“Con sợ, con sẽ không thể đạt điểm cao môn toán.”

“Con không chắc con sẽ được chọn vào đội tuyển của trường.”

“Chắc con không thể chơi đàn giỏi được như bố đâu.”

“Con không chắc con sẽ được chọn vào đội tuyển của trường". Ảnh internet.

Những câu hỏi trên mẹ có thấy quen? Đã bao giờ mẹ nghe con trẻ thốt ra những câu thiếu tự tin về bản thân hay chưa? Nếu câu trả lời là có, hãy đọc bài viết dưới đây để tham khảo những cách củng cố sự tự tin cho con.

Tình yêu và sự ủng hộ

Bậc phụ huynh nào cũng đều dành cho con yêu của mình tình thương vô điều kiện. Nhưng liệu con bạn có hiểu được điều đó? Con bạn có biết rằng cha mẹ luôn bên cạnh và tôn trọng những quyết định của con?

Hãy cố gắng cho con cảm nhận được tình yêu từ cha mẹ nhiều nhất có thể. Trẻ cần phải biết rằng mình được yêu thương và ủng hộ từ gia đình, bất kể ưu điểm hay nhược điểm. Tình yêu vô điều kiện chính là nền tảng cân phải có để trẻ có thể trở thành một con người tự tin.

Tập trung điểm mạnh, khắc phục điểm yếu

Mọi người đều có những yếu điểm, không ai là hoàn hảo. Do vậy, để dạy trẻ về sự tự tin, cha mẹ không nên quá chú ý vào những thiếu sót. Bạn nên tập trung vào việc phát triển những điểm mạnh ở con, để con cảm nhận được giá trị của bản thân. Nếu trẻ luôn bị ám ảnh bởi những thất vọng trong cuộc sống (điểm số không tốt ở trường, thua kém bạn bè trong thể thao,…), cha mẹ hãy là chỗ dựa, là kim chỉ nam hướng trẻ đi đúng hướng bằng những cuộc trò chuyện về những thành công con đã đạt được.

Điều đó không đồng nghĩa với việc hoàn toàn quên đi những sai lầm của con. Hãy giúp con nhận ra sau mỗi thất bại là một bài học quý giá, nhắc nhở con rằng thành công sẽ đến chỉ khi con có quyết tâm.

Hạn chế giúp đỡ trẻ

Khuyến khích trẻ tự làm bằng chính khả năng của mình. Ảnh internet.

Cha mẹ nào cũng muốn bảo vệ con cái. Bạn sẵn sàng làm tất cả để trẻ có thể tránh khỏi cảm giác thất vọng, niềm đau hay nỗi sợ hãi. Tuy nhiên, đó không phải là một cách tốt để trẻ phát triển. Sự bảo bọc quá mức của cha mẹ mỗi lúc trẻ gặp khó khăn sẽ hạn chế khả năng tự giải quyết vấn đề của con. Một chút giúp đỡ từ phía cha mẹ là điều cần thiết, nhưng hãy để trẻ tự đưa ra giải pháp cho những rắc rối của mình. Học từ sai lầm là cách xây dựng sự tự tin.

Để trẻ tự đưa ra quyết định

Đưa ra quyết định là một trong những kĩ năng quan trọng nhất trẻ cần học để trở thành một người tự tin. Cha mẹ hãy để cho trẻ quyền tự quyết vấn đề.

Ở lứa tuổi nhỏ, trẻ vẫn chưa có thể tự đưa ra một quyết định cho chính mình nên bạn hãy cho con những quyết định mang tính gợi ý. Tốt nhất nên cho trẻ hai sự lựa chọn và hỏi xem con nghĩ giải pháp nào là tốt nhất. Ví dụ, mẹ có thể để con tự lựa chọn trang phục đến trường miễn là phù hợp. Nhưng tuyệt đối không cho con quyền quyết định rằng con muốn đến trường hay không.

Khuyến khích trẻ phát triển thế mạnh bản thân

Mỗi trẻ em đều có những sở thích riêng. Một vài trẻ thích âm nhạc, trong khi số khác lại thích vẽ tranh. Nhiệm vụ của cha mẹ là khám phá tiềm năng, thế mạnh của con và khuyến khích con phát triển năng lực ấy. Nếu con thích vẽ, hãy cho con đến lớp mỹ thuật. Nếu con thích thể thao, dù là bé trai hay bé gái, cha mẹ nên cổ vũ con tham gia các hoạt động, câu lạc bộ thể thao mà con muốn.

Chính sự phát triển được khả năng của bản thân sẽ tạo đà cho sự hình thành sự tin tin trong con trẻ. Cha mẹ có trách nhiệm mở ra những trải nghiệm mới để trẻ có thể trải nghiệm và phát triển sự tự tin trong việc đối phó với một thế giới rộng lớn hơn.

Hãy cổ vũ trẻ tự khám phá tiềm năng bản thân. Ảnh internet.

Khen ngợi đúng lúc

Không nên khen ngợi trẻ quá nhiều, cha mẹ chỉ dành lời khen cho trẻ cho những hành động xứng đáng. Nếu trẻ đã nỗ lực rất nhiều để đạt được điều đó thì cha mẹ hãy công nhận và cho trẻ những lời khen.

Ví dụ, chỉ đơn giản như con biết cho chó con ăn mỗi ngày trong suốt 1 – 2 tuần mà không cần sự nhắc nhở của cha mẹ; Đừng ngại cho trẻ những lời khen. Chỉ những câu như “con giỏi quá”, con trẻ đã có thể cảm thấy tự tin hơn rất nhiều

Biết đối mặt với thất bại

Cha mẹ không thể nào biết được con sẽ thất bại hay chiến thắng trong một vấn đề nào đó. Đừng cho con sự kỳ vọng chiến thắng, hãy cho con sự ủng hộ. Giống như nhiều đứa trẻ khác, con bạn sẽ phải trải qua cảm giác thất bại, thất vọng, thậm chí là những chỉ trích.

Bạn hãy giúp con hiểu rằng, không ai không phải đối mặt với thất bại. Hãy dạy trẻ đối diện với điều đó và con có thể cố gắng cho lần sau nếu con muốn vì “thất bại là mẹ của thành công”.

Khuyến khích trẻ bày tỏ cảm xúc

Một đứa trẻ tự tin có thể dễ dàng bày tỏ cảm xúc bản thân, nhưng không bộc lộ quá mãnh liệt. Cha mẹ có thể khuyến khích trẻ thể hiện cảm nhận của bản thân thông qua trò chuyện hoặc trao đổi qua những lá thư, và dạy trẻ bình tĩnh trong những lúc khó khăn.

Hãy để cho trẻ biết rằng sẽ không tốt nếu đưa ra cảm xúc của mình quá nhiều đến nỗi trẻ sẽ vỡ òa khi đối diện với những thử thách nhỏ nhất.

(Theo Mom Junction)