Thực đơn dinh dưỡng của phụ nữ mang thai ăn chay trường thường có rất nhiều rau, củ, quả - giúp giảm tình trạng táo bón. Đồng thời, lượng chất xơ còn giúp đường tiêu hóa sạch hơn, đào thải các chất cặn bã. Ngoài ra, thực phẩm chay đều xuất phát từ nguồn gốc thực vật nên không có cholesterol và rất ít chất béo bão hòa.

Do vậy, mẹ bầu ăn chay sẽ không sợ tăng cholesterol xấu trong máu, hạn chế bệnh tim mạch. Không chỉ vậy, việc ăn chay còn giúp mẹ bầu giữ chỉ số cân nặng bởi lượng chất xơ trong thực phẩm chay sẽ giúp tạo cảm giác no lâu hơn.

Ăn chay không chỉ giúp mẹ bầu tránh tình trạng táo bón, đào thải chất cặn bã, giảm cholesterol xấu trong máu, giữ dáng,... Ảnh minh họa: Internet

Tuy nhiên, khi mang thai cần cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng nên khi ăn chay, bà bầu cần dành nhiều thời gian hơn trong việc lựa chọn thực phẩm và xây dựng thực đơn hàng ngày. Chính vì thế, có không ít bà bầu ăn chay bị thiếu chất dinh dưỡng cần thiết, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Dưới đây sẽ là một số nguyên tắc cơ bản mà mẹ bầu ăn chay cần lưu ý khi xây dựng thực đơn dinh dưỡng hàng ngày.

Bố sung axit folic

Axit folic là dưỡng chất quan trọng trong sự phát triển và hình thành hệ thần kinh của thai nhi. Theo đó, nếu thiếu axit folic, đặc biệt trong 3 tháng đầu sẽ có nguy cơ khiến trẻ bị khuyết tật ống thần kinh. Chính vì thế, mẹ bầu ăn chay có thể tăng cường ăn những thực phẩm giàu axit folic là: Bông cải xanh, đậu Hà Lan, các loại hạt, chuối, cam, dừa,...

Cung cấp đầy đủ chất sắt

Khi mang thai, các mẹ thường gặp phải tình trạng thiếu máu dẫn đến choáng váng, xanh xao, suy giảm hệ miễn dịch, thậm chí ngất xỉu, vì thế việc tăng cường sắt để tạo máu là điều rất cần thiết.

Theo đó, bà bầu ăn chay có thể bổ sung đầy đủ lượng sắt khi hấp thụ các thực phẩm như các loại đậu khô, hạnh nhân, rau lá có màu xanh đậm,... Đồng thời, nên ăn thêm các thực phẩm giàu vitamin C để tăng khả năng hấp thụ sắt.

Bà bầu ăn chay cần cung cấp đầy đủ chất sắt để giảm thiểu tình trạng thiếu máu dẫn đến choáng váng, xanh xao, suy giảm hệ miễn dịch, thậm chí ngất xỉu. Ảnh minh họa: Internet

Tăng cường bổ sung protein

Protein là nguồn dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Các mẹ bầu cần hiểu rằng bản thân mình đang thiếu một lượng protein khá lớn khi không sử dụng các loại thịt, cá, tôm… Chính vì thế, mẹ bầu có thể hấp thụ các nguồn protein khác như trứng và sữa. Theo đó, thai phụ chỉ cần uống khoảng 2 - 4 ly sữa mỗi ngày là đủ lượng protein cần thiết. 

Canxi và vitamin D

Canxi và vitamin D là hai dưỡng chất không thể thiếu trong thời gian mang thai bởi nó không chỉ giúp mẹ bầu tránh được các bệnh đau nhức về xương khớp, khắc phục chứng chuột rút, đồng thời hỗ trợ phát triển hệ xương và răng của thai nhi. Theo đó, một số thực phẩm giàu vitamin D là sữa đậu nành, rau lá có màu xanh đậm, hạt hướng dương, quả sung, ngũ cốc, rong biển, bông cải xanh, hạt vừng, cam… Ngoài ra, mẹ bầu có thể tắm nắng 30 phút mỗi ngày từ 7 - 8 giờ sáng để giúp cơ thể tổng hợp vitamin D.