Tỷ lệ người trẻ (dưới 40 tuổi) mắc bệnh lý này tăng hơn nhiều so với trước. Ảnh: Việt Linh.

Nhồi máu cơ tim xảy ra khi một hoặc cả hai nhánh động mạch vành bị tắc nghẽn đột ngột, khiến cơ tim thiếu máu nuôi dưỡng và đối diện nguy cơ hoại tử. Nếu không được cấp cứu kịp thời, vùng cơ tim bị tổn thương có thể chết, làm suy giảm chức năng bơm máu của tim, dẫn đến suy tim hoặc đột tử.

PGS.TS.BS Phạm Trường Sơn, Chủ nhiệm khoa Nội Tim mạch, Viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, cho biết hiện tỷ lệ người trẻ (dưới 40 tuổi) mắc bệnh lý này tăng hơn nhiều so với trước, vốn chỉ hay gặp ở người cao tuổi.

Theo vị chuyên gia, nguyên nhân số 1 khiến người trẻ có thể bị nhồi máu cơ tim là hút thuốc lá. Thứ 2 là mỡ máu, có thể từ di truyền hoặc tăng cao hằng định.

"90% các bệnh nhân trẻ nhồi máu cơ tim sẽ có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm, mỡ máu cao hằng định, môi trường tác động. Không ít bệnh nhân chỉ mới 35-40 tuổi nhưng có tiền sử hút thuốc 20 năm", PGS Sơn nói.

Một số bệnh nhân trẻ bị nhồi máu cơ tim do yếu tố di truyền, gene... tình trạng thường rất nặng. Song, trường hợp này khá hiếm gặp.

Chuyên gia nhận định việc điều trị cho bệnh nhân trẻ bị cản trở chủ yếu do chế độ dùng thuốc. Ông nhận thấy người trẻ còn chủ quan, không tuân thủ dùng thuốc theo hướng dẫn, dẫn đến điều trị kém hiệu quả, dễ tái lại.

Bên cạnh đó, hai trường hợp dễ bị bỏ sót cơn nhồi máu cơ tim là phụ nữ và người cao tuổi. Phụ nữ thường đau ngực không điển hình. Người già các tụ cảm của cơ thể bị giảm khiến cơn đau không nhận biết rõ ràng, bản thân họ nhiều bệnh kết hợp nên khó nhận thức được. Cơn đau có thể hết sau vài tiếng nên người bệnh ít quan tâm, không đi khám.

Để phòng bệnh lý này, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên có chế độ ăn uống nhiều rau xanh, cá, hoa quả và tập thể dục mỗi ngày. Ngoài ra, hãy bỏ thuốc lá, rượu bia và duy trì cân nặng với mức BMI dưới 23 kg/m2.