Dấu hiệu mang thai sớm

Nhiều chị em do chưa có kinh nghiệm nên thường lơ là các dấu hiệu báo mang thai nên không kịp thời có những chăm sóc y tế tốt cho bản thân. Vì không chú ý đến những dấu hiệu thay đổi của cơ thể nên một số chị em vẫn uống thuốc kháng sinh, thuốc giảm cân, chụp X – quang… những hành động này vô tình đã làm ảnh hưởng tới thai nhi và thai nhi có khả năng bị dị tật, dị hình trong bụng mẹ.

Vì vậy, chúng ta cần chú ý những dấu hiệu báo hiệu phổ biến sau:

  • Chậm kinh một tuần
  • Tức ngực, thân nhiệt tăng
  • Cơ thể mệt mỏi, buồn nôn
  • Thường xuyên đi tiểu
  • Chảy máu nhẹ vùng kín
Chị em không nên bỏ qua những dấu hiệu mang thai lần đầu - Ảnh minh họa: Internet

Nếu chị em có những dấu hiệu trên và nghi ngờ mình có thai, có thể mua que thử thai để kiểm tra tại nhà. Nếu que thử xuất hiện hai vạch hồng thì khả năng cao bạn đã có thai.

Lịch khám thai

Một trong những điều cần biết khi mang thai lần đầu đó là lên lịch cụ thể để khám thai. Khám thai là công việc vô cùng quan trọng giúp bác sĩ kiểm tra quá trình phát triển của thai nhi, cho mẹ thấy hình ảnh của con qua những lần siêu âm và theo dõi sức khoẻ của mẹ. Nhờ những lần khám thai này, bác sĩ sẽ nhanh chóng phát hiện ra những bất thường của thai nhi và có những tư vấn cụ thể cho cha mẹ.

Thông thường, mỗi tháng chị em nên đi khám thai một lần theo lịch hẹn của bác sĩ. Nếu như vì bận công việc hoặc lý do khác thì mẹ cũng không được bỏ qua những cột mốc khám thai quan trọng sau:

Khám thai tuần 11 – 14 của thai kỳ: Đây là thời điểm bác sĩ xác định được tuổi thai chính xác nhất. Ở lần khám thai này, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra đo độ mờ da gáy nhằm dự đoán một số bất thường của nhiễm sắc thể, đây là nguyên nhân thường gây ra bệnh down, dị dạng tim, chi, thoát vị cơ hoành…

Khám thai tuần 21 – 24 của thai kỳ: Ở giai đoạn này, cha mẹ đã có thể nhìn thấy hình ảnh rõ của con thông qua siêu âm 3D, 4D. Các cơ quan bên trong cơ thể như tim, phổi, thận, hộp sọ, não, tứ chi… đều có thể nhìn ra. Từ đó, bác sĩ có thể phát hiện ra các dị tật như hở hàm ếch, sứt môi, dị tật nội tạng. Đây là cột mốc quan trọng vì những đình chỉ thai nghén chỉ được thực hiện trước tuần 28 thai kỳ.

Khám thai tuần 30 – 32 của thai kỳ: Những bất thường về động mạch, tim, não sẽ được bác sĩ phát hiện thông qua lần siêu âm này. Ngoài ra, bác sĩ còn kiểm tra dây rốn xem nó còn đủ tốt để vận chuyển chất dinh dưỡng nuôi thai nhi, tình trạng nước ối, vị trí nằm của thai để dự đoán phương pháp sinh cho mẹ.

Chế độ dinh dưỡng cho mẹ

Nhiều chị em lo lắng về việc nên ăn gì để tốt cho thai nhi và không nên ăn gì để ảnh hưởng đến thai nhi. Dinh dưỡng là điều cần biết khi mang thai lần đầu, để mẹ và con được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, không thừa cũng không thiếu.

Chế độ dinh dưỡng đầy đủ và khoa học là những điều mẹ cần biết trong lần mang thai đầu tiên - Ảnh minh họa: Internet

Theo các chuyên gia, trong ba tháng đầu thai kỳ, do đa số chị em gặp tình trạng nghén, thai nhi giai đoạn này cũng chưa cần nhiều chất dinh dưỡng nên chúng ta chỉ cần ăn uống bình thường, có thể bổ sung thêm các sản phẩm sữa, thuốc bổ, đặc biệt bổ sung sắt và axit folic để tránh tình trạng thiếu máu và dị tật ống não ở trẻ.

Ở ba tháng giữa và cuối thai kỳ, mẹ chú ý bổ sung đầy đủ các nhóm thực phẩm tinh bột, chất đạm, chất béo, ăn nhiều rau xanh và trái cây để không gặp tình trạng táo bón, bổ sung thêm canxi, sắt, các vitamin A,D… và uống đủ 2 - 3 lít nước mỗi ngày.

