Nghiện rượu ở Việt Nam ngày càng trẻ hóa

Việc sử dụng rượu bia ở Việt Nam đang gia tăng ở mức báo động, đặc biệt là ở giới trẻ. Điều này không chỉ tạo nên gánh nặng đối với y tế, kinh tế mà còn gia tăng các vấn đề xã hội.

 
Ảnh minh họa

Trả lời Vietnamnet ThS. BS Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết: "Nước ta xếp thứ 2 trong các nước khu vực Đông Nam Á và xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người".

TS Trần Quốc Bảo, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cảnh báo, tỷ lệ uống rượu bia ở người trưởng thành tại Việt Nam ở mức cao, đặc biệt ở nam giới. Theo kết quả điều tra yếu tố nguy cơ các bệnh không lây nhiễm của Bộ Y tế năm 2021, có tới hơn 64% nam giới và 10% nữ giới trưởng thành được hỏi cho biết có uống rượu bia 30 ngày qua.

Đáng chú ý, tỷ lệ uống rượu bia ở mức nguy hại đều tăng cao qua các năm, đặc biệt là ở nam giới. Kết quả điều tra của Bộ Y tế cho thấy, cứ 3 nam giới lại có 1 người uống ở mức nguy hại.

TS Trần Quốc Bảo cũng nhấn mạnh, hành vi uống rượu bia đang ngày càng phổ biến ở tuổi vị thành niên tại Việt Nam và tuổi bắt đầu uống rượu bia đang ngày càng trẻ hóa.

Những hệ lụy và nguy cơ của người "nghiện rượu"

Kết quả từ các nghiên cứu khoa học gần đây trải dài từ việc phát hiện ra rằng việc tiêu thụ rượu ở mức vừa phải tốt hơn cho sức khỏe của so với việc không uống rượu, cho đến Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố rằng không có mức độ rượu nào là an toàn. Đặc biệt, những người nghiện rượu bia sẽ gây ra những hệ lụy và nguy cơ sức khỏe đáng báo động.

Ảnh minh họa

Viện Ung thư Quốc gia Mỹ , tiêu thụ rượu thường xuyên làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Ví dụ, trong năm 2012, hơn 5% tất cả các trường hợp ung thư mới và gần 6% tất cả các trường hợp tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều do rượu. Theo một nghiên cứu được công bố tháng 10/2015 trên Tạp chí Ung thư Quốc tế, những người nghiện rượu nặng, nguy cơ mắc các loại ung thư nói trên tăng vọt. Ví dụ, nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản cao gấp 5 lần so với những người không uống rượu. Ngay cả uống rượu vừa phải cũng làm tăng tỷ lệ ung thư miệng, cổ họng và vú.

Ngoài ra, nghiện rượu nặng có thể làm xói mòn mô não và làm tăng nguy cơ đột quỵ. Cụ thể, một đêm say rượu hoặc uống nhiều rượu có thể dẫn đến tình trạng mất trí nhớ tạm, không nhớ được các sự kiện và chi tiết quan trọng. Những người uống nhiều rượu trong thời gian dài có nguy cơ thay đổi hệ thống dây thần kinh trong não, dẫn đến các vấn đề về nhận thức và để lại hậu quả lâu dài về cấu trúc não cũng như đẩy nhanh quá trình sa sút trí tuệ vì tuổi tác.

Biện pháp ngăn ngừa tình trạng nghiện rượu ở người trẻ

Với thực trạng trẻ hóa người "nghiện rượu" như hiện nay cần có những biện pháp và cân nhắc lớp trẻ trong việc sử dụng rượu bia điều độ, giáo dục giới trẻ không lạm dụng rượu, bia, hướng tới những hoạt động lành mạnh vì cộng đồng luôn là giải pháp tích cực và ngăn chặn từ xa. Song, điều này phải được dạy dỗ từ rất sớm, ngay trong mỗi gia đình một cách nghiêm túc, thường xuyên. Điều đó tạo cho trẻ một thói quen tốt, lành mạnh. Thói quen đó sẽ được duy trì tới khi trưởng thành.

Cùng với đó, hàng loạt giải pháp mang tính xã hội cũng cần phải làm quyết liệt như bán rượu, bia tại những điểm, những giờ nhất định, nghiêm cấm trẻ em uống rượu, bia hay tăng giá bán rượu, bia… là những giải pháp không mới mà nhiều nước tiên tiến đã thực hiện và thu được kết quả khả quan.