Những biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết trong mùa cao điểm
Nội dung bài viết:
Bệnh sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus dengue gây ra. Virus Dengue có 4 tuýp, từ 1 đến 4. Khi cơ thể bị nhiễm bởi 1 tuýp sẽ để lại miễn dịch lâu dài với tuýp đó. Mỗi người chúng ta có thể mắc bệnh 4 lần trong đời do 4 tuýp virus khác nhau gây ra.
Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở cả 4 khu vực Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.
Bệnh có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Biểu hiện bệnh sốt xuất huyết rất đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Biến chứng thường gặp của bệnh là: sốc, xuất huyết và suy đa tạng. Người bệnh có thể tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Cho đến nay, y học thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc điều trị đặc hiệu hoặc vắc xin để phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
Bệnh sốt xuất huyết có lây không?
Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chiếm đa số là do Aedes aegypti.
Muỗi cái Aedes aegypti là côn trùng truyền bệnh chủ yếu, thường đốt người vào ban ngày, mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối.
Dấu hiệu sốt xuất huyết ở người lớn
Thể bệnh nhẹ
Sốt cao đột ngột, liên tục, nhiệt độ khoảng 39 - 40 độ C, kéo dài từ 2 đến 7 ngày và kém đáp ứng với thuốc hạ sốt thông thường.
Đau đầu dữ dội ở vùng trán, đau cơ, đau khớp, nhức 2 hốc mắt.
Da có thể phát ban, xung huyết đỏ lên.
Thể bệnh nặng
Có thể bao gồm các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu sau đây:
Dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm chích, ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng).
Đau bụng, buồn nôn, kích thích, hốt hoảng.
Sốc sốt xuất huyết với các biểu hiện như: Vật vã, bứt rứt, lờ đờ, lạnh đầu chi, da lạnh, ẩm, mạch nhanh nhỏ, tiểu ít; huyết áp kẹt (huyết áp tối đa và tối thiểu cách nhau dưới 20mmHg), tụt huyết áp hoặc không thể đo được huyết áp.
Đôi khi gặp các trường hợp suy tạng như: Suy gan, suy thận, rối loạn đông máu nặng hoặc viêm não.
Chăm sóc và điều trị bệnh sốt xuất huyết
Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc điều trị chủ yếu của bệnh chỉ là điều trị triệu chứng. Người bệnh có thể điều trị tại nhà sau khi được bác sĩ chuyên khoa khám, xét nghiệm và tư vấn về kế hoạch điều trị, theo dõi và chăm sóc người bệnh ngoại trú.
Khuyến khích người bệnh uống nhiều nước bao gồm Oresol hoặc nước đun sôi để nguội, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh...) hoặc nước cháo loãng với muối.
Khi người bệnh sốt: Lau mát, uống thuốc hạ sốt Paracetamol, liều dùng từ 10 - 15 mg/kg/lần, cách nhau mỗi 4 - 6 giờ. Tuyệt đối không dùng Aspirin hay Ibuprofen để điều trị hạ sốt vì có thể làm nặng thêm tình trạng xuất huyết, toan máu.
Các trường hợp nặng cần nhập viện để nhận được sự chăm sóc và điều trị của nhân viên y tế.
Cách phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết hiệu quả
Phòng chống bệnh sốt xuất huyết bằng cách tiêu diệt muỗi truyền bệnh
Muỗi cái sẽ đẻ trứng ở nơi có nước đọng như: các dụng cụ chứa nước trong gia đình (chum, thau, vại, bể nước...), trong những mảnh bát vỡ có nước đọng, thậm chí là cả ở lốp xe ô tô, chai lọ...
Sau 2 - 3 ngày, trứng muỗi nở thành bọ gậy (lăng quăng), sau đó phát triển thành muỗi vằn. Muỗi vằn thường sống trong nhà, trú ngụ ở những nơi tối, ẩm thấp.
Theo phương châm: không có lăng quăng, không có muỗi thì không có sốt xuất huyết, việc chúng ta cần làm là phá bỏ nơi muỗi đẻ, cải thiện môi trường thì mật độ muỗi sẽ giảm. Chính vì thế, loại bỏ nơi đẻ trứng và trú ẩn của muỗi và diệt bọ gậy là biện pháp phòng chống sốt xuất huyết đầu tiên cần làm:
Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào sinh sản được.