Thông thường, số cân nặng cần tăng khi mang thai của phụ nữ sẽ dao động từ 10 -15kg tuỳ thuộc vào chỉ số BMI của mỗi người. Nếu mẹ tăng cân quá nhiều sẽ có nguy cơ mẹ bị thừa cân, tiểu đường, tăng huyết áp hoặc con vượt chuẩn cân nặng, sẽ gây khó khăn cho quá trình “vượt cạn”của mẹ. Ngược lại, nếu mẹ không tăng đủ cân trong thai kỳ sẽ dẫn tới e bé bị thiếu cân, còi xương, dễ sinh non, hạ đường huyết và phải ở lại bệnh viện theo dõi lâu hơn.

Mẹ bầu cũng nên tránh các thực phẩm có tính hàn như nước dừa, rau ngót, rau răm…, thực phẩm gây co thắt cổ tử cung như đu đủ xanh… ở ba tháng đầu thai kỳ vì dễ có nguy cơ sảy thai. Các mẹ cũng không nên sử dụng thuốc lá, rượu bia, các chất kích thích khác gây nguy hại đến thần kinh của thai nhi, các thực phẩm tái, chưa được nấu chín cũng nên hạn chế sử dụng vì có khả năng vẫn còn vi khuẩn gây bệnh trong thực phẩm.

Tiêm vắc xin trong thai kỳ

Mặc dù một số mẹ lo ngại tiêm vắc xin sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có trường hợp nào ghi nhận ảnh hưởng xấu của vắc xin, ngược lại vắc xin như tấm lá chắn bảo vệ mẹ và bé khỏi một số bệnh tật trong suốt thời kỳ mang thai.

Trước khi mang thai, các chị em có thể tiêm một số vắc xin như: Mũi tiêm 3 trong 1 (sởi, quai bị, rubella), viêm gan B, cúm, bạch hầu – ho gà – uốn ván.

Trong khi mang bầu, mẹ sẽ phải tiêm 2 mũi uốn ván, mũi đầu tiêm kể từ tuần thứ 20 trở đi. Mũi thứ 2 là mũi tiêm nhắc lại, cách mũi thứ nhất 1 tháng. Chị em cần đảm bảo hai mũi phải được tiêm trước khi sinh ít nhất một tháng.

Một số điều cần biết khi mẹ mang thai lần đầu

Chị em nên trang bị những kiến thức chăm sóc mẹ và bé trong lần mang thai đầu tiên - Ảnh minh họa: Internet

Với lần mang thai đầu tiên, các chị em cần lưu ý thêm một số điều như sau:

  • Đa số trường hợp sinh con đầu tiên thì ngày sinh sẽ sớm hơn ngày dự sinh của bác sĩ từ 7 – 10 ngày. Đây hoàn toàn là điều bình thường, khi gần tới ngày dự sinh, chị em nên chuẩn bị đồ đạc đi sinh đầy đủ và sẵn sàng tâm lý để “vượt cạn”.
  • Trường hợp rạn da sẽ xuất hiện từ tháng 6 – 7 của thai kỳ. Rạn da xuất hiện do cơ địa của mỗi người là khác nhau, để hạn chế tình trạng này, chị em nên có chế độ dinh dưỡng phù hợp để không tăng cân quá nhanh và quá nhiều trong thai kỳ, có thể sử dụng thêm dầu dừa hoặc các sản phẩm chống rạn da cho bà bầu để hỗ trợ thêm.
  • Hiện tượng ra máu trong ba tháng đầu thai kỳ là hiện tượng không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu chị em có hiện tượng ra máu trong những tháng cuối thai kỳ thường nghiêm trọng, các thai phụ nên đến bác sĩ để được chăm sóc và điều trị kịp thời.
  • Chị em cũng nên vận động nhẹ nhàng trong thai kỳ để cơ thể được khoẻ mạnh, dẻo dai và em bé trong bụng cũng được khoẻ mạnh. Đi bộ hoặc yoga cho phụ nữ mang thai là hai hoạt động phù hợp với chị em mang thai.
  • Một số hoạt động mẹ bầu cần tránh để không làm ảnh hưởng đến thai nhi như: làm việc quá sức, thức khuya; mang giày cao gót; không tự ý sử dụng thuốc tây nếu như không có tư vấn của bác sĩ; không xoa bụng hay massage kích thích sinh non…

Mang thai là một hành trình dài đòi hỏi ở mẹ sự kiên nhẫn và nắm bắt những kiến thức thông thái để có thể chăm sóc tốt cho cả mẹ và bé. Trang bị những điều cần biết trong lần mang thai đầu tiên sẽ giúp mẹ bớt bỡ ngỡ và có những bước đệm vững chắc để chuẩn bị cho mẹ tròn con vuông.