Người lao động, nhân viên văn phòng ở các nước phương Tây đang học cách ngủ trưa để duy trì năng suất làm việc và tránh nắng nóng khắc nghiệt.
A.C. Shilton, một vận động viên xe đạp chuyên nghiệp ở Mỹ, có thói quen dậy từ 5h30 để tập thể dục. Sau đó, anh sẽ bắt đầu các bài tập sức bền để chuẩn bị cho cuộc đua xe đạp tiếp theo. Lịch trình này đã kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, tinh thần và sức bền của Shilton thường gặp vấn đề vào buổi chiều.
“Gần đây, tôi thường cảm thấy buồn ngủ và nôn nao vào giữa giờ chiều. Tệ hơn nữa, càng về chiều, tôi càng lười biếng và không muốn tập chạy xe đạp”, Shilton nói.
Chuyên viên y tế của Shilton khuyên anh thực hành một truyền thống lâu đời ở châu Á và vùng Địa Trung Hải: ngủ trưa. “Chuyên gia sức khỏe của tôi cho biết giấc ngủ trưa 20 phút có thể mang lại nhiều lợi ích như cải thiện sự tỉnh táo, phản xạ nhanh nhạy và tăng độ tập trung. Do đó, gần đây tôi đang tập ngủ trưa”, nam vận động viên chia sẻ.
Không chỉ Shilton và chuyên viên sức khỏe của anh ấy, nhiều người dân, công ty ở các quốc gia như Mỹ, Đức đang lên kế hoạch cho các chính sách khuyến khích người lao động ngủ trưa để duy trì năng suất làm việc và tránh nắng nóng.
Liều doping không có chất hóa học
Đối với Eliza Dumais, một chuyên viên truyền thông ở Mỹ, giấc ngủ trưa là điều gì đó mà cô “chưa từng nghĩ đến”.
“Đối với tôi, việc thực dậy sau giấc ngủ trưa giống như vừa từ cõi chết trở về. Dường như có một màn sương đang che khuất não tôi và làm tư duy chậm lại. Tôi kiên quyết phản đối văn hóa ngủ trưa”, Dumais khẳng định.
Tuy nhiên, quan điểm chống ngủ trưa của Dumais không nhận được sự đồng thuận từ đa số đồng nghiệp. Theo Tổ chức Giấc ngủ Mỹ, cứ 10 người Mỹ thì có 4 người cho biết họ ngủ trưa ít nhất 1 lần/tuần. Năm 2016, một nghiên cứu của Đại học Michigan (Mỹ) cho thấy giấc ngủ ngắn kéo dài 60 phút có thể giúp mọi người điều chỉnh cảm xúc “một cách kỳ diệu”. Đồng thời, công ty mà Dumais đang làm việc cũng tích cực phổ biến văn hóa ngủ trưa đến các nhân viên.
“Sau 9 tháng làm việc từ xa và 26 năm sống trong sự bơ phờ, mệt mỏi, tôi quyết định cho giấc ngủ trưa một cơ hội khác và học cách ngủ trưa bài bản hơn”, Dumais kể.
Vốn là một người làm việc tại nhà, Dumais viết và thiết kế ấn phẩm truyền thông cho công ty ngay trên giường ngủ. Cô xem phim và, đôi khi, ăn ngũ cốc trên giường. “Triết lý sống của tôi dường như trái với quy tắc để có một giấc ngủ ngon của các chuyên gia. Bác sĩ khuyên tôi chỉ nên sử dụng phòng ngủ để ngủ thay vì làm việc và giải trí”.
Quyết định đầu tư thật bài bản cho giấc ngủ trưa, cô tân trang lại phòng ngủ bằng một tấm nệm mới, máy tạo tiếng ồn trắng và nến thơm.
“Giấc ngủ đầu tiên sau khi thay mới gần như mọi thứ trong phòng ngủ, tôi nằm lên giường với cảm giác lạ lẫm. Điện thoại đã chuyển sang chế độ máy bay. Chuông báo thức sẽ reo sau 40 phút. Tôi nằm đó. Suy nghĩ nối tiếp suy nghĩ. Sau 5 phút, tôi chìm vào giấc ngủ. 35 phút sau, chuông báo thức reo lên”, Dumais kể.
Cô bật dậy và lao ra phòng khách, nơi Dumais cố tình đặt đồng hồ để ép bản thân vận động sau khi thức dậy. “Thật tuyệt vời sau giấc ngủ đầu tiên, tôi đã không còn choáng váng, nửa tỉnh nửa mê. Có vẻ như dự án ngủ trưa của tôi đã thành công”, Dumais nói.
