Cứu sống sản phụ vỡ tử cung do rau cài răng lược

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã phẫu thuật cấp cứu thành công cứu sống sản phụ bị vỡ tử cung do rau cài răng lược.

Sản phụ Lương Thị Đ., 40 tuổi mang thai 34 tuần, nhập viện cấp cứu khi có dấu hiệu đau bụng dữ dội, không thể nằm ngửa, da xanh, có phản ứng thành bụng, có tiền sử mổ đẻ cũ... Qua tiến hành thăm khám và dựa trên hình ảnh siêu âm cấp cứu tại giường, các bác sĩ trực cấp cứu Khoa Phụ sản đã khẩn trương mời các bác sĩ trực lãnh đạo, trực trưởng phiên, trực khối ngoại và Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức hội chẩn cấp cứu.

Kết quả chẩn đoán, sản phụ bị vỡ tử cung trên bệnh nhân mổ đẻ cũ, rau tiền đạo trung tâm - theo dõi rau cài răng lược, bệnh nhân có chỉ định mổ cấp cứu ngay. Kíp mổ đã tiến hành phẫu thuật, cứu được 1 bé trai nặng 2.100 gram.

BSCKI. Vương Ngọc Chắt - Khoa Ngoại tổng hợp (Trưởng kíp mổ) cho biết: Đây là ca mổ khó vì mặt trước đoạn dưới tử cung có nhiều mạch máu tăng sinh, góc phải đoạn dưới tử cung gai rau đâm xuyên thủng cơ tử cung gây chảy máu, phúc mạc thành bụng tăng sinh nhiều mạch máu.

Kíp mổ đã hút ra khoảng 1.500ml máu đỏ lẫn máu cục trong ổ bụng sản phụ, cắt tử cung bán phần khâu cầm máu, cắt một phần bàng quang có rau thai bám vào và khâu phục hồi bàng quang. Trong mổ, sản phụ vừa được hồi sức tích cực, vừa được phẫu thuật, đồng thời truyền bổ sung 12 đơn vị máu. Hiện tại, sau mổ, sức khỏe sản phụ đã ổn định.

Các mức độ rau cài răng lược.

Để tránh gặp biến chứng nguy hiểm của rau cài răng lược - Sản phụ cần làm gì?

Rau cài răng lược là hiện tượng bệnh lý nhau không bong tróc khỏi thành tử cung sau quá trình sinh nở, mà bám chặt vào cơ tử cung, thậm chí xâm lấn các cơ quan lân cận. Nếu cài bám vào tử cung quá sâu, rau không thể tự tách thành tử cung hoặc chỉ bong một phần. Vấn đề xảy ra là khi các mạch máu mở, mà không đóng được kịp thời. Đây cũng là nguyên nhân cần phải truyền máu, gây nhiễm trùng hậu phẫu và những lỗ dò sau mổ.

Nhau cài răng lược được chia ra làm 3 thể khác nhau dựa trên mức độ bám dính của gai nhau. Gai nhau bám dính càng chắc, ăn vào càng sâu thì tình trạng càng nặng và nguy hiểm.

Ảnh minh họa: Internet

Nguy cơ rau cài răng lược thường gặp ở các sản phụ có: rau tiền đạo, có tiền sử vết mổ cũ ở tử cung (mổ đẻ, mổ bóc nhân xơ...), mang thai trên 35 tuổi, nạo hút thai nhiều lần... Rau cài răng lược sẽ gây nguy cơ: chảy máu sau đẻ, sau mổ, gai rau đâm xuyên cơ tử cung gây thủng, vỡ tử cung, đâm xuyên vào các tạng xung quanh như bàng quang, ruột... có nguy cơ phải cắt tử cung để cầm máu. Khi thủng, vỡ tử cung, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ và bé.

Rau cài răng lược có phát hiện được qua siêu âm thai không?

Siêu âm có thể phát hiện sớm nhau cài răng lược cũng như tình trạng nhau cài răng lược ở mức độ nào, nguy hại ra sao. Nếu bạn nằm trong nhóm những người dễ bị rau cài răng lược kể trên, đặc biệt là rau tiền đạo thì cần xem xét cẩn thận. Không phải ai bị rau cài răng lược cũng phát hiện khi siêu âm thai. Nhiều trường hợp sau khi sinh, nhau thai không bong ra được, các bác sĩ mới chẩn đoán tình trạng này.

Vì vậy, phụ nữ mang thai cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa Sản để khám thai định kỳ và tuân thủ đúng theo tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ, khi phát hiện thai có rau tiền đạo cần được siêu âm Doppler màu (hoặc chụp cộng hưởng từ) để phát hiện rau cài răng lược. Thông thường, khi siêu âm thai trong 3 tháng cuối của thai kỳ, các bác sĩ cũng sẽ chủ động kiểm tra kỹ hơn tình trạng rau thai, xem gai rau có bám quá sâu không để đưa ra phương án xử lý kịp thời.

Ảnh minh họa: Internet

Khi phát hiện rau cài răng lược, hướng xử trí phụ thuộc vào: tình trạng của sản phụ, vị trí nhau bám, mức độ xâm lấn vào cơ tử cung, diện tích rau bám cơ... Trường hợp nhẹ thì sản phụ được bồi hoàn máu và tử cung tự cầm máu. Nặng nề nhất, bác sĩ sẽ phải quyết định cắt tử cung, thậm chí, nếu nhau đã lấn sang cả bàng quang hay trực tràng thì giải pháp có thể là cắt bỏ một phần hai bộ phận trên.