Giá trị dinh dưỡng của nhộng tằm

Theo Viện Dinh dưỡng, ước tính trong 100g nhộng tằm có khoảng 13g đạm, 6,5g lipid, 206 calo cùng nhiều axit amin, vitamin và khoáng chất đặc biệt là canxi và phốt pho. Vì thế, loại thực phẩm này rất tốt cho sức khỏe, đối với cả người lớn và trẻ em.

- Phòng chống còi xương

Nhờ chứa hàm lượng canxi và phốt pho cao nên nhộng tằm rất tốt cho hệ xương của trẻ. Chúng hỗ trợ làm tăng mật độ xương, giúp phát triển chiều cao, chống còi xương, suy dinh dưỡng. Đặc biệt ngăn ngừa các bệnh về xương khớp như loãng xương, mất xương…

- Tăng cường chức năng hệ tiêu hóa

Nhộng tằm có tác dụng nhuận tràng, cải thiện hệ tiêu hóa giúp trẻ hạn chế được tình trạng táo bón. Khi hệ tiêu hóa hoạt động ổn định trẻ sẽ ăn ngon miệng hơn, từ đó phát triển thể chất một cách thuận lợi.

Nhộng tằm là một thực phẩm giàu canxi, tốt cho sức khỏe (Ảnh: Dinhduong).

- Tăng cường sức khỏe tổng thể

Trong nhộng tằm còn chứa nhiều loại vitamin thiết yếu như vitamin A, C, các axit amin như valin, tyrosine, tryptophan… Vì thế ăn nhộng tằm sẽ giúp tăng cường sức khỏe tổng thể, giúp trẻ phát triển trọn tiềm năng.

Lưu ý chế biến nhộng đúng cách

Dù rất bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe nhưng có không ít trường hợp ăn nhộng tằm bị dị ứng, thậm chí là ngộ độc.

Nhộng tằm ăn ngon và bổ, tuy vậy khi dùng loại thực phẩm này chúng ta cần chú ý đề phòng chứng dị ứng. Sau khi ăn, bệnh nhân sẽ biểu hiện triệu chứng ban đầu là khó thở, buồn nôn… Những trường hợp nặng, người bệnh mẩn ngứa toàn thân, đau bụng quằn quại, buồn nôn, người lạnh toát, huyết áp tụt thấp…, nếu không được cứu chữa kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Vì thế, cha mẹ cần lưu ý một số điều sau:

- Cho trẻ ăn đúng liều lượng, chỉ nên ăn 2 - 3 bữa/ tháng. Ngoài ra để an toàn nên cho trẻ ăn một ít để quan sát phản ứng. Nếu trẻ không bị dị ứng thì có thể cho ăn nhiều hơn vào lần sau.

- Chọn lựa loại nhộng tằm tươi, có màu vàng ươm đẹp mắt. Tuyệt đối không sử dụng nhộng tằm để lâu, có mùi lạ hay các thân bị rời rạc.

- Không cho trẻ ăn nhộng tằm sống. Luôn phải rửa sạch và chế biến thật kỹ trước khi ăn.

- Không chế biến nhộng tằm với các loại hải sản như tôm, cá, cua, mực…, chỉ nên nấu chung với các loại rau củ quả.

- Nhộng tằm là thực phẩm chứa nhiều thành phần chất đạm nên nếu bảo quản không đúng cách, chất đạm sẽ bị phân hủy thành chất gây hại cho cơ thể. Để đảm bảo an toàn cho trẻ và giữ trọn dưỡng chất trong nhộng tằm, bạn nên chế biến, nấu chín ngay khi mua về hoặc bảo quản trong nhiệt độ từ 0 đến 5 độ C.

Một số món ăn thơm ngon có thể chế biến cho trẻ như: nhộng tằm rang lá chanh, nhộng tằm chiên xù…

- Nếu trẻ có tiền sử dễ bị dị ứng thì tốt nhất không nên cho trẻ ăn nhộng tằm.

Nhộng tằm là món ăn giàu dinh dưỡng và rất tốt cho sức khỏe của trẻ nếu bố mẹ cho trẻ ăn đúng cách. Để trẻ dễ làm quen được với loại thực phẩm có hình thức và mùi vị hơi đặc biệt này bạn có thể chế biến theo nhiều cách như chiên xù hay xào với rau củ.