Không chỉ những người làm việc từ xa, các công ty, tập đoàn như Google, Accenture đang cố gắng cung cấp tiện nghi nhiều nhất có thể để nhân viên của họ ngủ trưa. Giờ đây, phòng ngủ trưa còn được xem là một phương tiện để các công ty thu hút và giữ chân nhân tài.
“Có một cuộc khảo sát của Digital.com cho thấy 3/4 nhân viên văn phòng muốn ngủ trưa hoặc tập thể dục tại công ty”, TS James Maas, chuyên gia về giấc ngủ ở Dallas, chia sẻ. “Đây là một nghiên cứu rất rõ ràng về nhu cầu của người lao động. Gần 70% nhân sự ở các công ty đang thiếu ngủ. Các công ty nên nhìn vào điểm mấu chốt này và sử dụng giấc ngủ trưa như một hình thức cải thiện năng suất và giữ chân nhân sự”.
Cary Brown, giáo sư y học phục hồi tại Đại học Alberta, nhận xét các chính sách khuyến khích ngủ trưa có thể là lợi thế cạnh tranh khi tuyển dụng nhân tài ở các công ty. “Việc cho phép người lao động ngủ trưa có thể giúp các doanh nghiệp duy trì năng suất làm việc. Vì vậy các chính sách ngủ trưa có thể được xem là một khoản đầu tư để duy trì năng suất lao động”, bà nói.
TS Jade Wu. nhà nghiên cứu tâm lý tại Đại học Duke, nói: “Một giấc ngủ trưa hiệu quả giống như một liều dopintg (một loại thuốc kích thích thường gặp trong thể thao) không có chất hóa học. Ngủ trưa có thể giúp bạn suy nghĩ rõ ràng, phản ứng nhanh nhạy và cải thiện trí nhớ”.
Ngủ trưa tránh nắng
Bên cạnh câu chuyện duy trì năng suất làm việc, các công ty, người sử dụng lao động cũng đang cân nhắc ngủ trưa như một phương pháp tránh nắng nóng gay gắt.
Tại Đức, một quốc gia vốn nổi tiếng với năng suất lao động luôn ở mức cao, chính phủ lại cân nhắc chính sách cho người lao động làm việc vào sáng sớm và tối muộn, lúc nhiệt độ chưa lên quá cao hoặc đã xuống thấp.
Năm 2023, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach nhận xét giấc ngủ trưa “là một ý tưởng không tồi” và khuyên người sử dụng lao động, người lao động nên thương lượng với nhau để cho phép người lao động ngủ trưa, tránh làm việc trong cái nóng 38,8 độ C.
Sau phát ngôn của Bộ trưởng Y tế, một phát ngôn viên của chính phủ Đức cũng nhận xét văn hóa ngủ trưa cần được “thực hiện rất nghiêm túc” trong bối cảnh “nhiệt độ mùa hè có sự thay đổi lớn”.
Tại Mỹ, theo Grist, các công ty đang thử nghiệm nhiều giải pháp để ứng phó với nắng nóng cực độ. Ví dụ như cho nhân viên mặc áo khoác chứa nước đá, miếng dán thấm mồ hôi và nghỉ giải lao có trả lương.
Trong ngành nông nghiệp, lĩnh vực đòi hỏi nhiều thời gian trồng, chăm sóc và thu hoạch nông sản, những người nông dân đang chuyển sang thu hoạch cây vào ban đêm để tránh nắng nóng ban ngày.
TS Brenda Jacklitsch, một nhà khoa học về sức khỏe và chuyên gia về nhiệt tại Viện Sức khỏe và An toàn Lao động Mỹ, ủng hộ ý tưởng cho phép người lao động, đặc biệt là những người làm việc ngoài trời, ngủ trưa.
“Bạn biết đấy, giữa trưa là thời điểm nóng nhất trong ngày, khi đó mặt trời đã lên thiên đỉnh”, Jacklitsch nói. “Vì vậy, việc công ty sắp xếp những việc nặng nhọc, căng thẳng nhất vào sáng sớm hoặc tối muộn có thể là một giải pháp phù hợp để giúp người lao động làm việc an toàn, hiệu quả”.
Sau nhiều buổi trò chuyện cùng các chuyên viên y tế, A.C. Shilton đã học được cách ngủ trưa chuyên nghiệp. “Tôi không mấy thành công trong những ngày đầu tiên. Tuy nhiên, khi đã quen giấc, ngủ trưa giúp tôi loại bỏ cảm giác uể oải và lười biếng vào mỗi buổi chiều”, nam vận động viên nói thêm anh sẽ chọn ngủ trưa thay vì tập xe đạp dưới cái nắng gần 40 độ ở Texas.
Theo Đông Tùng/Tạp chí tri thức
Tin liên quan
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....