Theo chuyên gia, các vấn đề dân văn phòng thường xuyên gặp phải là trầm cảm, rối loạn lo âu, hoặc có thể chưa tiến triển thành bệnh như xuất hiện cảm xúc tiêu cực, dễ cáu gắt…

Mới đây, một nghiên cứu được công bố mới đây trên GHDx (Global Health Data Exchange) đưa ra kết quả về tỷ lệ rối loạn tâm thần toàn cầu hiện lên tới 14,6% dân số toàn thế giới. Cụ thể, xét riêng ở nhóm tuổi lao động, năm 2008 một nghiên cứu tại Anh đã chỉ ra cứ 6 nhân viên lại có một người gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần mà nguyên nhân là từ môi trường làm việc gây ra.

Ảnh minh họa: Internet

Những vấn đề tâm lý này rất đa dạng với nhiều hình thái, mức độ khác nhau. Trong cộng đồng, dù đã có sự lan tỏa hay tuyên truyền về bệnh này nhưng thực tế vẫn chưa cải thiện. Đây cũng là điều cần đặc biệt lưu ý với nhóm dân văn phòng, những người trong độ tuổi lao động.

Tiến sĩ, bác sĩ tâm lý Ngô Thị Thanh Hương, cho biết sau đại dịch Covid-19, có tới 45-50% người thuộc nhóm nhân viên văn phòng, trẻ (dưới 30 tuổi) xuất hiện các vấn đề rối loạn tâm lý cũng như sức khỏe tâm thần. Bà cho biết: "Các vấn đề phổ biến là trầm cảm, rối loạn lo âu… Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chúng ta cần làm rõ rằng đôi khi vấn đề chưa tiến triển thành bệnh. Thay vào đó, nhiều tình huống chỉ gây ra những rối loạn cảm xúc, khiến một số người dễ cáu gắt, từ đó không kiểm soát được hành vi".

Bà Hương cũng đưa ra nguyên nhân chính gây nên bệnh trầm cảm ở văn phòng là vì nhóm người này tuy số lượng đông đảo nhưng họ lại cô đơn và luôn thấy thiếu kết nối với nhau. 

"Việc lạm dụng các thiết bị công nghệ điện tử, Internet là một vấn đề của xã hội hiện đại. Bản thân tôi trong quá trình điều trị thời gian qua cũng gặp rất nhiều trường hợp tìm tới sự trợ giúp sau khi cảm thấy mất kết nối với thế giới xung quanh", tiên sĩ Hương nhấn mạnh.

Bộ Y tế cũng khuyến khích một số hoạt động hay sự trao đổi như trò chuyện, cà phê cùng nhau cùng ăn trưa... để tăng sự kết nối tại nơi làm việc, hạn chế các bệnh liên quan tới sức khỏe tinh thần.

Hiện nay việc tự tử do trầm cảm đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Thực trạng nhiều người trẻ tuổi đã tìm tới cái chết khi thấy bế tắc trước khó khăn cuộc sống. Có những ngôi sao giải trí hàng đầu châu Á cũng tìm tới việc kết thúc sự sống của chính mình vì thấy bế tắc. Khi điều tra ra, được biết họ từng vướng vào các lý do về sức khỏe tinh thần.

 

BS Ngô Thị Thanh Hương nói: “Trong showbiz, chúng ta cũng biết rằng áp lực là kinh khủng. Khi các quan điểm xã hội được đẩy lên, chỉ trích, khen, chê… nổ ra, một số người nổi tiếng có thể xuất hiện các hành động như vậy. Tuy nhiên, trong xã hội bình thường, những trường hợp này cũng không hiếm”.

Thống kê cho thấy cứ mỗi 40 giây, thế giới lại ghi nhận một người tự tử. Đây là một con số “khủng khiếp”.

Nếu bạn thấy căng thẳng với môi trường công sở, hãy dũng cảm chia sẻ vấn đề của mình với ai đó hoặc đồng nghiệp đáng tin cậy để có lối thoát cho tâm lý. Thực tế thì tất cả mọi việc đều có hướng giải quyết.

Hãy tham khảo những cách thức dưới đây để thoát khỏi sự căng thẳng, lo lắng:

Hãy luôn luôn vận động khi có thời để tìm kiếm sự sảng khoái, thư giãn cũng như tái tạo lại tinh thần qua việc luyện tập.

Thư giãn, đọc sách hay đi bộ, ngồi thiền hoặc tham gia vào những câu lạc bộ chữa lành.

Nếu bạn có chứng lo âu kinh niên, caffeine không phải là một người bạn tốt, vì nó có thể gây hốt hoảng, điều này không tốt nếu bạn lo lắng.

Không đọc hay xem tivi trên giường và hãy ngủ đủ giấc.

Uống một ly rượu khi căng thẳng có thể làm bạn bình tĩnh lúc đầu.Nhưng sự lo lắng sau đó có thể quay trở lại. Vì vậy hãy tránh xa chất gây nghiện này.