Các hộ gia đình có thể thả cá nhỏ vào các dụng cụ chứa nước để diệt lăng quăng, bọ gậy.
Thay nước và rửa các dụng cụ chứa nước hàng tuần.
Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường đẻ trứng ở mép nước, do đó có thể dùng bàn chải cọ kỹ mép dụng cụ chứa nước.
Thu gom, tiêu hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến để tránh nước đọng.
Sắp xếp đồ đạc trong nhà gọn gàng, ngăn nắp để hạn chế nơi trú ẩn của muỗi.
Thay nước bình đựng hoa thường xuyên.
Đốt nhang xông khói để xua muỗi.
Phát quang cây cối sẽ vừa làm giảm nơi sinh sản của các loài thích đẻ trứng trong các ổ nước có bóng râm, vừa phá bỏ nơi trú ẩn của muỗi trưởng thành.
Xử lý nguồn nước, khai thông cống rãnh.
Đối với những dụng cụ chứa nước như khay nước tủ lạnh, bát nước kê chân giường hoặc tủ... thì chúng ta có thể cho muối hoặc dầu ăn vào nước sẽ khiến muỗi không thể đẻ trứng.
Không cho muỗi đốt – cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết đơn giản
Mặc quần áo dài tay.
Ngủ mùng kể cả ban ngày.
Bình xịt côn trùng, đốt hương muỗi hoặc kem xua muỗi thoa trên da có thể làm hạn chế muỗi đốt.
Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi, điều hòa nhiệt độ đều có thể làm giảm nguy cơ muỗi bay vào nhà và chích mọi người trong gia đình.
Đặc biệt, người bị sốt xuất huyết cần được cách ly, nằm trong màn, tránh việc bị muỗi đốt khiến bệnh lây lan cho người khác.
Với trẻ em, để phòng chống bệnh sốt xuất huyết cho trẻ hiệu quả thì cha mẹ phải thường xuyên nhắc nhở cũng như quan sát các bé. Không cho trẻ chơi ở những nơi ẩm thấp, tối, cây cối rậm rạp. Ngoài ra, phải chú ý mắc màn khi ngủ, mặc quần áo dài tay cho trẻ để phòng bệnh.
Tích cực phối hợp với các kế hoạch phòng chống bệnh sốt xuất huyết của chính quyền địa phương
Phun hóa chất diệt muỗi là một biện pháp hiệu quả để phòng chống bệnh, để việc phun tốt nhất thì cần định kỳ phun thuốc diệt muỗi vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao nhất thì việc này phải được thực hiện đúng cách.
Để đảm bảo công tác phun thuốc diệt muỗi có hiệu quả, cộng đồng dân cư nên tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và ngành y tế trong các đợt phun.
Đồng thời thực hiện công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bộ gậy cùng một lúc để tiêu diệt triệt để ổ muỗi tại khu dân cư.
Nếu các hộ gia đình chỉ phun thuốc diệt muỗi một diện tích trong nhà mà không phun hết hoặc trong cùng một khu vực mà có hộ phun thuốc, có hộ không phun thuốc thì vẫn có thể xảy ra trường hợp đàn muỗi bay từ nhà này sang nhà khác, khiến việc phun thuốc diệt muỗi kém hiệu quả.
Theo đánh giá của cơ quan y tế, muỗi tại một số nơi đã tăng sức chịu đựng với hóa chất do người dân tự ý sử dụng thuốc diệt muỗi không đúng cách, nhưng nếu phun thuốc đúng loại và đúng liều lượng thì vẫn có thể tiêu diệt được muỗi.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân cần đóng kín các cửa sổ, cửa ra vào, lỗ thông gió vào khi phun thuốc.
Cần thu dọn dụng cụ thực phẩm trước khi phun để không bị nhiễm hóa chất. Sau khi phun thuốc nên ra khỏi nhà và trở về sau khoảng 30 phút đến 1 tiếng. Với một số người có cơ địa nhạy cảm, nếu bị dính thuốc trên người thì cần phải rửa sạch, nặng hơn thì phải đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị.
Tổng kết lại, để ngăn ngừa sự bùng phát của dịch bệnh sốt xuất huyết thì điều quan trọng nhất chính là thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết đúng cách, có sự phối hợp tích cực giữa người dân và chính quyền địa phương cũng như các cơ quan y tế.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....