Mùi cơ thể là mùi bạn ngửi thấy khi mồ hôi tiếp xúc vi khuẩn trên da. Bản thân mồ hôi không có mùi, nhưng vi khuẩn trên da trộn lẫn với mồ hôi sẽ gây ra mùi. Mùi cơ thể có thể có mùi ngọt, chua, mùi thơm hoặc như mùi hành.

Lượng mồ hôi đổ ra không nhất thiết ảnh hưởng đến mùi cơ thể. Đó là lý do một người có thể có mùi cơ thể khó chịu nhưng không tiết ra mồ hôi. Ngược lại, một người có thể đổ mồ hôi quá nhiều nhưng không có mùi. Điều này là do mùi cơ thể là kết quả của loại vi khuẩn trên da của mỗi người và cách vi khuẩn đó tương tác với mồ hôi chứ không phải chính mồ hôi.

Tác nhân nào gây ra mùi cơ thể?

Theo Cleverland Clinic, làn da của chúng ta được bao phủ bởi vi khuẩn tự nhiên. Khi chúng ta đổ mồ hôi, nước, muối và chất béo sẽ trộn lẫn với vi khuẩn này và có thể gây ra mùi. Các yếu tố như thực phẩm bạn ăn, hormone hoặc thuốc có thể ảnh hưởng đến mùi cơ thể.

Một tình trạng gọi là hyperhidrosis (tăng tiết mồ hôi thứ phát) khiến một người đổ mồ hôi quá nhiều. Những người bị tình trạng này có thể dễ bị mùi cơ thể hơn vì họ đổ mồ hôi rất nhiều, nhưng các tuyến mồ hôi ngoại tiết thường gây khó chịu nhất với lòng bàn tay và bàn chân đổ mồ hôi.

Các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến mùi cơ thể là: Tập thể dục, căng thẳng hoặc lo lắng, thời tiết nóng, thừa cân, di truyền.

Cơ thể có mùi khó chịu khiến nhiều người xấu hổ ở nơi công cộng. Ảnh: Menshealth.

Một số lý do như sử dụng một số loại thuốc, thực phẩm chức năng hoặc thực phẩm có thể khiến mồ hôi có mùi khó chịu. Một số tình trạng y tế và bệnh tật có liên quan những thay đổi trong mùi hương cơ thể thông thường của một người bao gồm bệnh tiểu đường, bệnh gout, thời kỳ mãn kinh, tuyến giáp hoạt động quá mức, vấn đề về gan, thận, các bệnh truyền nhiễm.

Nếu bạn bị tiểu đường, sự thay đổi trong mùi cơ thể có thể là dấu hiệu của nhiễm toan ceton. Nồng độ xeton cao khiến máu có tính axit và mùi cơ thể thường có mùi trái cây. Trong trường hợp mắc bệnh gan hoặc thận, cơ thể sẽ có mùi như thuốc tẩy do tích tụ độc tố trong cơ thể.

Ngoài ra, những thay đổi trong nội tiết tố có thể gây ra mùi cơ thể. Các cơn bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm và sự dao động nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh gây ra mồ hôi nhiều, dẫn đến thay đổi mùi cơ thể. Một số người tin rằng mùi cơ thể của họ thay đổi khi mang thai hoặc trong kỳ kinh nguyệt. Nhiều nghiên cứu cho thấy mùi cơ thể của một người thay đổi trong thời kỳ rụng trứng để thu hút người khác phái.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng những gì bạn ăn có thể ảnh hưởng mùi cơ thể. Nếu ăn thực phẩm giàu lưu huỳnh, bạn có thể phát triển mùi cơ thể. Lưu huỳnh có mùi trứng thối. Khi mồ hôi tiết ra từ cơ thể, nó có thể gây ra mùi khó chịu. Một số thực phẩm giàu lưu huỳnh là: Hành, tỏi, cải bắp, bông cải xanh, súp lơ, thịt đỏ.

Các nguyên nhân phổ biến khác của chế độ ăn uống có thể gây ra mùi cơ thể là:

- Thực phẩm giàu caffeine.

- Gia vị như cà ri hoặc thìa là.

- Nước sốt nóng hoặc thức ăn cay khác.

- Rượu bia.

Cách loại bỏ mùi hôi cơ thể

Mùi hôi cơ thể có thể xuất hiện do vệ sinh cá nhân, chế độ ăn uống kém và bệnh lý, vì vậy, bạn có thể áp dụng một số mẹo dưới đây để kiểm soát mùi cơ thể.

Giữ gìn vệ sinh cá nhân: Điều quan trọng là bạn phải tắm ít nhất một lần/ngày bằng xà phòng diệt khuẩn để rửa sạch mồ hôi và vi khuẩn tạo mùi trên da. Đặc biệt, bạn cần chú ý đến những vùng dễ ra mồ hôi như bàn chân, nách, bẹn. Sau đó, bạn phải lau khô những khu vực này kỹ lưỡng sau khi tắm vì rất khó để vi khuẩn phát triển trên da khô.

Tắm rửa, vệ sinh cơ thể ít nhất một lần mỗi ngày là cách giúp cơ thể loại bỏ mồ hôi và vi khuẩn tạo mùi trên da. Ảnh: Stylecraze.

Sử dụng chất chống mồ hôi: Khi đã tắm xong, bạn cần sử dụng chất chống mồ hôi mạnh. Nó sẽ giúp giảm cường độ mùi của cơ thể bằng cách ức chế sự phát triển và hoạt động của vi khuẩn tạo mùi.

Hầu hết chất chống mồ hôi đều chứa nhôm clorua, hóa chất được biết là có tác dụng chống mồ hôi. Những người đổ mồ hôi nhiều có thể sử dụng chất chống mồ hôi hai lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối.

Thay quần áo thường xuyên: Những người ra nhiều mồ hôi nên thay quần áo thường xuyên. Quần áo mới có thể giúp giữ mùi cơ thể. Mặc dù không phải tất cả quần áo đều cần được giặt sạch sau mỗi lần sử dụng, những người đổ mồ hôi quá nhiều có thể cần giặt quần áo thường xuyên hơn.

Đặc biệt, vì chân là nơi dễ bị đổ mồ hôi hơn, bạn hãy cân nhắc việc thay tất thường xuyên. Những người có mồ hôi chân nên thay đế giày thường xuyên và đi chân trần càng nhiều càng tốt.

Sử dụng loại vải chất liệu tự nhiên: Chất liệu vải của quần áo bạn mặc có thể ảnh hưởng đến việc cơ thể có mùi như thế nào. Các loại vải nhân tạo như polyester và spandex có thể giúp thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn tạo mùi trên da.

Mặt khác, các loại vải tự nhiên như bông, vải lanh và len có thể giúp giảm sự tích tụ của vi khuẩn bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho mồ hôi bay hơi.

Giảm tiêu thụ một số loại thực phẩm: Thực phẩm bạn ăn có thể ảnh hưởng đến mùi cơ thể. Vì vậy, bạn cần hạn chế hoặc tránh đồ uống có cồn và caffein, thực phẩm giàu lưu huỳnh, đồ ăn cay. Ngoài ra, tiêu thụ trái cây họ cam quýt như chanh và cam, và các loại thực phẩm chứa probiotic như sữa chua có thể giúp cải thiện mùi cơ thể.