Những loại rau tuyệt đối không được ăn sống
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký Quyết định về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán lá gan lớn. Đây cũng là căn bệnh được cả nước ghi nhận hàng năm do một số thói quen ăn uống của người Việt.
Các loại rau trồng dưới nước
Theo Bộ Y tế, bệnh sán lá gan là bệnh ký sinh trùng do một số loài sán lá gan gây nên những tổn thương, ổ áp xe tại gan hoặc cơ quan khác khi ký sinh lạc chỗ.
Đáng chú ý, người mắc bệnh sán lá gan được xác định là do ăn sống các loại rau thủy sinh như rau ngổ, rau muống, rau rút, rau cần, rau cải xoong, ngó sen,... hoặc uống nước có nhiễm ấu trùng sán lá gan lớn.
Thông thường, vật chủ chính của sán lá gan lớn là người, động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu và động vật có sừng khác. Những nhóm này khi ăn phải thực vật thủy sinh hoặc uống nước chưa nấu chín có ấu trùng sẽ bị nhiễm sán lá gan lớn.
Sau khi vào cơ thể, ấu trùng sẽ tới dạ dày, xuyên qua thành ống tiêu hóa vào ổ bụng, đến gan cùng các cơ quan khác ký sinh.
Sau giai đoạn xâm nhập vào nhu mô gan từ 2 đến 3 tháng, sán sẽ tới đường mật thành sán trưởng thành và đẻ trứng. Sán trưởng thành có thể ký sinh và gây bệnh trong nhiều năm nếu không được phát hiện và điều trị.
Điểm nguy hiểm là các biểu hiện lâm sàng của bệnh do sán lá gan lớn gây nên thường không đặc hiệu. Chúng tùy thuộc vào giai đoạn phát triển và vị trí sán ký sinh cũng như số lượng ấu trùng sán xâm nhập.
Ở giai đoạn cấp tính, người bệnh thường có sốt, đau hạ sườn phải và đau bụng. Trong khi tới giai đoạn mạn tính, các triệu chứng không còn điển hình nên dễ nhầm lẫn với với bệnh khác.
Thậm chí một số trường hợp không có triệu chứng, chỉ được phát hiện khối u trong gan khi khám sức khỏe định kỳ hoặc bệnh khác. Sau đó, những bệnh nhân này mới được xác định căn nguyên từ sán lá gan lớn.
Khi bị nhẹ, người bệnh chỉ thấy mệt mỏi, chán ăn, gầy sút, sốt, thiếu máu. Ở thể trung bình, 70-80% người bệnh bị đau bụng, đau vùng hạ sườn phải lan về phía sau. Người bệnh có thể bị đau âm ỉ, đôi khi dữ dội, đau từng cơn, sốt cao, rét run, thiếu máu. Ở thể nặng, bệnh nhân có thể bị tắc mật, viêm đường mật, viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hóa, có trường hợp bị vỡ gan.
Bộ Y tế nhấn mạnh thói quen và tập quán ăn uống là một phần nguyên nhân gây nhiễm bệnh. Do đó, người dân tránh ăn sống các rau mọc dưới nước và không uống nước lã.
Người nghi mắc sán lá gan lớn phải đến bệnh viện khám, điều trị sớm. Các hộ chăn nuôi cần định kỳ tẩy giun, sán cho trâu, bò nhằm tiêu diệt ký sinh trùng.
Hạn chế ăn rau sống nói chung
Theo thạc sĩ, bác sĩ Dzoãn Thị Tường Vi, nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198, rau sống cung cấp cho cơ thể vitamin C, A, E, chất khoáng và một số yếu tố vi lượng. Ngoài ra, các loại rau thơm còn cung cấp một lượng kháng sinh thực vật giúp cơ thể tăng sức đề kháng.
Tuy nhiên người ăn rau sống đồng thời phải đối mặt với nguy cơ cao mắc chứng viêm nhiễm đường tiêu hóa, bệnh giun sán, nhiễm độc thuốc trừ sâu cấp và mạn tính.
Trong đó, bệnh đường tiêu hóa là bệnh dễ gặp nhất, song lại ít được để ý. Trong các loại rau sống, xà lách, húng chó, mùi,... là các loại rau tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh đường ruột nhất.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, cũng cảnh báo kể cả rau tự trồng tại nhà vẫn có thể nhiễm các loại ký sinh trùng như giun kim, giun móc, trứng giun đũa chó, sán lá gan, ký sinh trùng amip gây bệnh lỵ. Thậm chí, rau sống ở một số nơi còn có phẩy khuẩn tả và có thể dẫn đến tiêu chảy.
Người trồng rau thường tưới rau bằng nước tiểu của người, phân tươi, nước từ mương ao, cống rãnh nhiễm bẩn hoặc trồng trong khu vực có nhiều phân chó mèo,… Người bán rau cũng hay dùng nước bẩn, nước cống phun để giữ rau tươi. Trong khi đó, người sử dụng cũng không rửa rau đủ sạch nên nguy cơ nhiễm giun, sán rất lớn.
Nhiều người thường ngâm rau sống trong dung dịch thuốc tím hoặc nước muối loãng, song trên thực tế, hai loại này đều không có tác dụng với trứng giun và một số vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là hóa chất bảo vệ thực vật.
Các chuyên gia của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) từng nghiên cứu trên 8 loại rau thường được ăn sống nhiều nhất là xà lách, xà lách xoong, rau muống, cải bẹ xanh, rau đắng, rau cải cúc, rau má, rau thơm gia vị (húng, tía tô, húng quế,...).
Kết quả cho thấy tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng trên rau là 92,3-100%. Kể cả sau 3 lần rửa sạch và rửa bằng nước chuyên dụng, tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng vẫn còn ở mức 51,9-82,6%.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, tốt nhất không nên ăn rau sống, phương pháp ăn chín uống sôi vẫn là cách bảo vệ sức khỏe an toàn nhất. Trong trường hợp muốn ăn, chúng ta nên chần qua nước sôi.
Ngoài ra, theo bác sĩ Tường Vi, riêng phụ nữ mang thai, người bị đau dạ dày, viêm đại tràng tuyệt đối không nên ăn rau sống.
5 lý do bạn nên bổ sung rau hẹ vào thực đơn hằng ngày
Rau hẹ là loại rau gia vị quen thuộc với nhiều người, không chỉ ngon miệng mà rau hẹ còn...
Những loại quả ngon tưởng ‘lành’ nhưng cực hại cho dạ dày nếu ăn sai giờ, đặc biệt có loại...
Trái cây là nguồn cung cấp vitamin dồi dào cho cơ thể, nhưng khi ăn bạn nên có sự chọn...
Điều gì sẽ xảy ra đối với sức khỏe nếu mỗi ngày ăn một quả ổi?
Ổi là loại trái cây phổ biến, có thể sử dụng trong thực đơn hàng ngày. Vậy điều gì sẽ...
Bánh mì: Món ăn ngon của mọi người nhưng có tác hại khó lường nếu ăn sai cách
Bánh mì ngon, bổ, rẻ là sự lựa chọn tuyệt vời của nhiều người cho bữa sáng bận rộn. Thế...