"Cảm giác ngộp thở khi ra đường"

Những ngày này, chị Vân Anh, một nữ nhân viên công sở tại TP.HCM không ngừng cảm thấy lo lắng khi đọc thông tin về tình hình ô nhiễm không khí tại thành phố chị đang sinh sống. 

Tiếc tiền mua máy lọc không khí, chị đã mua khẩu trang được quảng cáo có tác dụng lọc bụi bẩn để sử dụng mỗi khi ra đường.

"Dùng đi làm về cảm giác được bảo vệ sức khoẻ tới 50% vì khẩu trang bịt kín miệng và mũi nhưng đeo thấy dễ thở, cũng đáng đồng tiền bát gạo. Chỉ mong chống được loại bụi mịn đang hoành hành khắp thành phố", chị Vân Anh nói.  

Ra đường là phải bịt khẩu trang kín mít vì không thở nổi. Ảnh: Thu Hà

Sau Hà Nội, TP.HCM tiếp tục chìm trong lớp “sương mù” do ô nhiễm không khí và bụi mịn khiến nhiều người cảm thấy khó chịu. Theo Vnexpress, các khoa hô hấp nhiều bệnh viện TP. HCM đều ghi nhận bệnh nhân tăng cao. 

Bác sĩ Nguyễn Khắc Vui, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn cho biết lượng bệnh hô hấp những ngày qua tăng khoảng 5-10% so với ngày thường.

Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố ngày 24/9 điều trị hơn 90 bệnh nhi, ngày thường khoảng 60-70 bệnh. Hiện khoa có nhiều bệnh nhi hen suyễn, trong đó 4 ca nặng suy hô hấp cấp cứu, hơn 25 bệnh nhi viêm tiểu phế quản nhập viện vì khò khè, thở mệt, khoảng 30 bệnh nhi viêm phổi.

Tổ chức quốc tế giám sát chất lượng không khí AirVisual cảnh báo mức ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại TP.HCM, với nồng độ bụi siêu vi PM2.5 (bụi mịn) hiện ở mức 102,7 µg/m³. Chất lượng không khí tại TP.HCM đang duy trì ở mức thuộc nhóm có hại cho sức khỏe con người.

Với 25 năm làm công tác khám chữa bệnh, nghiên cứu về lĩnh vực dị ứng PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn (Giảng viên cao cấp Trường ĐH Y Hà Nội, Tổng thư ký Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TP. Hà Nội, Nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai đã thẳng thắng nhận định bệnh dị ứng đã gia tăng đến mức báo động bởi sự hiện diện dày đặc của bụi bẩn trong không khí. 

PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, Giảng viên cao cấp Trường ĐH Y Hà Nội, Tổng thư ký Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TP. Hà Nội. Ảnh: Thu Hà

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, tốc độ đô thị hóa chóng mặt, cộng với thói quen giữ gìn vệ sinh kém của người dân đã khiến không khí ô nhiễm cả trong nhà lẫn ngoài nhà, đây chính là thủ phạm lớn nhất lớn nhất dẫn đến tình trạng bệnh dị ứng gia tăng gấp 5 lần so với 10 năm trước đây. 

Vòng luẩn quẩn bệnh tật do ô nhiễm

Bệnh dị ứng khởi phát trên nền cơ địa dị ứng kết hợp với sự kích hoạt của khói, bụi bẩn, nấm mốc, vi rút, vi khuẩn từ môi trường. 

“Nấm mốc, bụi bẩn là lý do khiến người dân Việt Nam thường xuyên mắc một số bệnh dị ứng như viêm da dị ứng, viêm mũi dị ứng, hen phế quản… mãn tính và cấp tính”, PGS. Đoàn cho biết. 

Trong một đề tài nghiên cứu cấp Bộ năm 2011, tiến sĩ Đoàn đã chỉ ra con số có tới 4 triệu người Việt bị hen phế quản, chiếm 3.9% dân số. Trong đó, trẻ em tỉ lệ 3.3% và người lớn là 4.4%. Nhìn ra các nước trong khu vực Đông Nam Á, đây cũng là con số không hề nhỏ: Indonexia (8.2%), Thái Lan (9.23%), Malaixia (9.7%), Philippin (11.8%), Singapore (14.33%). Cơn hen bùng phát với các dấu hiệu điển hình ho, khò khè, thở nhanh hay thở nông, tức ngực và triệu chứng có thể xảy ra nặng hơn nếu người bệnh thức đêm.

Không khí "đặc quánh" khiến ai cũng cảm thấy khó chịu. Ảnh: Thu Hà

Những triệu chứng này trở nên xấu hơn khi người bệnh nhiễm siêu vi (cúm), đùa nghịch quá mức, thay đổi cảm xúc đột ngột, tiếp xúc các yếu tố kích hoạt cơn hen như bụi nhà, lông vật nuôi, gián, nấm mốc, phấn hoa, mùi hắc, khói (thuốc lá, bếp, đốt nhang, dầu, gas), thuốc aspirins đã từng gây khó thở, một số thức ăn đã gây khó thở, thay đổi thời tiết.

"Môi trường sống càng ô nhiễm thì càng dễ bị bệnh dị ứng. Bệnh dị ứng tái đi tái lại nhiều lần, hậu quả là người bệnh phải dùng thuốc, mà càng dùng thuốc thì càng làm cho nguy cơ dị ứng thuốc tăng lên. trong khi đó, dị ứng thuốc được coi là là nguyên nhân hàng đầu trong các ca sốc phản vệ, có thể gây chết người ở Việt Nam.

Tôi cho rằng đây là một cái vòng bệnh tật luẩn quẩn, xuất phát từ tốc độ đô thị hóa quá nhanh mà ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trong nhà và ngoài nhà của người dân còn kém”, PGS. Đoàn bày tỏ.

 

Để phòng bệnh dị ứng do ô nhiễm môi trường, PGS. Nguyễn Văn Đoàn khuyến cáo người dân thời điểm này hãy nâng cao ý thức vệ sinh nhà cửa thường xuyên.

Đó là sử dụng ánh sáng mặt trời tiệt trùng đồ đạc.

Lau dọn từng ngóc ngách, giặt giũ, phơi phóng chăn ga gối đệm, quần áo, đặc biệt là áo da để tránh ẩm mốc.

Bỏ thói quen hút thuốc lá, dùng bếp than trong nhà, hạn chế sử dụng thảm len, các loại hóa chất. Những cách làm đó sẽ giúp căn nhà không bị biến thành ổ bụi bẩn, vi khuẩn.