Những tai nạn đáng sợ trong mùa hè
Bé trai bị cửa cuốn kéo chặt mà không ai hay biết
Cha mẹ của em T.M.H. (9 tuổi, nhà ở tỉnh Bình Dương) làm công nhân tại cơ sở sản xuất cửa cuốn tư động. Được nghỉ hè, em H. thường xin theo đến chỗ làm của mẹ chơi.
Ngày 16/6, trong lúc công nhân tại đây nhấn nút để kiểm tra hoạt động của cửa cuốn, H. đứng cạnh, đặt tay lên cửa, nên bị chiếc cửa này cuộn chặt vào bên trong nhưng không ai hay biết. Đến khi cửa được điều khiển hạ xuống, H. bị ném mạnh xuống đất bất tỉnh.
Em được đưa đến một bệnh viện gần đó cấp cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM với toàn thân bầm tím, hơi thở yếu. Sau khi cấp cứu, các bác sĩ thăm khám, làm các xét nghiệm, may mắn H. chỉ bị chấn thương phần mềm, nhưng tinh thần em hoảng loạn, sợ hãi.
Không may mắn như H., đầu tháng 6/2019, vừa nghỉ hè, bé N.V.M. (3 tuổi, nhà ở Bình Phước) được cha mẹ đưa đi du lịch ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến nơi, khi người lớn đang loay hoay nhận phòng, xếp hành lý, bé M. đi lên cầu thang phía trên chơi rồi té ngã.
Bé M. được đưa đến một bệnh viện tại TP.Bà Rịa cấp cứu. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bé bị chấn thương sọ não nặng và liên hệ với bác sĩ tuyến trên nhờ hỗ trợ cấp cứu và chuyển nhanh đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM.
Tiếp nhận bé M., bác sĩ Vũ Hiệp Phát - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho hay, chấn thương của bé quá nặng, khi đến bệnh viện đã rơi vào sốc chấn thương, suy hô hấp, chết não và tử vong.
Hay trường hợp bé P.N.T.M. (20 tháng tuổi, nhà ở quận 1, TP.HCM) được người nhà ôm đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM khi đã ngưng tim, ngưng thở, da tím tái, tay chân lạnh. Bé M. được quấn chặt trong chiếc chăn mỏng, tử vong trước khi vào cấp cứu. Mẹ bé khóc ròng tự trách mình mải lo làm việc nhà không chú ý đến con gái.
Theo chị, ngày thường chị gửi con ở nhà trẻ, năm nay, bé M. nghỉ hè hơn một tuần, chị gửi cho mẹ ruột trông giữ. Hôm xảy ra tai nạn, chị được nghỉ cuối tuần nên để bé ở nhà, trong lúc cho con ăn, do bé M. làm đổ đồ ăn nên chị đặt bé vào chiếc nôi và đi lau nhà.
Khi chị lên tầng trên để lau, không biết bằng cách nào, bé M. ra khỏi nôi, bò đến thùng nước chơi rồi ngã chúi đầu vào chậu. Lúc mẹ bé phát hiện đã thấy con mình bất động.
Tai nạn ở trẻ em diễn ra rất nhanh
Bác sĩ Vũ Hiệp Phát cảnh báo: sau khi kết thúc cả thời gian dài đến trường, trẻ con rất háo hức được vui chơi, tự do sinh hoạt thoải mái. Lúc này, người lớn không nên lơ là, do trẻ có thể gặp tai nạn bất kỳ lúc nào, nhất là trẻ từ 2 tuổi đến 5 tuổi. Độ tuổi này trẻ rất thích khám phá, vận động nhanh mà chưa ý thức được những nguy hiểm rình rập.
Bác sĩ Phát cho biết thêm: “Tai nạn ở trẻ em diễn ra rất nhanh, đột ngột, nhất là tai nạn liên quan đến đường thở. Tuy có những trẻ được cấp cứu kịp, nhưng cũng có trẻ rơi vào nguy kịch, gia đình phải gạt nước mắt xin về. Điều đau lòng, trẻ đuối nước không chỉ tắm sông, hồ, mà đa số trẻ tắm hồ bơi, nơi có bảo vệ, cứu hộ vẫn không kịp trở tay.
