1. Xơ gan là gì?

Gan là bộ phận có nhiều chức năng quan trọng. Khi mắc các bệnh lý như viêm gan hoặc uống quá nhiều rượu gây tổn thương gan, gan thường có khả năng tự phục hồi, thay thế các tế bào gan bị tổn thương bằng các tế bào mới.

Tuy nhiên, khi tổn thương gan xảy ra nhiều lần, mô sẹo có thể tích tụ giữa các tế bào gan do gan liên tục cố gắng tự chữa lành. Giai đoạn đầu của sẹo được gọi là xơ hóa.

Theo thời gian, nếu không giải quyết được nguyên nhân gây tổn thương gan, sẹo sẽ tích tụ lại và dẫn đến xơ gan, ảnh hưởng vĩnh viễn đến gan. Xơ gan cản trở dòng tuần hoàn đến gan và có thể phá vỡ các chức năng thiết yếu của gan.

Xơ gan thường được phân loại là còn bù hoặc mất bù: Xơ gan còn bù là tình trạng gan bị tổn thương nhưng vẫn còn tương đối chức năng. Xơ gan mất bù thể hiện sự suy giảm nhanh chóng của chức năng gan.

Trong một số trường hợp, tổn thương do xơ gan có thể dẫn đến suy gan và thậm chí tử vong.

Hình ảnh xơ gan.

 

2. Nguyên nhân phổ biến gây xơ gan

Các nguyên nhân phổ biến nhất gây xơ gan là bệnh gan liên quan đến rượu, viêm gan B, viêm gan C và gan nhiễm mỡ không do rượu. Trong đó, viêm gan B là nguyên nhân phổ biến nhất. Nếu người bệnh mắc viêm gan B mà không được điều trị kiểm soát tốt có thể dẫn đến biến chứng như xơ gan và ung thư gan.

Theo BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, virus viêm gan B có thể gây ra tổn thương gan, hủy hoại tế bào gan… và là căn nguyên hàng đầu gây ung thư gan.

Nếu người bệnh mới bị nhiễm virus viêm gan B dưới 6 tháng, được gọi là viêm gan B cấp. Nếu bị nhiễm virus viêm gan B trên 6 tháng, được gọi là viêm gan B mạn.

Trường hợp người bệnh mắc viêm gan B lâu hơn 6 tháng và trở thành viêm gan B mạn thì cần quan tâm theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Bởi vì 30% người mắc viêm gan B mạn sẽ tiến triển thành xơ gan; 5-10% sẽ tiến triển thành ung thư gan.

Chính vì vậy, người mắc viêm gan B cần tuân thủ lịch khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm hoặc gan mật. Điều này là vô cùng quan trọng, giúp cho người bệnh trao đổi với bác sĩ về tình trạng bệnh của mình, cũng như phát hiện kịp thời giai đoạn bệnh để điều trị, ngăn ngừa các biến chứng suy gan, xơ gan, và ung thư gan.

3. Người bệnh xơ gan nên ăn uống thế nào?

Khi được chẩn đoán là xơ gan, người bệnh cần tuân thủ điều trị của bác sĩ. Ngoài việc dùng thuốc cần điều chỉnh lối sống, đặc biệt cần chú ý chế độ dinh dưỡng để kiểm soát bệnh.

Những thay đổi trong chế độ ăn uống của người bệnh là rất quan trọng và thực phẩm lành mạnh là một phần của chế độ ăn uống tốt cho người bệnh xơ gan.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người bị xơ gan có thể bị suy dinh dưỡng do những thay đổi trong quá trình trao đổi chất và tiêu hóa xảy ra khi gan bị tổn thương. Vì vậy, chế độ ăn uống cho người bệnh xơ gan cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, giảm áp lực cho gan, ngăn chặn các biến chứng liên quan và ngăn ngừa tổn thương gan thêm.

Theo BS. Đào Thị Hảo, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện TW Quân đội 108, bệnh nhân xơ gan thường có các triệu chứng mệt mỏi, gầy sút cân, chán ăn, suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa, táo bón đau bụng, phù chân, cổ trướng, xuất huyết tiêu hóa...

Vì vậy, chế độ dinh dưỡng hợp lý không những cải thiện được tình trạng "sợ" ăn của bệnh nhân xơ gan mà còn có vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình trạng xơ gan cũng như phòng ngừa biến chứng trong bệnh xơ gan mất bù.

Ở giai đoạn xơ gan còn bù: Ở những bệnh nhân này, chức năng gan vẫn còn, mặc dù bị yếu dần nhưng về lâu dài để tránh suy dinh dưỡng vẫn nên duy trì chế độ ăn hợp lý gần như bình thường, đầy đủ các thành phần đạm, đường, mỡ, vitamin và khoáng chất, tránh kiêng quá mức cần thiết. Đồng thời, chia nhỏ bữa ăn để tạo sự ngon miệng và thay đổi các loại thức ăn cho đa dạng.

Ở giai đoạn xơ gan mất bù: Về nguyên tắc và mục đích giống chế độ ăn của xơ gan còn bù, nhưng cần chú ý giảm lượng đạm, tăng đạm quý (có acid amin mạch nhánh- BCAAs), giảm muối, tăng chất xơ trong rau xanh, trái cây hay chất xơ thô để nhuận tràng. Đảm bảo lượng nước uống 1-1,2l/ngày…

Người bệnh xơ gan nên tăng cường chất xơ trong rau xanh, trái cây.

4. Người bệnh xơ gan nên kiêng gì?

Người bệnh xơ gan cần lưu ý có một số loại thực phẩm và đồ uống cần phải hạn chế hoặc tránh tuyệt đối.

Tránh uống rượu: Bất kỳ lượng rượu nào cũng được coi là không an toàn cho người bệnh xơ gan, vì đó là nguyên nhân tiềm ẩn gây tổn thương gan nhiều hơn, thậm chí là suy gan. Uống rượu cũng có thể góp phần gây ra suy dinh dưỡng và các vấn đề sức khỏe khác.

Hạn chế chất béo: Cơ thể tiêu hóa chất béo bằng cách sử dụng mật được tạo ra trong gan. Khi gan bị tổn thương, quá trình sản xuất và cung cấp mật có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến các triệu chứng về tiêu hóa. Gan không hoạt động tốt sẽ gặp khó khăn trong việc tiêu hóa thực phẩm giàu chất béo.

Hạn chế thực phẩm đóng hộp: Nên chọn thực phẩm tươi vì các loại thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn thường chứa nhiều muối, đường và phụ gia không tốt cho sức khỏe.

Tránh thịt, hải sản sống hoặc nấu chưa chín: Những người bị tổn thương gan do xơ gan bị suy giảm chức năng miễn dịch, làm tăng nguy cơ bị nhiễm độc do vi khuẩn và virut trong những thực phẩm này.

Nên hạn chế thực phẩm giàu chất béo.