dị ứng có thể nhanh chóng dẫn đến sốc phản vệ - một phản ứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng gây sưng tấy, thở khò khè và nổi mề đay.
Tóm lại, nước cốt dừa là một nguyên liệu đa năng và có thể thay thế sữa tuyệt vời. Giống như các sản phẩm từ dừa khác, nó có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe, mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận điều này.
Tiêu thụ một lượng vừa phải nước cốt dừa có thể giúp giảm cholesterol và thúc đẩy giảm cân. Các chất chống oxy hóa có trong nó cũng có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi các vấn đề sức khỏe.
5 lý do bạn nên bổ sung rau hẹ vào thực đơn hằng ngày
Rau hẹ là loại rau gia vị quen thuộc với nhiều người, không chỉ ngon miệng mà rau hẹ còn...
Những loại quả ngon tưởng ‘lành’ nhưng cực hại cho dạ dày nếu ăn sai giờ, đặc biệt có loại...
Trái cây là nguồn cung cấp vitamin dồi dào cho cơ thể, nhưng khi ăn bạn nên có sự chọn...
6 lợi ích tuyệt vời khi ăn cà chua mà bạn cần biết!
Nghiên cứu cho thấy rằng có một danh sách dài các lợi ích của việc ăn cà chua - từ...
Rau ngót được mệnh danh là “thần dược xanh” với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nhưng 3 nhóm...
Rau ngót, một loại rau quen thuộc trong bữa cơm gia đình Việt, được biết đến với nhiều lợi ích...