Trung bình mỗi ngày Khoa Cấp cứu tiếp nhận hơn 50 trẻ. Trong đó, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, đuối nước, té ngã chiếm phần lớn. Một số ít trường hợp trẻ bị rắn, côn trùng cắn, ong đốt từ các tỉnh Bình Dương, Bình Phước chuyển đến”.
Bác sĩ Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM - cho hay, trẻ mới biết bò, tập đi thường rất hiếu động. Ở độ tuổi này, trẻ chưa hiểu hết được sự nguy hiểm, người lớn phải thường xuyên để mắt tới trẻ, không nên cho bé chơi một mình.
Trẻ có thể bị thu hút bởi đèn thờ cúng, nhang đang đốt, bật lửa, thò tay vào ổ điện, kéo dây điện ở gần… dễ bị phỏng, điện giật nếu cấp cứu kịp thời, di chứng vẫn dai dẳng về sau.
Phụ huynh cũng nên để ý đến hành vi, thái độ của những trẻ từ 8 tuổi đến 15 tuổi thường thích chơi nhóm bạn, tập chạy xe, thích thể hiện mình qua các trò thử thách độc lạ theo hướng càng nguy hiểm càng tốt, gây ra nhiều tai nạn thương tâm cho chính mình và người khác.
Tai nạn ở trẻ em gia tăng từ giữa tháng Năm đến hết hè
Bác sĩ Đinh Tấn Phương cho biết, bước vào những tháng hè, tai nạn ở trẻ em có chiều hướng gia tăng. Thông thường, số lượng trẻ đến cấp cứu do đuối nước, phỏng, té ngã… có dấu hiệu tăng từ giữa tháng Năm và kéo dài cho đến khi năm học mới bắt đầu.
Trong các ca cấp cứu tại bệnh viện, trẻ nông thôn bị tai nạn về đuối nước rất nhiều. Mặc dù trẻ em ở vùng sông nước hầu hết đều biết bơi nhưng người lớn cũng nên giám sát khi trẻ xuống nước. Dưới nước có rất nhiều rủi ro như trẻ bị hụt chân, bị hút vào cống thoát nước, chuột rút, bơi vào vùng nước xoáy…
Thậm chí khi có một trẻ trong nhóm gặp sự cố, nếu không biết cách cứu thì những trẻ khác cũng sẽ bị bạn mình nắm chặt và đuối nước theo. Không chỉ đến hồ bơi, sông suối, ngay cả trong nhà, trẻ nhỏ dưới 3 tuổi cũng có thể đuối nưới do té ngã úp mặt vào thùng, chậu chứa nước.
Đối với trẻ ở nông thôn, ngoài các hiểm họa về đuối nước, người lớn nên lưu ý khi trẻ đi chơi ở các khu vực nhiều cây cối rậm rạp, đồng ruộng vì dễ bị rắn cắn, côn trùng, ong đốt sẽ rất nguy hiểm. Đặc biệt, các loại hóa chất như dầu hỏa, dầu chai, thuốc diệt côn trùng… không để vào chai có nhãn hiệu nước ngọt, nước giải khát tránh tình trạng trẻ uống nhầm.
Ngoài ra, cha mẹ của những trẻ sống ở thành phố tại các khu chung cư, nhà cao tầng cần chú ý, trẻ cũng hay bị té ngã từ trên cao xuống đất, kẹt cửa kéo, cửa cuốn, thang máy, tai nạn do băng qua đường… nhẹ thì chấn thương, gãy tay, nặng thì liệt chi, tử vong hoặc để lại nhiều di chứng.
Khi nào thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván?
Vợ tôi có thai được 5 tháng và chưa tiêm vaccine uốn ván. Vậy, bác sĩ cho tôi hỏi khi...
Mắc bệnh tiểu đường có được ăn đường không?
Trong điều trị bệnh tiểu đường, dinh dưỡng là phương pháp điều trị không dùng thuốc được áp dụng đầu...
Loại sán dễ mắc khi ăn các loại rau mọc dưới nước
Mẹ tôi rất thích ăn rau sống, gần đây lại có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, da sẩn ngứa....
Chồng ngủ ngáy to quá, tôi phải làm thế nào?
Thông thường, người ngủ ngáy to không biết là mình gây ồn ào làm phiền người bên cạnh.